Tin tức - Tuyển dụng / Tin tập đoàn
Ở Công ty cổ phần Thép Việt Ðức, công đoàn là thành phần “cứng” tham gia trực tiếp vào những việc liên quan đến người lao động (NLÐ) như: Ðánh giá kết quả công việc của CBCNV, tham gia sắp xếp, bố trí lao động, xây dựng định mức khoán, tham gia hội đồng nâng lương hằng năm cho NLÐ. Công đoàn cùng với Ban Tổng giám đốc xây dựng nội quy, quy chế doanh nghiệp (DN) và giám sát việc thực hiện nội quy, quy chế cũng như việc trả lương, thưởng của công ty.
Anh Trần Văn Thường làm ở Công ty cổ phần thép Việt Ðức đã được tám năm, lương trưởng ca của anh là sáu triệu đồng/tháng. Tết năm trước anh được công ty thưởng tới chín triệu đồng. Tết năm nay anh đang hy vọng mức thưởng sẽ cao hơn. Trước khi yên tâm lập nghiệp ở đây, anh Thường đã từng làm việc cho hai công ty ở Hà Nội và Phúc Yên, nhưng lương quá thấp nên anh phải tìm việc khác. Chị Nguyễn Thị Thanh, thủ kho, khoe được công ty thưởng một triệu đồng dịp Quốc khánh 2-9, các phụ kho được thưởng 500 nghìn đồng. Tết Dương lịch vừa qua, chị cũng được thưởng 500 nghìn đồng. Lương tháng của chị Thanh bốn triệu đồng, không phải thuê nhà nên đời sống tạm ổn, yên tâm làm việc. Ða số lao động của Công ty cổ phần thép Việt Ðức có trụ sở ở Vĩnh Phúc tỏ ra hài lòng với cách quản lý của công ty, không phàn nàn nhiều về mức lương hiện hưởng. Ðây cũng là một trong số ít doanh nghiệp mà vai trò của công đoàn được công nhân đánh giá cao, nhất là trong việc quan tâm, chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân viên (CBCNV).
Tin tưởng vào tổ chức công đoàn của công ty, Ban Tổng giám đốc đề nghị công đoàn trình các phương án bảo đảm chế độ, lương thưởng cho NLÐ, giao quyền giám sát việc thực hiện chế độ cho công nhân. Ðể tạo khuôn khổ thực hiện chế độ đối với NLÐ, từ năm 2009, công đoàn đề ra Quy chế điều hành hoạt động và quản lý tài chính bao gồm nhiều quy định cụ thể. Chẳng hạn, mức chi cao nhất cho hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao là 20 triệu đồng/quý, mỗi đoàn viên công đoàn được tặng quà sinh nhật 50 nghìn đồng. Phong trào hiếu học, việc vui, việc buồn của CBCNV đều được quy định mức hỗ trợ theo chế độ công đoàn đã duyệt, như học sinh giỏi tỉnh được thưởng 500 nghìn đồng và học sinh giỏi quốc gia được thưởng một triệu đồng…
Ðể bảo đảm chế độ lâu dài cho NLÐ, công ty đóng đầy đủ các loại bảo hiểm như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chưa kể bảo hiểm con người kết hợp 24h/24h cho tất cả CBCNV. Hiện nay, công ty đang đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng khu đô thị Việt Ðức Legend City với diện tích 62,9 ha, trong đó dành 5 ha để xây dựng nhà ở xã hội, đáp ứng nguyện vọng ổn định chỗ ở của công nhân và người có thu nhập thấp trên địa bàn. Chủ tịch công đoàn Lê Anh Chung, cho biết, công đoàn làm cầu nối để nhà quản lý đối thoại thường xuyên với NLÐ, đồng thời phản ánh kịp thời tâm tư, suy nghĩ của CBCNV. Tại các xưởng sản xuất, công nhân có thể góp ý với trưởng ca, tổ trưởng công đoàn trong xưởng, hoặc góp ý qua các hòm thư góp ý được đặt trong tất cả các phân xưởng và trong nhà để xe của CBCNV. Bữa ăn ca của CBCNV cũng được công đoàn quan tâm sâu sát để bảo đảm vệ sinh, chất lượng.
Năm qua là năm ngành thép lao đao do tiêu thụ trong nước giảm, tồn kho cao, chỉ số lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng cao, gây nhiều khó khăn về vốn và đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đến tháng 12-2011, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng Việt Ðức – VGS vẫn đạt 25.500 tấn, đây là mức sản lượng cao nhất kể từ khi nhà máy thép xây dựng đi vào hoạt động (tháng 6-2010), tăng 23% so tháng 11-2011 và bằng 120% so cùng kỳ năm trước. Tiêu thụ ống thép trong tháng đạt hơn 4.000 tấn. Mặc dù đang ở thời điểm khó khăn nhưng nhà máy thép xây dựng VGS hoạt động hết công suất vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động với thu nhập bình quân sáu triệu đồng/người/tháng.
Ðời sống NLÐ được cải thiện, góp phần trí thức hóa đội ngũ công nhân và thúc đẩy cạnh tranh lao động. Trong số hơn 1.500 CBCNV toàn công ty, có 355 người tốt nghiệp đại học, 887 người có trình độ cao đẳng và công nhân kỹ thuật. Nguồn nhân lực này là một lợi thế so sánh quan trọng trong giai đoạn cạnh tranh lao động gay gắt như hiện nay. Thực tiễn sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần thép Việt Ðức cho thấy, nếu tổ chức công đoàn được giao trách nhiệm, vai trò cụ thể, được quyền đề xuất, giám sát việc thực hiện chế độ cho người lao động, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa NLÐ và chủ DN, thì DN sẽ thu hút được lao động có tay nghề, có trình độ cao. Chính lực lượng lao động có trình độ, tận tâm với công việc này đã giúp công ty vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển. Từ mô hình ban giám đốc – công đoàn đồng quản lý của Công ty cổ phần Thép Việt Ðức, đời sống của NLÐ được cải thiện rõ rệt. Công ty xây dựng được chiến lược nhân sự với tầm nhìn dài hạn, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, trong đó có cạnh tranh nhân lực chất lượng cao. Thực tế này cho thấy, khi DN có trách nhiệm với NLÐ, thì chính NLÐ sẽ trở thành nội lực mạnh mẽ thúc đẩy DN vượt qua khó khăn, phát triển không ngừng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay chưa có nhiều DN quan tâm đời sống NLÐ. Ở nhiều nơi, tổ chức công đoàn trong các DN bị phủ nhận vai trò hoặc bị chủ DN thao túng. Quy chế dân chủ trong các cơ sở doanh nghiệp không được thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm. Ðể khắc phục những yếu kém trên, các DN cần dành cho tổ chức công đoàn chỗ đứng xứng đáng, vai trò rõ ràng. Trước mắt, các cơ quan chức năng cần xử lý các DN không thực hiện nghiêm túc Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội. Pháp luật phải được thực thi nghiêm minh, kể cả với chủ doanh nghiệp là người nước ngoài, không thể vì lợi nhuận trước mắt mà bỏ qua hay xử lý nhẹ đối với các hành vi ngược đãi công nhân. Ðiều này thể hiện sâu sắc bản chất nhân văn của xã hội Xã hội chủ nghĩa ở nước ta, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
HÀ HỒNG HÀ
Theo www.nhandan.org.vn