Menu

Finance Asia: Chứng khoán Việt Nam đang chờ thời


Để đủ tiêu chuẩn đạt trạng thái thị trường mới nổi trong bộ chỉ số của MSCI, có thể là cả FTSE, Việt Nam cần hành động nhiều hơn nữa để thu hút nhà đầu tư ngoại.

Việt Nam, một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á, đứng trước cơ hội được các đơn vị cung cấp chỉ số nâng hạng từ thị trường cận biên (FM) lên thị trường mới nổi (EM). Để hiện thực hóa điều này, Việt Nam trước hết cần có những cải cách phù hợp để làm hài lòng nhà đầu tư ngoại.

MSCI sẽ thông báo kết quả đợt đánh giá thường niên vào ngày 25/6. Tuy nhiên, hầu hết nhà đầu tư và môi giới đều cho rằng việc nâng hạng khó có thể xảy ra trong vài năm tới do họ thấy thị trường vốn Việt Nam còn có một số tồn tại, cùng với việc giới hạn chủ sở hữu nước ngoài (FOL) đối với các công ty niêm yết.

“Chứng khoán Việt Nam cần ít nhất một năm nữa trước khi được đưa vào danh sách được chọn, thêm một đến hai năm nữa để chính thức trở thành EM”, Hinh Dinh, nhà phân tích tại công ty chứng khoán VNDIRECT, nói với Finance Asia.

Vào bộ chỉ số của FTSE Russell dường như là nhiệm vụ khả thi hơn. FTSE đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ FM lên nhóm “mới nổi thứ cấp” hôm 26/9/2018.

Việc sửa đổi Luật Chứng khoán có thể giúp tăng cơ hội thành công. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) công bố dự thảo sửa đổi vào cuối năm 2018 và trình Quốc hội thảo luận trong tháng 5. Nếu được thông qua, dự thảo sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2020.

Theo MSCI, để được coi là EM, Việt Nam phải có quy mô và thanh khoản tương xứng, dễ tiếp cận cho nhà đầu tư. Thị trườnghiện có hơn chục công ty niêm yết đáp ứng yêu cầu của MSCI về vốn hóa thj trường tối thiểu 1,594 tỷ USD, cổ phiếu tự do chuyển nhượng trên 797 triệu USD, tỷ lệ giá trị giao dịch hàng năm trên vốn hóa thị trường (ATVR) 15%.

Chứng khoán Việt Nam có tính thanh khoản cao hơn Philippines, quốc gia đã xếp loại là EM.

Vấn đề còn lại tăng khả năng tiếp cận cho nhà đầu tư. MSCI cho rằng khả năng tiếp cận thị trường phản ánh trải nghiệm đầu tư của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, bao gồm một số thước đo định tính.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhiều công ty đạt chuẩn vốn hóa thị trường của MSCI. Ảnh: Reuters.

Việt Nam đã tìm đến các nhà đầu tư nước ngoài như Vontobel Asset Management để trao đổi về cách khơi thông con đường tiếp cận thị trường. Trong vài tháng qua, Trưởng bộ phận giao dịch của Votobel Asset Management, Gary Thompson, đã tới Hà Nội, thảo luận về dự thảo Luật Chứng khoán với Chủ tịch SSC Trần Văn Dũng, đại diện các sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) và TP HCM (HoSE).

“Ngay từ đầu cuộc họp, họ đã rất cởi mở, chân thành và sẵn lòng trao đổi về nhiều chủ đề”, gồm giảm sự quan liêu và chi phí cho nhà đầu tư, theo Thompson, người đã đầu tư vào EM và thị trường châu Á trong khoảng 30 năm.

Để thu hút nhà đầu tư danh mục, cách dễ nhất là buộc các công ty phải công bố những thông tin có thể khiến thị trường biến động, như lợi nhuận, bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt cùng lúc. Nếu nhiều công ty không thực hiện, Việt Nam có thể để vuột mất những nhà đầu tư nhỏ hơn, mạo hiểm hơn - những người không thể trả phí dịch thuật.

Một điều trớ trêu là ngay cả tài liệu liên quan đến dự thảo Luật Chứng khoán đăng trên website SSC cũng chỉ có tiếng Việt.

Lộ trình 6 bước

Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đón nhận các đề xuất bởi trạng thái FM đang hạn chế nhà đầu tư mua cổ phiếu công ty Việt Nam. Nhiều tổ chức cấm giao dịch cổ phiếu tại những FM rủi ro.

Các quỹ ETF theo chỉ số MSCI EM quản lý hơn 1.600 tỷ USD tính đến ngày 30/6/2017, theo số liệu từ eVestment, Morningstar và Bloomberg. Con số này cao hơn nhiều nguồn vốn đầu tư vào chỉ số MSCI FM.

Vontobel Asset Management cho rằng để MSCI xem xét đánh giá, Việt Nam cần thực hiện 6 bước đi lớn gồm: dỡ trần FOL, triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), cải thiện minh bạch thông tin cho nhà đầu tư, phát triển thị trường phái sinh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và cải thiện giám sát giao dịch, định giá, thông tin về cổ phiếu.

Tất cả đều là những cột mốc quan trọng giúp tạo ra nhiều phương thức đầu tư từ bên ngoài, giúp kinh tế Việt Nam phát triển. Trong FM, vốn là yếu tố chính giúp công ty tăng trưởng và kích thích nhu cầu người tiêu dùng, trong khi sự đầu tư từ các tổ chức trong nước khá nhỏ.

“Bạn không thể ra lệnh cho nhu cầu của người tiêu dùng”, Sudhir Roc-Sennett, cố vấn cấp cao về quản lý danh mục đầu tư tại Vontobel Asset Management, New York, nói.

“Khối ngoại có thể mang lại nhiều chuyên môn về kỹ thuật và thương hiệu, giúp các công ty lớn trong nước có thể vươn ra nước ngoài”.

Dòng vốn ngoại từng tràn vào Việt Nam sau đó rút đi nhanh chóng, khiến các công ty bị gián đoạn, thị trường lộn xộn. VNIndex đạt đỉnh 1.137,7 điểm vào tháng 2/2007 trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng sau đó chỉ còn 245,7 điểm vào tháng 2/2009. Đỉnh gần nhất của chỉ số này là 1.174,5 điểm vào tháng 3/2018.

“Việt Nam vẫn là một nền kinh tế trẻ, trong quá khứ bị ‘quá nóng’”, Roc-Sennet cho biết. Do đó, các nhà cải cách nên hành động chậm rãi để tạo ra tăng trưởng bền vững, không nên thúc đẩy những đề xuất “nửa vời”.

MSCI sẽ công bố báo cáo đánh giá thường niên về các thị trường vào cuối tháng 6. Ảnh: Liên Hương.

FOL

Dự thảo Luật Chứng khoán cho phép các công ty xóa bỏ hạn chế với FOL, miễn là không mẫu thuẫn với luật pháp trong nước hoặc các nghĩa vụ quốc tế. Theo quy định hiện tại, FOL có trần 30% với ngân hàng, 49% với công ty niêm yết, trừ khi công ty liên quan xin được nâng tỷ lệ nhưng rất ít bên làm vậy.

Hiện chưa rõ Luật Chứng khoán mới có áp dụng cho các công ty niêm yết trước đó hay không hay chỉ áp dụng với công ty niêm yết mới.

MSCI theo dõi sát sao việc các nước cho phép khối ngoại tiếp cận thị trường chứng khoán. Kuwait, được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng hồi tháng 6/2018, đã giảm FOL với ngân hàng từ 49% về 0% trong tháng 12/2018 để tăng khả năng vào chỉ số MSCI EM.

Quy định về sở hữu nước ngoài trong Luật Chứng khoán dường như là vấn đề ‘nóng’ đối với các đại biểu Quốc hội. Thương vụ bán cổ phần 5 tỷ USD tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn cho ThaiBev năm 2017 cho thấy sự tranh cãi khi nhà đầu tư lợi dụng lỗ hổng pháp lý để vượt qua giới hạn sở hữu - sử dụng một công ty Việt Nam, nơi ThaiBev có 49% cổ phần.

Roc-Sennett khá bảo thủ về vấn đề này. Ông cho rằng ngân hàng là một công cụ quan trọng của Chính phủ Việt Nam trong quản lý nền kinh tế và lĩnh vực này vẫn chậm phát triển. Sở hữu tư nhân, đặc biệt là trong tay nhà đầu tư ngoại, sẽ làm công cụ này kém sắc bén.

“Các ngân hàng ngoại có tác động lớn lên nền kinh tế, do đó, sẽ khôn ngoan nếu duy trì mức trần 30% với một số ngân hàng”, theo Roc-Sennett.

Ông khuyên rằng chỉ các doanh nghiệp phát triển mạnh, đã và đang tạo ra dòng tiền mặt nhàn rỗi mới nâng FOL do họ không phụ thuộc vào vốn nước ngoài, đôi khi biến động, để tăng trưởng.

Khắc phục nhanh

Để khơi thông con đường cho đầu tư nước ngoài vào các công ty muốn giữ trần FOL, Chính phủ Việt Nam có thể xem xét NVDR, một công cụ đã được sử dụng ở Thái Lan.

Trong dự thảo Luật Chứng khoán, Việt Nam dự kiến cho phép các công ty và ngân hàng dành thêm 15% cổ phần làm NVDR. Động thái này giúp nâng sở hữu nước ngoài tại các công ty lên tối đa 64%, tại các ngân hàng lên 45%.

Khi hết room, nhà đầu tư ngoại tiềm năng muốn mua thêm cổ phiếu không còn lựa chọn nào khác ngoài tìm bên bán ngoại. Họ sẽ giao dịch công khai với một mức phí nhất định và không hiển thị trên bảng giá.

Chuyện đó cũng xảy ra tại Ấn Độ. Ví dụ, cổ phiếu HDFC Bank, phổ biến với nhà đầu tư ngoại, được giao dịch ngoại bảng với phí 13% trên giá niêm yết và có lúc lên tới 18%, Thompson cho biết. FOL của HDFC là 74%.

NVDR tại Việt Nam có thể được SSC coi là chứng khoán, tự động niêm yết trên HNX và HoSE, có quyền nhận cổ tức như cổ phiếu phổ thông. Tuy nhiên, NVDR không có quyền biểu quyết, hạn chế ảnh hưởng từ nhà đầu tư nước ngoài lên hoạt động quản lý.

“Đây sẽ là bước đi đầu tiên”, theo Roc-Sennett.

Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM. Ảnh: AP.

Những vấn đề về sức ép

Một nhóm các thành viên thị trường – gồm nhà đầu tư, luật sư, nhà quản lý danh mục đầu tư và giám sát – đang phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu và giải quyết một số rủi ro từ dự thảo Luật Chứng khoán.

Một câu hỏi hóc bủa là thời gian trì hoãn giữa ngày chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và ngày lên sàn. Điều này tạo ra xung đột với những người chịu rủi ro về tỷ giá và rủi ro đối tác với khoản tiền nằm trong tài khoản.

“Thay vì yêu cầu sử dụng VND, nhà chức trách có thể cho phép nhà đầu tư sử dụng USD trong quá trình IPO”, giúp xóa bỏ rủi ro tỷ giá, theo Thompson. Đề xuất này đã được nêu ra trong cuộc gặp với SSC.

Ngoài ra, nhà đầu tư phải chuyển toàn bộ tiền về VND trong tài khoản trước khi có thể mua cổ phiếu mà không được đảm bảo sẽ mua được toàn bộ cổ phiếu đăng ký trong IPO. Đây không phải cách sử dụng vốn tốt nhất.

Quy trình đăng ký hiện nay có thể được cải thiện đáng kể nếu nhà quản lý triển khai một trung tâm dữ liệu, nơi có thể mở tài khoản và lưu trữ dữ liệu đăng ký để sử dụng cho các giao dịch trong tương lai, thay vì phải gửi lại từ đầu, theo Vontobel Asset Management.

Vấn đề này đặc biệt quan trọng, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nắm giữ tại 500 doanh nghiệp nhà nước vào năm 2020.

Trung Quốc cũng từng đối mặt với sự tức giận từ nhà đầu tư sau khi triển khai Stock Connect vào năm 2014, hệ thống giao dịch liên kết các sàn Hong Kong, Thượng Hải và Thâm Quyến. Nhà đầu tư lo ngại về chênh lệch thời gian thanh toán T+0 của Trung Quốc và T+1 của các quỹ.

Vấn đề cuối cùng được giải quyết bằng cách tìm ra các nhà môi giới sẵn lòng chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ, đảm bảo cho việc chuyển giao tiền.

“Từ trường hợp tại Trung Quốc, đó chính là thứ MSCI muốn thấy, đồng nghĩa cơ hội được đưa vào chỉ số MSCI lớn hơn”, Thompson nói. Ông từng tham gia thảo luận với nhà quản lý tại Trung Quốc giúp giải quyết vấn đề chu kỳ thanh toán.

SSC cũng đưa những lo ngại về thanh toán vào xem xét và dự thảo Luật Chứng khoán xóa bỏ chênh lệch thời gian trong IPO. Tuy nhiên, Thompson lưu ý rằng “các thay đổi này sẽ không được áp dụng trước khi luật sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1 năm sau”.

Việt Nam cũng cần khắc phục nhiều vấn đề khác. Nếu thị trường này được xếp hạng EM, Thompson cho rằng các nhà quản lý quỹ nước ngoài sẽ gặp khó khăn khi giao dịch theo lô ngoại bảng do phí, tính theo giá niêm yết, sẽ tăng cao hơn nếu nhu cầu mua vào cổ phiếu đó bất ngờ tăng mạnh.

Nới lỏng giao dịch theo lô là vấn đề cấp bách, Việt Nam cần giải quyết trước khi nâng hạng, theo Thompson.

Phái sinh, trái phiếu, lô

Việt Nam từ lâu đã hành động hướng đến xây dựng thị trường phái sinh. Bước đi đáng chú ý là đưa ra hợp đồng tương lai dựa trên VN30 hồi tháng 9/2017, không có hạn chế pháp lý đối với nhà đầu tư ngoại.

Chứng quyền có bảo đảm cũng sắp xuất hiện trên thị trường, dự kiến vào cuối tháng 6. Những sản phẩm khác bao gồm quỹ chỉ số (ETF), quỹ tín thác bất động sản (REITS) và quyền chọn cổ phiếu riêng lẻ, hợp đồng tương lai với từng cổ phiếu, cho phép vay cổ phiếu và thiết lập cơ chế an toàn.

Roc-Sennett không giao dịch công cụ phái sinh và trái phiếu doanh nghiệp nhưng coi chúng là một phần không thể thiếu cho quá trình hướng đến một thị trường vốn phát triển hoàn thiện tại Việt Nam.

Trái phiếu doanh nghiệp cũng cần thay đổi. Hiện tại, tỷ lệ nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam rất nhỏ, khoảng 1%.

Luật Chứng khoán nhấn mạnh các công ty cần được xếp hạng nếu họ muốn phát hành trái phiếu công khai. Dự thảo sẽ nêu ra các tiêu chí nhà đầu tư cần đáp ứng để được coi là nhà đầu tư đạt chuẩn. Nhà đầu tư đạt chuẩn có thể tham gia vào các vị trí tư nhân.

Với Roc-Sennett, việc phát triển các trái phiếu đồng nội tệ giúp “loại bỏ một số biến động kinh hoàng chúng ta từng trải qua”.

Nghiên cứu từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lý giải phát triển thị trường trái phiếu nội tệ có chiều sâu và thanh khoản có thể giúp giảm thiểu rủi ro mất cân xứng tiền tệ và đáo hạn ở các nền kinh tế mới nổi. ADB cho thấy các nền kinh tế châu Á với thị trường trái phiếu nội tệ phát triển phục hồi nhanh hơn sau Taper Tantrump 2013.

Đầu năm 2013, Chủ tịch Fed khi đó là Ben Bernanke nói cơ quan này có thể sẽ kết thúc gói nới lỏng định lượng QE3. Lo sợ nền kinh tế Mỹ sẽ gặp bất ổn ngay khi QE3 bị đóng lại, nhà đầu tư đồng loạt bán ra trái phiếu, khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt. Người ta gọi hiện tượng đó là Taper Tantrum.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Reuters.

Triển vọng vào MSCI

Ngay cả khi Việt Nam thực hiện các yêu cầu từ nhà đầu tư, việc được nâng hạng lên EM cũng không chắc chắn bởi quá trình này “vừa là nghệ thuật, vừa là khoa học”.

“Rất khó để đơn vị cung cấp chỉ số nói rằng không còn vấn đề gì khi một thị trường thực sự chín muồi (để nâng hạng). Chính trị có vai trò lớn”, Roc-Sennett nói. Ông cho rằng việc nâng hạng Việt Nam vào MSCI EM “khó xảy ra trong năm nay, khả năng cao là trong một hoặc hai năm tới”.

Một yếu tố then chốt nữa sự thèm muốn của nhà đầu tư, ông nói tiếp. Nhu cầu mua chứng khoán Việt Nam còn chưa bằng nhu cầu mua chứng khoán Trung Quốc khi thị trường này chuẩn bị vào MSCI EM.

Điều nằm trong khả năng của Việt Nam là tiếp tục phát triển bền vững thị trường vốn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - đang ở 5 - 7,5% trong vài năm qua. Giá cổ phiếu có thể tăng dựa vào kỳ vọng phân loại thị trường.

Các sàn chứng khoán Karachi của Pakistan và Dubai của UAE đã tăng mạnh trong năm trước khi khi hai thị trường này trở thành EM.

Trong ngắn hạn, khả năng trở thành EM của các FM như Kuwait, Argentina, cao hơn Việt Nam. Điểm tích cực là khi Kuwait và Argentina rời đi, Việt Nam sẽ thống trị MSCI FM 100. Sự hiện diện của Việt Nam sẽ tăng lên 28 cổ phiếu, tỷ trọng 30%, từ 21 cổ phiếu, tỷ trọng 17,4%. Điều này sẽ tạo ra dòng vốn khoảng 65 triệu USD chảy vào các công ty như Vinamilk, Masan hoặc Hòa Phát, theo Công ty Chứng khoán SSI.

Tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong MSCI FM 100 sẽ trở nên quá lớn, có thể gấp 3 lần các bên còn lại như Morocco, Kenya, Nigeria, Bangladesh, Romania hoặc Bahrain, khiến các nhà phân tích tại SSI đặt tên cho chỉ số là “MSCI V-FM 100”.

SSI cho rằng MSCI có thể tăng tốc nâng hạng cho Việt Nam nhằm tránh việc Việt Nam làm lu mờ các FM khác.

Nguồn: ndh

Các bài viết khác

  • /uploads/images/slide/main/ecplaza.jpg
  • /uploads/images/slide/main/koreazinc.jpg
  • /uploads/images/slide/main/daewoo.jpg
  • /uploads/images/slide/main/oil-korea.png
  • /uploads/images/slide/main/goldsun.png
  • /uploads/images/slide/main/cargill-r-h-black-3c.png
  • /uploads/images/slide/main/sgs.jpg
  • /uploads/images/slide/main/dana-y.png
  • /uploads/images/slide/main/cng.jpg
  • /uploads/images/slide/main/xay-lap-dien-1.png
  • /uploads/images/slide/main/marubeni.jpg
  • /uploads/images/slide/main/tong-cong-ty-thep.jpg
  • /uploads/images/slide/main/formosa(1).png
  • /uploads/images/slide/main/hiep-hoi-thep.png
  • /uploads/images/slide/main/nam-phat.png
  • /uploads/images/slide/main/vinh-phuc.png
  • /uploads/images/slide/main/gang-thep-tuyen-quang.png
  • /uploads/images/slide/main/viet-trung.png
  • /uploads/images/slide/main/bao-viet.png
  • /uploads/images/slide/main/vcb.png
  • /uploads/images/slide/main/link5.jpg
  • /uploads/images/slide/main/vietin.png
  • /uploads/images/slide/main/vpbank.jpg
  • /uploads/images/slide/main/shinhan(1).png
  • /uploads/images/slide/main/lien-viet.png
  • /uploads/images/slide/main/ha-hoa.jpg
  • /uploads/images/slide/main/hiep-huong.png
  • /uploads/images/slide/main/gsteel.png
  • /uploads/images/slide/main/link1.jpg
  • /uploads/images/slide/main/thanh-phu.png
  • /uploads/images/slide/main/link2.jpg
  • /uploads/images/slide/main/senco.jpg
  • /uploads/images/slide/main/link4.jpg
  • /uploads/images/slide/main/dat-viet.jpg
  • /uploads/images/slide/main/link3.jpg
  • /uploads/images/slide/main/simco.png
  • /uploads/images/slide/main/thep-ha-noi.png
  • /uploads/images/slide/main/ipc.png
  • /uploads/images/slide/main/thao-hien.png
  • /uploads/images/slide/main/sp-samson.jpg
  • /uploads/images/slide/main/samsung.png
  • /uploads/images/slide/main/smart-timing.png
  • /uploads/images/slide/main/unicoh.png
  • /uploads/images/slide/main/lirbety.png
  • /uploads/images/slide/main/chsteel.jpg
  • /uploads/images/slide/main/yangchen.jpg
  • /uploads/images/slide/main/gwan.jpg