Bàn về thuế ‘chồng’ thuế

Bàn về thuế ‘chồng’ thuế


Ngày 13/4, Bộ Tài chính công bố dự thảo dự án Luật Thuế tài sản để trình Chính phủ đề nghị Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Đáng chú ý, trong dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế đối với mọi chủ sở hữu nhà (gồm cả chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh..) có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên. 

Ảnh minh họa từ internet.

Đề xuất này đang gây xôn xao, bởi có ý kiến cho rằng, đối tượng có thể phải đóng thuế không chừa ai, bất kể người giàu hay nghèo. Diện nhà “có giá trị từ 700 triệu đồng” sẽ rất rộng lớn, từ thành thị tới nông thôn, bởi để xây được ngôi nhà “tạm” chừng ấy tiền không hề thừa. 

Một chuyên gia chính sách công nêu quan điểm: “Mức sàn đánh thuế nhà là 700 triệu đồng hoàn toàn không phù hợp khi xét trên mặt bằng thu nhập, chi tiêu của người dân”. Nếu dự thảo Luật Thuế tài sản được áp dụng, một căn nhà sẽ vừa bị đánh thuế nhà (nếu giá trị nhà vượt 700 triệu đồng), vừa bị đánh thuế đất. Loại thuế này sẽ được thu hàng năm, tức năm nào người dân cũng phải kê nộp thuế đất, thuế nhà. Như vậy là thuế “chồng” thuế.

Thực ra thì đất đai ở nước ta là “sở hữu toàn dân”. Tiền sử dụng đất hiện nay không phải là một sắc thuế vì đang được quy định bởi Luật Đất đai, là một nguồn thu quan trọng của ngân sách. Tuy nhiên, tiền sử dụng đất đang là “ẩn số”, cách tính tiền sử dụng đất trên thực tế đang tạo ra môi trường, dung dưỡng cơ chế “xin – cho”, nhũng nhiễu, doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục hành chính này. Ở các nước đất đai thuộc sở hữu tư nhân, không có khoản thu ngân sách “tiền sử dụng đất” như ở nước ta, do vậy câu chuyện của nước ta “luôn mới”, “luôn khác”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Thuế tài sản cần đi đôi với việc sửa đổi chính sách và cơ chế tính “tiền sử dụng đất”, theo hướng quy định “tiền sử dụng đất” là một sắc thuế đánh trên hoạt động “chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở”, với thuế suất khoảng 10 – 15%, tính trên bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành, được điều chỉnh hàng năm phù hợp với giá thị trường. Điều này nhằm đảm bảo giảm mức thu “tiền sử dụng đất” rất nặng hiện nay về mức hợp lý hơn. Trên cơ sở đó, sẽ bổ sung thuế tài sản đất ở, nhà ở, để tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước.

Công bằng mà nói, những năm vừa qua, việc triển khai các luật thuế đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Điều này vô cùng có ý nghĩa bởi thuế luôn là nguồn thu chủ yếu của ngân sách. Khi mức độ hội nhập ngày càng mở rộng, kinh tế trong và ngoài nước biến động phức tạp thì đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế để phù hợp thực tiễn… Việc nghiên cứu dự án Luật Thuế tài sản sẽ là bình thường nếu phù hợp thực tiễn.

Chúng ta không ai vui khi chính sách thuế luôn “chồng” thuế, phí luôn “chồng” phí.

Nguồn: BPL

HOTLINE