Tin tức - Tuyển dụng / Tin tập đoàn
Các doanh nhân Việt đón năm mới 2012 bằng một tâm thế đầy thận trọng, vừa thăm dò, nghe ngóng tình hình, vừa phải kịp thời thích ứng nhanh nhất trong mọi tình huống của nền kinh tế.
Nước lên thì thuyền lên
Dù kinh tế 2012 có xấu đi thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tự tin nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp sẽ cố gắng trụ vững và vượt qua mọi khó khăn. Hầu như doanh nghiệp nào cũng xác định phải tìm kiếm lối đi riêng, xoay xở linh hoạt để thích ứng.
Ông Nguyễn Minh Phú, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn ô tô Hyundai Thành Công chia sẻ: “Nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống. Chúng tôi đang luyện cho mình khả năng thích ứng nhanh nhất có thể trong mọi bối cảnh kinh tế sắp tới, dù xấu, dù tốt”.
Với triết lý kinh doanh này, năm 2012, vị lãnh đạo của Hyundai Thành Công không đặt nhiều kỳ vọng lớn vào sự điều chỉnh chính sách cụ thể nào đó của Chính phủ.
“Bởi, có những cái Chính phủ hiểu rõ doanh nghiệp nhưng mọi quyết sách đưa ra là dựa lợi ích quốc gia chứ không phải là vì riêng ngành ô tô. Chúng tôi sẽ phải chấp nhận một thực tế là chính sách ban hành ra thì đâu đó sẽ có những phản ứng phụ chưa tốt. Rồi thì, chờ một thời gian sau thì các phản ứng phụ sẽ được xóa nhòa đi”,
“Năm 2012, Tập đoàn không đặt nặng bài toán tăng trưởng mà tập trung đi vào chất, nâng cao hiệu suất đầu tư. Chúng tôi sẽ tập trung khai thác công suất nhà máy sản xuất ô tô hiện có, loại bỏ mọi chi phí không cần thiết, tiết giảm đầu vào, cho hiệu suất tốt hơn”, ông Phú nói.
Cũng mang tâm thế đó, ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty nước rửa chén Mỹ Hảo thẳng thắn nói: “Nền kinh tế có lúc này lúc kia, không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nếu không cố gắng thì doanh nghiệp sẽ càng không có cơ hội trụ vững.”
“Với công ty Mỹ Hảo, liên tục 2-3 năm đều là khó khăn. Năm 2012 sẽ không dễ hơn 2011 đâu, nhưng tôi vẫn dặt kết hoạch tăng trưởng 25% trong 2012. Chúng tôi đưa ra thị trường sản phẩm không đắt tiền lắm nhưng chất lượng vẫn đảm bảo để phù hợp với túi tiền người tiêu dùng lúc khó khăn hiện nay. Chúng tôi đã họp với các bộ phận kinh doanh để ra Tết, triển khai chiến lược kinh doanh tốt hơn”, ông Vinh nói.
Bên cạnh đó, ông Vinh cũng cho hay, công ty đang tìm thêm thị trường xuất khẩu. Thị phần nội địa của các sản phẩm nước rửa chén Mỹ Hảo đã chiếm 50% nhưng xuất khẩu hiện chưa chiếm tới 10% sản lượng của công ty. Xà bông, dầu gội, nước rửa chén của Mỹ Hảo vừa mới xuất đi được Cu Ba, Bắc Tiều Tiên.
“Chúng tôi đã xác định năm 2012, sẽ phải vừa làm, vừa “dò dẫm, nghe ngóng tình hình thị trường, chính sách để có điều chỉnh phù hợp”, bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty may An Phước nói.
Tạm thời, chiến lược của may An Phước năm tới là sẽ đẩy hàng trung cấp cho thị trường nội địa, hiện chiếm 60% sản lượng bán hàng của công ty. Vì sản phẩm cần có giá cả cạnh tranh hơn để phù hợp nhu cầu người dân trong bối cảnh khó khăn. Dự kiến mỗi quý, công ty sẽ phải đánh giá cụ thể lại, nghe ngóng diễn biến cụ thể thị trường, chính sách để định vị dần kế hoạch kinh doanh.
Chúng tôi xác định sức mua năm 2012 sẽ không bằng năm 2011 nhưng làm ăn kinh doanh là phải có lãi, chúng tôi vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao, cố gắng đạt 20%, bà Điền nói.
Cũng mang quan điểm doanh nghiệp đều phải tự tìm lấy đường ra cho chính mình, ông Lê Minh Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty sản xuất Thép Việt Đức, nói: “Với công ty Thép Việt Đức, chúng tôi chú trọng chính sách bán hàng, chất lượng và giá cả. Quan điểm của chúng tôi là phải tiết giảm tất cả cả các chi phi, đưa giá thành về một mức hợp lý nhất để phù hợp với xu thế cạnh tranh của trong nước và thế giới. Muốn vậy thì chúng tôi sẽ quản trị lại công tác sản xuất”.
Lãi suất cần giảm ngay
Mặc dù xác định tinh thần chủ động thích ứng nhanh nhưng nhưng khi trả lời cho câu hỏi, điều gì doanh nghiệp kỳ vọng nhất ở chính sách năm 2012, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều mong mỏi động thái giảm lãi suất vào năm 2012.
Ông Lê Minh Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty sản xuất Thép Việt Đức, cho biết: “Năm 2011 là năm cực kỳ khó khăn đối với doanh nghiệp thép nói chung. Riêng tại thép Việt Đức, chi phí vốn mà chủ yếu là lãi suất ngân hàng đã chiếm tới 300 tỷ đồng trên tổng số doanh thu 4700 tỷ. Với mức lãi suất tới 23- 24%/năm như hiện nay thì chúng tôi không có lãi.”
Hình ảnh hoạt động sản xuất tại Thép Việt Đức.
“Nguồn thu mang lại trong bối cảnh hiện nay chỉ đủ duy trì việc trả lương cho người lao động, chứ không thể đảm bảo đạt chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Đại hội cổ đông đề ra, cũng như hoàn thành chỉ tiêu đóng góp nghĩa vụ tài chính cho Ngân sách Nhà nước. Nếu như lãi suất là khoảng 12-13% như giai đoạn trước đây thì chúng tôi có thể đạt lợi nhuận 150 tỷ đồng”, ông Hải khẳng định.
Theo doanh nghiệp này, vấn đề quan trọng là năm 2012, lãi suất phải làm sao hạ thấp đúng như kế hoạch đã đề ra của Ngân hàng Nhà nước. Tức là, nếu năm 2012, lãi suất huy động 14% , lãi suất cho vay sẽ 16- 17% thì các doanh nghiệp thép sẽ tồn tại được. Còn nếu lãi suất vẫn tiếp tục cao trên mức đó thì có lẽ, doanh nghiệp sẽ gặp cực kỳ nhiều khó khăn và không chừng phải “tự ra đi”, nhất là ngành thép phải vay vốn ngân hàng nhiều.
Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty may An Phước cũng bày tỏ: “Năm 2011, có nhiều chi phí đầu vào gia tăng như giá điện, giá xăng đều tăng mạnh, lương điều chỉnh tới 2 lần và lãi suất vẫn cao. Chỉ mong năm 2012, Nhà nước hạ thấp lãi suất,, hỗ trợ thuế… tạo điều kiện cho doanh nghiệp tinh giảm tối đa vấn đề chi phí đầu vào”.
Trong khi đó, ứng phó tới tình hình lãi suất cao hiện nay, ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty nước rửa chén Mỹ Hảo cho hay, chúng tôi không dám vay vốn ngân hàng vì vay vốn là rất khó, kinh doanh khó khăn sẽ lại càng dễ bị cụt vốn hơn.
Mong muốn lớn nhất của Mỹ Hảo là Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ cho xuất khẩu. “Vì chúng tôi muốn cạnh tranh với hàng tiêu dùng với Trung Quốc cũng rất khó khi nước này hỗ trợ tới 5-6% cho xuất khẩu”, ông Vinh cho hay.
Theo Phạm Huyền/VietNamnet