154 vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình thi hành án dân sự

154 vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình thi hành án dân sự


Đây là tổng số các vướng mắc mà địa phương đề nghị được Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) tập hợp lại để tới đây có cách giải quyết, xử lý phù hợp. Con số này được đưa ra tại Hội thảo về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 26/1 tại Hải Phòng.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn đồng chủ trì Hội thảo

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo, về phía các cơ quan Trung ương có Vụ Tư pháp – Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Vụ 11 VKSNDTC, Tổng cục Quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Thi hành án – Bộ Quốc phòng, Vụ Pháp chế – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và một số đơn vị thuộc Bộ. Về phía địa phương có đại diện Cục THADS 14 tỉnh, thành phố, đại diện TAND, VKSND TP Hải Phòng, đại diện Phòng Thi hành án Quân chủng Hải quân.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác THADS góp phần vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đồng thời, Thứ trưởng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc và lưu ý những khó khăn, vướng mắc thành 4 nội dung để các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng yêu cầu phân loại các nội dung vướng mắc

 

Cụ thể là những nội dung còn thắc mắc, chưa hiểu rõ mà thống nhất ngay được cách hiểu thì sẽ có văn bản hướng dẫn chung trong toàn quốc; những nội dung vướng mắc mà pháp luật chưa quy định cụ thể hoặc đã được quy định trong Luật và các văn bản hướng dẫn nhưng áp dụng trong thực tế khác nhau; những nội dung cần nghiên cứu tổng hợp để đến thời điểm thích hợp đề xuất sửa đổi; những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong các thông tư có liên quan, đặc biệt là thông tư thống kê, trong đó đáng chú ý là có nhiều trường hợp rất khó song vẫn phải tính là án có điều kiện thi hành.

Nêu một số kết quả nổi bật, Chánh Văn phòng Tổng cục THADS Nguyễn Xuân Tùng cho biết, ngày 25/11/2014, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2008, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Luật đã tiếp tục tạo dựng một hành lang, khung khổ pháp lý vững chắc, ổn định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả cho việc triển khai hoạt động THADS trên toàn quốc, qua đó bảo đảm cho kết quả THADS ngày càng bền vững.

Chánh Văn phòng Tổng cục Nguyễn Xuân Tùng báo cáo một số kết quả công tác thi hành án

Cụ thể, về việc, các cơ quan THADS toàn quốc năm 2015 thi hành xong trên 490 nghìn việc, năm 2016 thi hành xong gần 531 nghìn việc, năm 2017 thi hành xong gần 550 nghìn việc. Về tiền, năm 2015 thi hành xong trên 21 nghìn tỷ đồng, năm 2016 thi hành xong trên 29 nghìn tỷ đồng, năm 2017 thi hành xong trên 35 nghìn tỷ đồng. Những kết quả đạt được đã và đang góp phần tích cực vào việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích phong trào khởi nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước cũng như của từng địa phương. 

Bên cạnh đó, Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần được đánh giá, Từ đó đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác THADS, đáp ứng tốt hơn yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Toàn cảnh Hội thảo

Báo cáo của Tổng cục THADS cho biết, qua phân loại có 154 vướng mắc mà địa phương đề nghị. Trong đó, phân loại theo văn bản có 113 nội dung có vướng mắc trong quá trình thực hiện THADS, có 17 nội dung có vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ, có 24 nội dung có vướng mắc liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật khác về công tác THADS. 

Kết quả xử lý, có 30 vướng mắc cần xây dựng công văn hướng dẫn; 53 nội dung vướng mắc cần được nghiên cứu tổng thể để đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế và 71 nội dung đã được pháp luật quy định nhưng địa phương vẫn còn thắc mắc, chưa hiểu rõ.

Các đại biểu đã cùng nhau nêu lên những vướng mắc trong toàn bộ quá trình thi hành án, chủ yếu vào nhóm vấn đề về trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án, và đề xuất phương án giải quyết. 

Chẳng hạn như vướng mắc về thứ tự thanh toán tiền thi hành án thì quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật THADS là chưa phù hợp với nguyên tắc việc thi hành án phải dựa trên đơn yêu cầu thi hành án. Mặt khác, quy định tại khoản 1 Điều 49 Nghị định 62 hướng dẫn thi hành điểm b nói trên lại gây khó khăn trong việc áp dụng. Trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật và Nghị định, phương án xử lý phải là áp dụng quy định của Luật để thực hiện thanh toán theo đúng nguyên tắc đề ra tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Nguồn: BPL

HOTLINE