Bê bối chất lượng thép của Tập đoàn Kobe Steel: Bộ Công Thương chưa ghi nhận thiệt hại nào tại Việt Nam

Bê bối chất lượng thép của Tập đoàn Kobe Steel: Bộ Công Thương chưa ghi nhận thiệt hại nào tại Việt Nam


Bộ Công Thương xác nhận, hiện chưa có ghi nhận về bất cứ thiệt hại thực tế nào đến từ việc sử dụng các sản phẩm có sử dụng sản phẩm của Tập đoàn Kobe Steel, riêng Toyota Việt Nam và Công ty Honda Việt Nam đang trong quá trình đợi thông tin chính thức từ các tập đoàn liên quan tại Nhật Bản.

Tháng 10 năm 2017, thông qua phản ánh của các phương tiện truyền thông, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp nhận thông tin về việc Tập đoàn Kobe Steel của Nhật Bản làm giả dữ liệu về độ bền chắc của một số sản phẩm nhôm và đồng, một phần trong số sản phẩm này hiện đã và đang được sử dụng trên các sản phẩm xe hơi cung cấp bởi các tập đoàn lớn của Nhật Bản bao gồm Toyota, Honda, Mazda và Subaru.
Nhận thấy vụ việc nêu trên có nguy cơ ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng trong quá trình sử dụng các sản phẩm liên quan; nhằm có thông tin chính xác để cập nhật, thông báo tới người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có văn bản đề nghị các công ty xác minh và cập nhật thông tin. 
Theo thông tin mới nhất được phát đi từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) trong sáng 24/10/2017, tới thời điểm hiện tại, một số Công ty đã có văn bản cập nhật thông tin tới Cục.
Trên cơ sở đó, Cục Quản lý cạnh tranh thông tin để người tiêu dùng được biết, hiện chưa có ghi nhận về bất cứ thiệt hại thực tế nào đến từ việc sử dụng các sản phẩm có sử dụng sản phẩm của Tập đoàn Kobe Steel tại Việt Nam.
Công ty ô tô Toyota Việt Nam và Công ty Honda Việt Nam đang trong quá trình đợi thông tin chính thức từ các tập đoàn liên quan tại Nhật Bản. Ngay khi có thông tin, các Công ty sẽ thực hiện các thủ tục báo cáo tới Cục nhằm đảm bảo sự an toàn và sự an tâm của người tiêu dùng.
Đối với các sản phẩm ô tô Subaru, vật liệu duy nhất mà nhà máy sản xuất Subaru Corporation mua trực tiếp từ Tập đoàn Kobe Steel để sử dụng trong sản xuất xe là các tấm nhôm cán dùng để chế tạo nắp đậy khoang động cơ ( nắp ca-pô xe) trong một số xe Subaru bắt đầu từ năm 2003. Các model xe liên quan bao gồm Outback, Legacy, WRX, WRX STI, Levorg, Forester và Subaru BRZ.

Subaru Corporation đã tiến hành kiểm tra và xác nhận rằng các xe Subaru có sử dụng chi tiết nêu trên đều đảm bảo tất cả các yêu cầu an toàn kỹ thuật theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất Subaru.

Trước đó, dư luận Nhật Bản rúng động sau khi Tập đoàn Kobe Steel thừa nhận làm giả dữ liệu về độ bền của một số sản phẩm nhôm và đồng cung cấp cho khoảng 500 công ty trên thế giới trong các lĩnh vực chế tạo máy bay, ô tô, tàu hỏa và thiết bị quốc phòng.

Vụ bê bối ngày càng nghiêm trọng khi 6 nhà sản xuất ôtô nổi tiếng nhất của “xứ mặt trời mọc” bao gồm Toyota, Mitsubishi Motors, Subaru, Mazda, Nissan và Honda cho biết đã sử dụng vật liệu đầu vào bị làm giả dữ liệu của Kobe Steel. Các hãng xe hơi General Motors và Ford Motor của Mỹ đã mở các cuộc điều tra.

Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Tập đoàn Kobe Steel trình các hồ sơ liên quan đến vụ bê bối làm giả dữ liệu khi tập đoàn này hiện cung cấp sản phẩm cho hàng loạt ngành công nghiệp tại Mỹ.

Nguồn tin: Đầu tư

HOTLINE