Hội thảo Ngành Thép & Thị trường chứng khoán 2017. Gặp gỡ Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức – VG PIPE (VGS)

 

Hội thảo Ngành Thép & Thị trường chứng khoán 2017. Gặp gỡ Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức – VG PIPE (VGS)

14-03-2017

Ngày 13/3/2017 tại Trụ sở HNX, Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức VG PIPE; Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX); Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBankSc) phối hợp tổ chức hội thảo “Ngành thép và Thị trường chứng khoán 2017: Gặp gỡ Công ty cổ phần ống thép Việt Đức”.

 

Đến tham dự Hội thảo gồm có:

1.    Đại diện từ Sở giao dịch HNX:

Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó TGĐ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hà Nội

2.    Đại diện từ Hiệp hội Thép Việt Nam:

 TS. Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam

3.    Đại diện từ Công ty Ống thép Việt Đức VG PIPE:

Ông Lê Minh Hải – Chủ tịch HĐQT;

Ông Nguyễn Hữu Thể – Tổng Giám đốc

Bà Nguyễn Thị Nhi – Phó Tổng Giám đốc Công ty;

4.    Đại diện từ Công ty Chứng khoán Công Thương:

Ông Khổng Phan Đức – Tổng Giám đốc

Ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu.

Phát biểu tại hội thảo, Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó TGĐ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hà Nội cho biết: Hội thảo hôm nay sẽ là diễn đàn để các nhà đầu tư giao lưu với các chuyên gia đến từ Hiệp hội thép, VietinBankSc và Lãnh đạo các doanh nghiệp – CTCP Ống thép Việt Đức. Hội thảo là hoạt động thường xuyên của Sở phối hợp với các công ty chứng khoán tổ chức nhằm cung cấp cho các nhà đầu tư kiến thức, kinh nghiệm cũng như thông tin về thị trường, hỗ trợ nhà đầu tư ra quyết định đầu tư trong từng ngành.

 Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó TGĐ HNX/Giám đốc phòng Quản lý thành viên

 

Tiếp đến, Ông Khổng Phan Đức – Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương có bài phát biểu về mục đích của buổi hội thảo ngày hôm nay. Ông cho biết, từ năm 2015, với mong muốn hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư, đưa đến cho nhà đầu tư những thông tin về thị trường, những nhận định đánh giá về các cơ hội đầu tư tiềm năng về ngành, về doanh nghiệp, VietinBankSc đã liên tục tổ chức các hội thảo và nhận được đánh giá tốt từ các nhà đầu tư. Tính đến thời điểm hiện tại, sau 2 năm thực hiện, VietinbankSc đã tổ chức 13 hội thảo chứng khoán tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thu hút 2000 lượt người tham dự. Đây là năm thứ 3 VietinbankSc thực hiện việc tổ chức hội thảo hỗ trợ cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư. Ông cho biết thêm buổi hội thảo hôm nay do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam – VietinBankSc, Hiệp hội Thép Việt Nam, Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức – VG PIPE phối hợp tổ chức, là hội thảo đầu tiên được Công ty thực hiện trong năm 2017.

Ông cũng đặt ra câu hỏi: Vậy sau giai đoạn tăng trưởng ấn tượng 2016, triển vọng ngành Thép sẽ ra sao trong năm 2017? Phần trình bày trong hội thảo “Ngành Thép & Thị trường chứng khoán 2017” sẽ phần nào giải đáp thắc mắc của các nhà đầu tư. Hơn nữa, buổi hội thảo cũng sẽ là cầu nối để nhà đầu tư gặp gỡ Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức – VG PIPE (VGS) nhằm tìm kiếm thông tin cho hoạt động đầu tư của mình.

Ông Khổng Phan Đức – Tổng Giám Đốc VietinBankSc

Trong buổi Hội thảo ông Đặng Trần Hải Đăng – PGĐ Trung tâm nghiên cứu VietinbankSc đã đưa ra nhận định ngành thép và Thị trường chứng khoán Việt nam năm 2017:

Về Kinh tế vĩ mô: Năm 2016 kinh tế thế giới có một số sự kiện nổi bật và là một năm chứng kiến nhiều sự kiện lớn về kinh tế nằm ngoài dự báo của các chuyên gia và thị trường tài chính toàn cầu. Có thể kể đến đó là:

       Cơn địa chấn Brexit

       Tài chính thế giới chao đảo sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ

       OPEC đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng

       FED nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25%

Từ đó có thể cho rằng triển vọng kinh tế thế giới năm 2017 là không thật sự tích cực và chắc chắn bởi các biến số khó lường như chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, kinh tế Trung Quốc giảm tốc, Anh kích hoạt điều khoản Brexit… Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017 của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017 chỉ đạt 3.4%, đồng thời cảnh báo sự thụt lùi của xu thế tự do hóa thương mại và nguy cơ tăng trưởng thấp kéo dài. Nền kinh tế Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, việc FED nâng lãi suất có thể sẽ gây áp lực nên tỷ giá VND. Bên cạnh đó, triển vọng vĩ mô không thật sự tích cực do tình hình XNK bị ảnh hưởng bởi Brexit và chính sách hủy TPP của Donald Trump.

Ông Đặng Trần Hải Đăng – PGĐ Trung tâm nghiên cứu VietinbankSc

Về thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2017: Trong năm 2016, VN-Index đã vượt đỉnh sau gần 1 thập kỷ, tổng tỷ suất lợi nhuận trung bình thị trường ở mức 18-20%. Tăng mạnh so với năm 2015 (+6.1%) và 2014 (+7.7%). Tổng vốn hoá của thị trường niêm yết đạt 72 tỷ USD, tăng khoảng hơn 15 tỷ USD (+26.6% YoY). Tuy triển vọng kinh tế vĩ mô 2017 không thật sự tích cực, vị chuyên gia phân tích của VietinbankSc vẫn cho rằng Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn, top 10 thế giới về tăng trưởng thị trường chứng khoán. Mức P/E thị trường Việt Nam

Đánh giá về triển vọng thị trường chứng khoán 2017, thị trường vẫn còn nhiều những cơ hội đáng lưu ý như:

·       Cổ phần hoá, thoái vốn, niêm yết là tâm điểm của thị trường.

·       Vốn hóa và thanh khoản của thị trường sẽ tiếp tục tăng.

·       Hệ số P/E hiện đang ở mức thấp, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư giá trị.

NGÀNH THÉP VIỆT NAM VÀ CƠ HỘI ĐẦU TƯ

Ngành thép và cơ hội đầu tư: Trong năm 2016, thị trường chứng khoán cũng đã chứng kiến sự bùng nổ của các doanh nghiệp ngành thép. Biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng  của các doanh nghiệp trong ngành thép nhìn chung đều cho thấy xu hướng tăng. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế một số doanh nghiệp nổi bật có thể kể đến như HPG (89%), HSG (131%), VGS (78%), DNY (138%), NKG (312%).

Dựa trên những phân tích về biến động của cả thị trường thép thế giới và thị trường thép Việt Nam trong thời gian vừa qua, ông Đăng đưa ra một số nhận định về triển vọng ngành thép Việt Nam nói chung cũng như cơ hội cho các doanh nghiệp thép Việt tồn tại và phát triển trong thời gian tới. Với tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp sản xuất thép Việt Nam vẫn được dự báo ở mức 15% trong giai đoạn 5 năm tới, ông Đăng cho rằng, cơ hội tăng trưởng của các doanh nghiệp thép Việt vẫn còn rất tốt nếu tìm được hướng đi phù hợp, 3 trong số đó là:

       Tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình sản xuất khép kín.

       Khai thác những khâu còn khuyết trong chuỗi giá trị ngành.

       Đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tốt và biên lợi nhuận cao như ống thép, tôn mạ

Cơ hội đầu tư cổ phiếu thép: Ông Đăng đưa ra những thông tin về cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành thép. Trong đó, mở đầu bằng những thông tin liên quan tới năng lực sản xuất, sản lượng, thị phần của các doanh nghiệp sản xuất thép; và quy mô kinh doanh, thị phần của các doanh nghiệp thương mại thép niêm yết; cùng với đó là thông tin về lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này trong năm 2015 và năm 2016 để nhà đầu tư có thể so sánh sự biến động trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép trong giai đoạn thăng trầm này. Nhìn chung, doanh nghiệp toàn ngành đều có sự phục hồi rõ rệt với LNST đều đạt tăng trưởng so với năm 2015.

Quy mô và cơ cấu tài sản của các doanh nghiệp thép niêm yết, cho thấy, đối với các doanh nghiệp sản xuất thép, tài sản cố định và hàng tồn kho là các hạng mục chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu tài sản, khác với các doanh nghiệp thương mại thép. Ngoài ra, xét về đòn bẩy tài chính, nợ vay ngắn hạn chiếm tỷ lệ lớn chủ yếu phục vụ nhu cầu vốn lưu động.

Trong 6 tháng trở lại đây, đa số các cổ phiếu ngành thép đều có diễn biến tốt hơn Vn-Index. Các chỉ số P/E trung bình ngành chỉ ở mức 6,1 lần, thấp hơn nhiều so với P/E chung của thị trường (12-13 lần). Vì vậy, cơ hội đầu tư vẫn có thể tìm được ở những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ổn định, phát triển vững như HPG, VGS, HSG…..

 

NGÀNH CÔNG NGHIỆP THÉP VIỆT NAM

Để NĐT có thể hiểu rõ hơn về ngành thép, buổi hội thảo có sự tham gia của Ông Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, thuyết trình với chủ đề “Ngành công nghiệp thép Việt Nam và quá trình hội nhập”. Phần trình bày của Ông Sưa gồm 4 nội dung chính: (1) Tổng quan về ngành thép thế giới; (2) Hiện trạng ngành thép Việt Nam; (3) Quá trình hội nhập; và (4) Triển vọng ngành Thép trong thời gian tới.

Tổng quan ngành thép Thế giới: Theo ông Sưa, từ giữa thế kỷ 20, ngành thép Thế giới đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, thể hiện rõ ở tốc độ tăng trưởng từng giai đoạn, cụ thể: 1950-1970: phát triển nhanh (5,1-7,4%/năm); 1970-2000: tiêu điều (-0,5-2,5%/năm); 2000-2005: phát triển rất mạnh, 6,2%/năm (thời kỳ ngành thép Trung Quốc trỗi dậy kéo theo ngành thép Thế giới phát triển nhanh); 2005-2010: phát triển khá, 4,5%/năm; 2010-2015: chững lại, 2,5%/năm và năm 2015 : giảm 2,9%.

Trong năm 2016, ngành thép có sự phục hồi nhẹ nhưng chưa thật sự rõ rệt. Sản lượng sản xuất thép thế giới năm 2016 đạt 1.629 triệu tấn, tăng 0,5% yoy. Trong khi đó, lượng thép tiêu thụ toàn cầu mới chỉ đạt 1.502 triệu tấn khiến cho tình trạng cung vượt cầu vẫn diễn ra. Trung Quốc là quốc gia đứng đầu về năng lực sản xuất thép với sản lượng 808,4 triệu tấn năm 2016. Theo sau là Nhật Bản 105,2 triệu tấn, Ân Độ 89,4 triệu tấn, Mỹ 78,8 triệu tấn, Nga 70,9 triệu tấn và Hàn Quốc 69,7 triệu tấn.

Tại lĩnh vực xuất khẩu thép, Trung Quốc cũng bỏ xa các cường quốc thép khác với 112 triệu tấn thép xuất khẩu năm 2015. Ông Sưa cho rằng, một trong những lý do giúp thép Trung Quốc cạnh tranh mạnh về giá với các sản phẩm thép của quốc gia khác là nhờ vào chính sách thúc đẩy xuất khẩu thép của Trung Quốc. Cụ thể là hoàn thuế VAT cho xuất khẩu thép, nhất là đối với thép “hợp kim” chứa B, Cr. Ngoài ra, từ 1/1/2016 sẽ tiếp tục giảm thuế xuất khẩu gang xuống 10% và phôi thép xuống 20% so với trước đây là 25% với cả 2 mặt hàng trên.

Ông Sưa phân tích diễn biến giá nguyên liệu trong giai đoạn từ giữa 2016 tới đầu năm 2017, từ giá quặng, giá than mỡ cho tới giá phôi thép, giá thép cuộn nóng để nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về những biến động của ngành. Giá thép và nguyên liệu thép đã đang có xu hướng tăng trở lại vào Q4/2016 và đầu năm 2017. Điều này có thể gây ảnh hưởng mạnh tới biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất thép nếu như quản trị hàng tồn kho không tốt.

 Ông Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam

Hiện trạng ngành thép Việt Nam: Thông tin tổng quan về ngành công nghiệp thép Việt Nam với 4 phân ngành chính là (1) Luyện gang; (2) Luyện thép; (3) Cán thép; (4) Gia công sau cán; cùng với đó là thông tin cụ thể về thiết bị, tổng công suất thiết kế và sản lượng sản xuất của từng phân ngành trong 3 năm từ 2014 đến 2016 và ước tính sản lượng năm 2017. Hiện tại, năng lực sản xuất của ngành thép Việt Nam là:

– Thép dài của Việt Nam là 12,6 triệu tấn/năm,

– Cán nguội sản phẩm dẹt là 5,75 triệu tấn/năm,

– Sản xuất ống thép hàn là 3 triệu tấn/năm,

– Tôn mạ kim loại và sơn phủ màu là 5,4 triệu tấn/năm.

Sản lượng sản xuất ước tính năm 2016 đạt 8,6 triệu tấn thép dài, 3,6 triệu tấn CRC, 2,06 triệu tấn ống thép và 3,4 triệu tấn tôn mạ.

TRIỂN VỌNG NGÀNH 2017

Triển vọng ngành thép 2017: Nhận định ngành thép vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt tại nhiều lĩnh vực sản xuất gang (4,5 triệu tấn, +80%yoy), phôi (11,5 triệu tấn, + 47,2%yoy), thép thành phẩm (19,97 triệu tấn, +12%yoy). Bên cạnh đó, thâm hụt thương mại cán cân thương mại ngành thép cũng sẽ giảm do Formosa đi vào hoạt động sẽ cung cấp ra thị trường thép cây và thép cuộn cán nóng (HRC).

GẶP GỠ DOANH NGHIỆP – CTCP ỐNG THÉP VIỆT ĐỨC

Trong buổi hội thảo này, cũng có sự góp mặt của đại diện DN trong ngành Thép – CTCP Ống Thép Việt Đức, mã niêm yết VGS (HNX), hiện đang được đánh giá là một trong những cổ phiếu thép tiềm năng trong ngành. Đây là cơ hội gặp gỡ, giao lưu trực tiếp giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư, giúp NĐT quan tâm đến thép Việt Đức nói riêng và doanh nghiệp thép nói chung có được cái nhìn sâu hơn về tình hình HĐKD của DN.

Mở đầu phần giao lưu doanh nghiệp, Ông Nguyễn Hữu Thể – Tổng Giám đốc CTCP Ống thép Việt Đức thay mặt Công ty giới thiệu với NĐT về tổng quan hoạt động sản xuất kinh doanh của VGS.

CTCP Ống thép Việt Đức thành lập năm 2002 được chuyển đổi từ Nhà máy Ống thép Việt Đức VG PIPE tại KCN Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Công ty chuyên sản xuất, cung cấp các sản phẩm ống thép các loại cho thị trường Việt Nam. Năm 2008, cổ phiếu của Công ty chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với mã VGS. Qua gần 15 năm phát triển, thị phần ống thép của VGS đã vươn lên chiếm từ 8,5-9% thị trường, đưa Công ty lọt top 4 nhà sản xuất ống thép lớn nhất Việt Nam.

Các sản phẩm ống thép của VGS có chất lượng cao, luôn được khách hàng tin tưởng, có mặt trong hầu hết các công trình trọng điểm quốc gia như: Tòa nhà Quốc hội, Trung tâm hội nghị Quốc gia, Nhà ga sân bay T2 Nội bài, Cầu Nhật Tân, các dự án của Tập đoàn VinGroup như Time City; Royal City… Hệ thống tổ chức của VGS bao gồm 1 công ty mẹ, 1 công ty con và 2 công ty liên kết sản xuất các sản phẩm chính bao gồm: ống thép, tôn mạ, thép xây dựng được ứng dụng nhiều trong xây dựng, cầu đường, nội thất, cấp thoát nước, công nghiệp đóng tàu và phòng cháy chữa cháy.

 

 Ông Nguyễn Hữu Thể – Tổng Giám đốc CTCP Ống thép Việt Đức VG PIPE

Cơ cấu sản phẩm: Tổng sản lượng bán hàng hợp nhất năm 2016 của VGS đạt 249.500 tấn, trong đó ống mạ kém chiếm 7%, ống hàn đen 3%, ống tôn mạ 24%, tôn mạ kẽm 27%, còn lại 40% thuộc về mảng kinh doanh thương mại. Dòng ống mạ kẽm tuy chỉ chiếm 7% sản lượng nhưng lại là mặt hàng có giá trị cao nhất, đóng góp 49,5% vào lợi nhuận gộp 2016. 

Lợi thế cạnh tranh của VGS: Để giúp NĐT hiểu rõ hơn về DN, Ông Nguyễn Hữu Thể – Tổng Giám đốc đưa ra những phân tích về lợi thế cạnh tranh của VGS, trong đó nhấn mạnh 4 điểm chính:

       Hệ thống máy móc hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của thị trường. Công ty mẹ và Công ty con VGS đang có 36 dây chuyền sản xuất gồm: dây chuyền cắt xẻ băng; dây chuyền sản xuất ống thép; dây chuyền sản xuất Tôn cán nguội và Tôn mạ kẽm công suất 600.000 tấn/năm. Sản phẩm sản xuất đều đã được kiểm định, đạt tiêu chuẩn của Việt nam; Nhật Bản; Anh Quốc và Mỹ.

       Mạng lưới phân phối rộng, trải rộng trên 40 tỉnh thành. Điều này giúp các sản phẩm của VGS dễ dàng được hiện diện rộng cho người tiêu dùng.

       Sản phẩm của VGS có chất lượng cao, đạt được nhiều giải thưởng uy tín về chất lượng như ISO 9001:2008, Giải thưởng chất lượng Việt Nam, Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt…

       Đội ngũ lãnh đạo giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thép, có chiến lược phát triển dài hạn.

Triển vọng phát triển của VGS: Hiểu được mối quan tâm của NĐT về triển vọng phát triển của công ty trong thời gian tới, ông Thể nhấn mạnh VGS kiên định mục tiêu tạo dựng một tập đoàn thép hàng đầu Việt Nam, duy trì lợi thế cạnh tranh, đẩy mạnh thị trường trong và ngoài nước, phát triển bền vững dựa trên lợi thế về công nghệ, và tăng cường đầu tư phát triển hoàn thiện chu trình sản xuất khép kín. Thép ống vẫn được định hướng là mặt hàng chính của Công ty. Đây là dòng sản phẩm có biên lợi nhuận gộp cao, đạt từ 10-15%/năm. Từ 2017-2020, Công ty sẽ tập trung nghiên cứu để triển khai xây dựng nhà máy sản xuất ống thép tại miền Trung và miền Nam để gia tăng thị phần ống thép nội địa. Ngoài ra, theo ông Thể chia sẻ, VGS cũng sẽ luôn cố gắng cân bằng lợi ích cổ đông và lợi ích doanh nghiệp thông qua việc nâng tỷ lệ chi trả cổ tức. Cổ tức năm 2016 dự kiến sẽ ở mức 15%, tăng 5% so với năm 2015.

Kết quả sản xuất kinh doanh: Để kết thúc phần trình bày, Ông Thể có đưa ra một số số liệu về kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty. Từ năm 2013 đến nay, năng lực sản xuất của VGS không ngừng được gia tăng. Cụ thể, năng lực sản xuất năm 2017 của toàn công ty đã đạt 1,3 triệu tấn, tăng trưởng 36% so với cùng kỳ. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2016 đạt lần lượt 4.579 tỷ đồng (+32% yoy) và 81,5 tỷ đồng (+77,5% yoy)

 

PHẦN HỎI ĐÁP Q&A

Tiếp theo chương trình, hội thảo diễn ra sôi nổi với phần trao đổi trực tiếp giữa các chuyên gia: Tiến sỹ Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, Ông Lê Minh Hải – Chủ tịch HĐQT CTCP Ống thép Việt Đức VG Pipe; bà Nguyễn Thị Nhi – Phó TGĐ CTCP Ống thép Việt Đức VG Pipe, Ông Khổng Phan Đức – Tổng Giám đốc CTCP Chứng Khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam; Ông Đặng Trần Hải Đăng – PGĐ Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán Công thương và toàn thể các vị khách mời. 

 

Nhà đầu tư 1: Năm 2016, Formosa gây ra sự cố môi trường biển đặt ra câu hỏi về phát triển bền vững đối với ngành thép? Chọn tăng trưởng nóng hay chọn môi trường?

TS. Nguyễn Văn Sưa: Đây là một vấn đề nóng hổi, đặc biệt đối với ngành công nghiệp thép. Với trình độ khoa học công nghệ hiện nay, hoàn toàn có thể phát triển ngành thép mà vẫn đảm bảo vấn đề môi trường, hiện một số nhà máy tại Hàn Quốc đã giải quyết rất tốt vấn đề này”.

Ông Lê Minh Hải: Vấn đề môi trường là vấn đề mà Ban lãnh đạo doanh nghiệp phải nhận biết đầy đủ. Hằng năm VGS đều trích lập một phần lợi nhuận đáng kể để giải quyết vấn đề môi trường; hiện tại, VGS đứng trong những top nhà máy đảm bảo xử lý tốt vấn đề môi trường”.

 

Nhà đầu tư 2: VGS cho biết lợi nhuận dự kiến quý 01.2017 (17 tỷ) thấp hơn cùng kì năm trước (24 tỷ), liệu năm 2017 VGS có đạt được tăng trưởng cao như năm 2016?

Bà Nguyễn Thị Nhi: Diễn biến giá nguyên liệu năm 2016 theo chiều hướng giá thấp đầu năm, tăng dần đến mức cao vào cuối năm nên ngành thép nói chung và VGS nói riêng đều thu được mức biên lợi nhuận lớn. Từ đầu năm 2017 đến này, giá nguyên liệu tiếp tục ở mức cao và tiếp tục tăng, song đà tăng không còn mạnh như năm trước, nên biên lợi nhuận khả năng sẽ giảm.

Nhà đầu tư 3: Năm 2016, trong khi đó sản xuất trong nước cũng rất nhiều, thêm vào đó là thuế tự vệ đối với sản phẩm này, đâu là lý do nhập khẩu thép dài tăng mạnh? Dự báo giá thép Việt Nam 2017?

TS. Nguyễn Văn Sưa: Thứ nhất, do từ khi bắt đầu điều tra đến khi chính thức triển khai áp dụng thuế tự vệ là khoảng hơn 6 tháng, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ tăng sản lượng nhập khẩu đối với các sản phẩm này. Tiếp theo là do biện pháp thúc đẩy xuất khẩu từ Trung Quốc mà tôi cho rằng có dấu hiệu của gian lận thương mại, trong đó có gia tăng xuất khẩu “thép hợp kim”, thực tế vẫn là thép thông thường. Cuối cùng là các doanh nghiệp nhập khẩu khi khai báo chuyển từ mã HS này sang mã HS khác dẫn đến lượng nhập khẩu thực tế vẫn tăng mặc dù đã áp thuế.

Về dự báo giá thép năm 2017, giá thép Việt Nam phụ thuộc chặt chẽ vào giá nguyên liệu và bán thành phẩm trên thế giới. Dự báo chính xác về xu hướng giá là điều rất khó, song chiều hướng chung là gia tăng, có thể không quá nhiều do đã tăng rất mạnh năm 2016. Giá một số nguyên liệu, bán thành phẩm nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2017.

 

Nhà đầu tư 4: Năm 2016, VGS tăng trưởng rất tốt, năm nay tình hình có vẻ khó khăn hơn do giá nguyên liệu khá cao, vậy chiến lược của VGS là gì?

Ông Lê Minh Hải: Hiện trong nước chưa sản xuất được HRC nên đa phần doanh nghiệp bắt buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài. Từ năm 2016, VGS đã chú trọng nâng cao năng lực sản xuất, hoàn thiện chuỗi giá trị, nhập HRC – Cuộn cán nguội – mạ kẽm – làm ống thép, hiện gần như hoàn chỉnh chuỗi. Thêm nữa, VGS đã kí hợp đồng dài hạn với Formosa để mua HRC, trong tương lai, tỷ lệ nội địa hóa sẽ đạt xấp xỉ 100%.

Nhà đầu tư 5: Xin ông Khổng Phan Đức có thể cho biết thêm về cơ hội đầu tư ngành thép?

Ông Khổng Phan Đức: Nhìn chung, ngành thép Việt Nam tuy có quy mô nhỏ nhưng vẫn có những lợi thế cạnh tranh riêng biệt. Chi phí sản xuất thép tại Việt Nam tương đối cạnh tranh khi so với các nước trong khu vực và chỉ thua Trung Quốc. Năm 2016, ngành thép đã xuất khẩu được 3,6 triệu tấn sản phẩm cuối cùng. Theo tôi, đó là số liệu rất thuyết phục.

Tại Việt Nam, dư địa phát triển ngành thép còn rất lớn do nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng ở các thành phố và khu vực ngoại ô. Lượng thép tiêu thụ/đầu người năm 2016 mới chỉ đạt 240 kg, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (262,7 kg), Malaysia (336,1 kg), Đài Loan (837,1) hay Nhật Bản (531,7 kg). Vấn đề của các doanh nghiệp trong ngành là nên mở rộng, khai thác điểm khuyết trong chuỗi giá trị để tạo giá trị gia tăng. Ví dụ như phân khúc HRC. Hiện tại trong nước HRC phải nhập khẩu 100%. Nếu như doanh nghiệp làm ống có thể tiến tới sản xuất được HRC, tiềm năng tăng trưởng sẽ rất rộng mở.

Bên cạnh đó, ngành thép Việt Nam có P/E đang đạt khoảng 6 lần, tương đối thấp so với mức P/E của thị trường (16,7 lần). Chính vì vậy, các nhà đầu tư nên cân nhắc nhìn nhận cơ hội đầu tư tại các doanh nghiệp có cơ bản tốt.

Nhà đầu tư 6: Tôi xin hỏi quan điểm của VGS về triển vọng ngành thép năm 2017? VGS sẽ đối phó với khó khăn như thế nào về những dự báo chững lại của thị trường Bất động sản?

Ông Lê Minh Hải: Năm 2017, dự kiến tăng trưởng toàn ngành 12% (VSA) chung cho toàn ngành, riêng với ống thép VGS dự báo chạy hết công suất sản xuất ống thép để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, đã giải quyết, chốt nguồn đầu vào, chủ động về nguyên liệu và giá để sản xuất.

Về thị trường BĐS, VGS có sản xuất thép xây dựng và chủ yếu tập trung cung cấp cho những dự án lớn. Sản lượng tiêu thụ thép của VGS đã được xây dựng dựa trên kế hoạch sản xuất kinh doanh của đối tác nên không lo bị thừa nguồn hàng.

Nhà đầu tư 7: Các sản phẩm của nước ta (ống thép) cũng bị áp thuế bán phá giá, nếu VGS xuất khẩu sẽ giải quyết như thế nào?

Ông Lê Minh Hải: Chúng tôi đã từng tính đến bài toán xuất khẩu. Cụ thể, đã thử nghiệm tại các thị trường như Myanma và Lào. Tuy nhiên nhìn chung, kế hoạch không thành công do giá xuất khấu quá thấp, không thể cạnh tranh được với Trung Quốc. Vì vậy, chủ trương VGS trước mắt là tập trung cho thị trường trong nước.

Nhà đầu tư 8: Trong BCTC Quý 4/2016, khoản phải thu và tồn kho trong đã tăng 200 tỷ mỗi khoản. Công ty có thể thuyết minh cụ thể hơn về các khoản mục đó? Tỷ lệ vốn vay trên tổng tài sản của VGS khá cao, Công ty có quyết định cơ cấu lại tài chính để giảm tỷ lệ này?

Bà Nguyễn Thị Nhi: Chu kì sản xuất bao giờ cũng phải nhập nguyên liệu (HRC) trước 3 tháng nên lượng tồn kho thường phải cao. Trong Q4/2016, giá HRC cũng đã tăng 50-60% so với cùng kỳ, kéo theo giá trị hàng tồn kho tăng mạnh.

Về phần tỷ lệ vốn vay, tôi xin trả lời cho nhà đầu tư biết. Vốn vay hiện giờ của VGS chủ yếu là từ vay ngắn hạn để tài trợ vốn lưu động. Công ty hoàn toàn có thể giảm vay nợ bằng cách tạm thời dừng trả cổ tức bằng tiền mặt trong vài kì. Tuy nhiên như vậy sẽ không đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Chúng tôi luôn cố gắng cân bằng lợi ích giữa các bên. Tuy trả cổ tức đều đặn nhưng một phần nguồn tiền hợp lý vẫn được giữ lại để đầu tư cho hoạt động sản xuất. Chính vì vậy nên từ năm 2013-nay, năng lực sản xuất của Công ty không ngừng được nâng cao. Sản lượng tiêu thụ tăng cả ở công ty mẹ và công ty con.


Nhà đầu tư 9: Kế hoạch cổ tức VGS 2017 là bao nhiêu?

Ông lê Minh Hải: Chúng tôi dự định vẫn duy trì từ 12-15% tiền mặt.

Nhà đầu tư 10: Giá cổ phiếu VGS đã phản ánh đúng giá trị chưa?

Ông Khổng Phan Đức: Tôi không nêu cụ thể quan điểm là đắt hay rẻ. Tôi chỉ xin cung cấp cho nhà đầu tư một cách để xác định giá trị doanh nghiệp, đó là sử dụng cách tính EV/EBITDA multiple để đưa ra giá trị hợp lý. Với kinh nghiệm lâu năm làm các deal M&A, tỷ lệ EV/EBITDA thường ở mức 6-10 lần. Trong khi đó, chỉ số này tại VGS đang đạt khoảng 1,6 lần. Đây cũng là một yếu tố đáng cân nhắc để xem xét cơ hội đầu tư tại VGS.

Hà Quốc Quân
search

HOTLINE