2018 là năm của lịch sử?

2018 là năm của lịch sử?


Những sự kiện mang tính lịch sử như đội bóng U23 Việt Nam giành cúp Á quân trong giải U23 châu Á 2018, phiên IPO BSR, PV Oil hay sự hưng phấn của thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra ngay trong tháng 1 của năm 2018 mở ra kỳ vọng tốt đẹp cho một năm sắp tới.

Kỳ tích trên cả tuyệt vời của bóng đá Việt Nam tại giải U23 châu Á 2018

Mấy ai ngờ bóng đá Việt Nam lại làm nên điều kỳ diệu tại giải U23 châu Á 2018. Ngay từ lúc bắt đầu giải, Việt Nam đã bị cho là một trong những đội yếu, nhiều khả năng bị loại ngay sau hai lượt trận đầu tiên khi phải đối mặt với Hàn Quốc và Australia. Thế nhưng việc thắng Australia và cầm hòa Syria đã giúp đội nhà tạo nên lịch sử lần đầu tiên giành vé vào tứ kết giải U23 châu Á.

Ở vòng tứ kết rồi bán kết, U23 Việt Nam đã chiến đấu kiên cường suốt 120 phút thi đấu để giành chiến thắng trước loạt luân lưu tiến vào trận chung kết. Những người hùng của chúng ta đã làm trên cả kỳ vọng. Trong trận tranh cup vô địch, dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt mưa tuyết U23 Việt Nam vẫn chiến đấu hết sức ngoan cường trước một đối thủ được cho là hơn hẳn về mặt thể lực, kỹ thuật cũng như khả năng chống chịu thời tiết và chỉ chịu thua ở giây phút cuối cùng.

Đội tuyển U23 Việt Nam trong trận chung kết 27/1
Sự xuất sắc của các gương mặt như thủ thành Bùi Tiến Dũng, đội trưởng Xuân Trường, chân sút vàng Quang Hải, hậu vệ Văn Thanh cùng những đồng đội khác đã tạo nên kỳ tích chưa từng có trong lịch sử cho bóng đá Việt Nam. Chưa khi nào người hâm mộ Việt Nam được bùng nổ cùng đội nhà như thế, hàng ngàn người đã đổ ra đường cùng cờ hiệu, kèn trống hô vang đội tuyển U23 Việt Nam. Những thanh niên ấy còn rất trẻ, tuổi đời dưới con số 23, thậm chí có người 18 tuổi, họ chính là tương lai của bóng đá Việt Nam và được kỳ vọng sẽ vươn xa hơn nữa trong tương lai, đưa tên tuổi bóng đá Việt đến với cộng đồng quốc tế.

Những phiên IPO thu hút hàng nghìn nhà đầu tư và thanh khoản TTCK tăng đột biến

Không chỉ trong lĩnh vực thể thao, trên mặt trận kinh tế, thị trường chứng khoán (TTCK) – phong vũ biểu của nền kinh tế – cũng đang ghi nhận những kỷ lục.

Ngay trong tháng đầu năm 2018 TTCK đã chứng khiến phiên IPO thu hút lên đến 4.080 nhà đầu tư tham gia. Đó là phiên đấu giá bán 242 triệu cổ phiếu Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Sau BSR, PV Oil và PV Power cũng thu hút hàng ngàn nhà đầu tư tham gia, với khối lượng đăng ký mua đều vượt xa so với lượng chào bán.

Cụ thể, phiên IPO BSR, PV Oil đã diễn ra cực kỳ thành công, giá trúng cao hơn gần rưỡi giá khởi điểm giúp cho Nhà nước thu về lần lượt 5.566 tỷ và 4.177,3 tỷ đồng. Phiên chào bán PV Power được dự báo cũng sẽ thành công khi số lượng nhà đầu tư đăng ký đạt con số 1.982 và khối lượng gần 491,5 triệu cổ phiếu, vượt 4% khối lượng chào bán.

Dòng tiền chảy mạnh vào TTCK

Trên thị trường chứng khoán, khối lượng giao dịch các phiên đầu năm 2018 ghi nhận mức tăng cao mạnh so với bình quân năm 2017. Nếu như bình quân mỗi phiên giao dịch trong năm 2017 chỉ khoảng 5.000 tỷ đồng thì đầu năm 2018 thường xuyên xuất hiện các phiên giao dịch 7.000 tỷ, 8.000 tỷ hay 9.000 tỷ đồng. Không chỉ vậy, phiên giao dịch ngày 25/1 lượng tiền đổ ồ ạt vào TTCK sau 2 phiên tạm dừng trên HOSE đã đẩy thanh khoản lên đến 14.327 tỷ đồng, trong đó chỉ có 2.140 tỷ đồng từ giao dịch thỏa thuận.

Năm 2017, TTCK Việt Nam cũng đã chứng kiến những phiên giao dịch trên 10.000 tỷ đồng như phiên 7/11 đạt giá trị giao dịch khoảng 20.500 tỷ đồng, phiên 3/11 đạt hơn 13.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả này chủ yếu đến từ các giao dịch thoả thuận đột biến của VRE và VNM. Còn những gì đang diễn ra trong năm 2018 chủ yếu đến từ giao dịch khớp lệnh trên thị trường, cho thấy sức mua trên thị trường rất mạnh mẽ.

Sẽ còn nhiều bất ngờ?

Dòng tiền vẫn đang đổ vào TTCK ồ ạt, thanh khoản bình quân phiên trong tháng đầu tiên của năm 2018 đạt trên 7.100 tỷ đồng. Đồng thời, tính đến ngày 26/1, khối ngoại đã mua ròng liên tiếp 21 phiên với tổng giá trị 11.844 tỷ đồng.

Sức hút của dòng tiền vào TTCK khiến nhiều chuyên gia dự báo rằng VN-Index sẽ sớm vượt đỉnh lịch sử 1170,67 điểm trước Tết Nguyên đán và có thể đạt khoảng 1170 điểm tới 1190 điểm, thậm chí là 1.200 điểm. Ở thời điểm 29.1, VN-Index giao dịch quanh mốc 1115 điểm, chỉ còn cách đỉnh cũ 2007 khoảng 55 điểm.

Về yếu tố vĩ mô, tại hội thảo về kinh tế Việt Nam 2017 và triển vọng 2018 diễn ra ngày 25/1, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho biết Việt Nam đã có những dấu hiện rất tích cực trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh trong những ngày cuối năm 2017, đầu năm mới 2018. Như việc bán vốn Sabeco thành công; Nghị định 08 về bãi bỏ khoảng 600 điều kiện kinh doanh trong ngành công thương, trong số hơn 1.200 điều kiện hiện có đã được Thủ tướng ký. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang chuẩn bị bãi bỏ 34% điều kiện kinh doanh và đơn giản hoá nhiều phần lớn các điều kiện khác. Bộ Xây dựng chỉ đạo quyết liệt, không những bãi bỏ điều kiện mà bãi bỏ cả ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Những chuyển động này theo ông Cung là những thay đổi khác biệt, rất tích cực và cũng rất mới so với trước đây. Ông Cung nhận định đây là những chuyển động từ bên trong, không quá phụ thuộc vào áp lực bên ngoài như trước.

Có thể nói Việt Nam đã trả qua năm 2017 quá tuyệt vời, tháng đầu tiên của năm 2018 tiếp tục gặt hái thành quả tốt đẹp mở ra khả năng tiếp tục đạt được những kết quả trong mơ cho thời gian tiếp theo. Điều này là hoàn toàn có thể khi môi trường kinh doanh được cải thiện, ngành nghề kinh doanh có điều kiện dần được gỡ bỏ, thời gian được nâng hạng thị trường sắp tới, Nhà nước tiếp tục quyết liệt trong thoái vốn.. thì dòng vốn ngoại cùng dòng vốn trong nước sẵn sàng nhập cuộc.

Nguồn: NDH

HOTLINE