Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Tuần này, dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (BVBMNN) đã được trình ra trước Quốc hội (QH). Chia sẻ với PLVN, Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Phó Trưởng đoàn Đại biểu QH tỉnh Nghệ An) cho rằng khi thông tin bị “mật hóa” càng nhiều thì quyền tiếp cận thông tin càng ít. Do đó, ông lo ngại những quy định của Luật này nếu không có cơ chế khoa học, giám sát, xử lý hay ngăn chặn xu hướng “mật hóa” tràn lan có thể sẽ gây ra những vấn đề “lợi bất cập hại”.
Ảnh minh họa
Hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước
Theo Tờ trình của Chính phủ, triển khai Pháp lệnh BVBMNN số 30/2000/PL-UBTVQH10 có hiệu lực năm 2001, công tác BVBMNN đã đạt nhiều kết quả quan trọng, ý thức trách nhiệm BVBMNN của các cấp, các ngành, của cán bộ, nhân dân được nâng cao; các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương đã xây dựng danh mục bí mật nhà nước, quy chế BVBMNN và tăng cường công tác BVBMNN; các cơ quan chức năng đã được kiện toàn về tổ chức, làm tốt công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm; phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn nhiều âm mưu, hoạt động thu thập bí mật nhà nước của các thế lực thù địch.
Những kết quả đạt được đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện công tác BVBMNN và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, về thể chế, khái niệm bí mật nhà nước còn chung chung, liệt kê gây khó khăn cho việc xác định, quản lý và sử dụng; phạm vi bí mật nhà nước xác định theo từng cấp độ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn nên việc lập danh mục của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, đối tượng thuộc diện lập danh mục bí mật nhà nước chưa bảo đảm tính khả thi. Thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục in, sao, chụp, nghiên cứu, phổ biến, cung cấp, chuyển giao và giải mật BMNN còn thiếu, chưa bảo đảm tính công khai minh bạch. Đặc biệt, trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác BVBMNN chưa cụ thể dẫn đến nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và nhân dân còn chủ quan, mất cảnh giác, làm giảm chất lượng, hiệu quả của công tác này.
Theo thống kê, từ năm 2001 đến nay đã phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất BMNN, bao gồm nhiều tài liệu thuộc danh mục Tuyệt mật, Tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo. Hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc; báo chí, xuất bản; quan hệ quốc tế… Một trong những nguyên nhân của việc lộ, mất nêu trên là do hệ thống pháp luật về BVBMNN còn chưa đồng bộ; các chế tài xử lý còn thiếu và yếu chưa bảo đảm tính răn đe; việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động…
Nhiều điểm mới
Trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật BVBMNN hiện có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh. Trong đó, bên cạnh việc bổ sung phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, khái niệm BMNN cũng đã được xác định lại theo hướng khái quát, nhưng đảm bảo chặt chẽ, đáp ứng tính ổn định của Luật. Cụ thể, BMNN là thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác chưa công khai, nếu bị lộ, mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc (Điều 2). Đây là cơ sở phân biệt giữa BMNN với các loại bí mật khác, như bí mật công tác, bí mật đời tư…
Điều 8 của dự thảo Luật cũng đã bổ sung tiêu chí xác định cấp độ mật của BMNN. Theo đó, kế thừa quy định của Pháp lệnh, dự thảo Luật phân loại bí mật nhà nước thành 3 cấp độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật. Tuy nhiên, để việc xác lập danh mục BMNN được bảo đảm tính công khai, minh bạch, thống nhất, dự thảo quy định tiêu chí phân loại BMNN theo hướng kết hợp giữa lĩnh vực và hậu quả nếu BMNN bị lộ, mất.
Dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương trong quản lý nhà nước về BVBMNN; làm rõ trách nhiệm của một số bộ, ngành đặc thù, như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ.
Băn khoăn về thời hạn BVBMNN
Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật là quy định về thời hạn BVBMNN; gia hạn thời hạn BVBMNN được nêu ở Điều 19 và Điều 20. Theo Ban soạn thảo, thực hiện chủ trương của Đảng về công khai, minh bạch hóa thông tin; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVBMNN, tạo điều kiện để công dân thực hiện các quyền cơ bản theo quy định của Hiến pháp năm 2013, dự thảo Luật quy định thời hạn BVBMNN đối với BMNN thuộc cấp độ Tuyệt mật là 30 năm; Tối mật là 20 năm và Mật là 10 năm. Thời hạn BVBMNN được gia hạn nếu việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Thượng tướng Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh cho biết, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ thời hạn BVBMNN trong dự thảo Luật là thời hạn tối đa hay tối thiểu; số lần gia hạn và thời gian cụ thể cho từng lần gia hạn thời hạn BVBMNN; cách tính thời hạn BVBMNN sau khi được tăng độ mật hoặc giảm độ mật. Có ý kiến cho rằng, bí mật nhà nước độ Tuyệt mật thường liên quan đặc biệt đến an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, dân tộc, nên thời hạn bảo vệ cần quy định dài hơn, có thể là 50 hoặc đến 60 năm hoặc không nên xác định thời hạn giải mật. Ý kiến khác đề nghị bổ sung loại bí mật nhà nước bảo vệ không thời hạn.
Về giải mật; tiêu hủy bí mật nhà nước, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần quy định cụ thể việc giải mật, tiêu hủy bí mật nhà nước để bảo đảm việc đầu tư, sử dụng các nguồn lực BVBMNN có hiệu quả, không lãng phí. Ý kiến này cũng đề nghị việc tiêu hủy BMNN cũng cần có tiêu chí cụ thể để làm căn cứ quyết định việc tiêu hủy. Mặt khác, việc tiêu hủy BMNN chỉ phù hợp với các tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, không phù hợp với bí mật nhà nước là thông tin. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu thiết kế lại khoản 1 Điều 23 để bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng hơn và có tính khả thi, đồng thời tránh việc tiêu hủy tùy tiện.
Nguồn: baophapluat