Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Lê Thành Long khi đến thăm và làm việc tại Sở Tư pháp Lai Châu chiều 10/4. Cùng ngày, Bộ trưởng và Đoàn công tác cũng đã làm việc với Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Dự buổi làm việc có Giám đốc Sở Tư pháp Lê Thanh Hải, Quyền Cục trưởng Trần Công Hướng.
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại buổi làm việc với Sở Tư pháp Lai Châu.
Tại Sở Tư pháp, sau khi nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu thẳng thắn từ phía Sở và Đoàn công tác của Bộ, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá, trong thời gian qua mặc dù trong điều kiện rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng Tư pháp Lai Châu đã đóng góp chung vào thành công chung của Tư pháp cả nước; quan tâm công tác đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ, số xã, phường có 2 công chức tư pháp hộ tịch trở lên cao hơn tỷ lệ trung bình cả nước, trình độ cán bộ từ tỉnh đến xã cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra.
Lai Châu cũng làm tốt công tác thẩm định dự thảo văn bản, việc niêm yết thủ tục hành chính được thực hiện bài bản, công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) có nhiều điểm nhấn, trong đó có tổ chức thành công hội thi tuyên truyền viên pháp luật lần thứ nhất, tỷ lệ hòa giải thành cao, một số hoạt động khác thuộc lĩnh vực của ngành cũng có nhiều cố gắng. Thay mặt lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng cám ơn và chúc mừng những kết quả Tư pháp Lai Châu đạt được trong thời gian qua.
Chỉ ra các hạn chế, Bộ trưởng đề nghị trên cơ sở chương trình công tác trọng tâm của Bộ, tỉnh, Tư pháp Lai Châu cố gắng tham mưu thực hiện tốt các quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), tạo bước chuyển trong công tác văn bản, đánh giá từng tác động của chính sách. Quan tâm lập đề xuất kinh phí cho việc thực hiện các luật mới.
Về công tác PBGDPL, Sở cần nắm rõ hơn các chương trình, đề án hướng dẫn của Bộ để có thể tham mưu phù hợp trong điều kiện nguồn nhân lực có hạn. Đối với các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, cần đẩy mạnh xã hội hóa, với những tổ chức đã xã hội hóa cần tăng cường kiểm tra để phát hiện và kịp thời uốn nắn sai phạm.
Bộ trưởng cũng ghi nhận và giải đáp thêm một số vấn đề mà địa phương kiến nghị, đồng thời căn dặn: với vị trí công việc thuận lợi trước đây, nay về ngành Tư pháp, Giám đốc Sở cần phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong công tác tham mưu, đề xuất với tỉnh cũng như phối hợp với các ngành để nâng tầm vị thế công tác tư pháp trong giai đoạn mới.
Thiếu nguồn bổ nhiệm cán bộ
Báo cáo kết quả hoạt động năm 2017, 3 tháng đầu năm 2018, Giám đốc Sở Tư pháp Lê Thanh Hải cho biết, năm 2017, ngành Tư pháp Lai Châu tiếp tục nhận được sự ủng hộ, quan tâm của lãnh đạo Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự phối hợp của các ban ngành liên quan, ngành Tư pháp đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Công tác kiện toàn bộ máy tiếp tục được củng cố, tăng cường. Sở Tư pháp hiện có 1 Giám đốc, 3 Phó Giám đốc. 2017 là năm lãnh đạo Sở Tư pháp có sự chuyển giao thế hệ, Giám đốc cũ nghỉ chế độ, Giám đốc mới được điều từ Văn phòng UBND tỉnh sang, tập thể đoàn kết, phát huy nội lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Tỉnh Lai Châu hiện có 8 Phòng Tư pháp với 27/35 biên chế được giao. Toàn tỉnh có 179 công chức tư pháp – hộ tịch/205 biên chế/108 xã, phường, thị trấn.
Các nhiệm vụ trọng tâm có nhiều chuyển biến đó là công tác kiểm tra văn bản, tuyên truyền pháp luật, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật, công chứng, đấu giá tài sản, kỷ luật công vụ được tăng cường…
Tuy nhiên, là tỉnh miền núi nên Tư pháp Lai Châu còn rất nhiều khó khăn đó là thiếu nghiêm trọng biên chế, một số cán bộ yếu về chuyên môn, số lượng trợ giúp viên pháp lý, luật sư, công chứng viên đều thiếu do thiếu nguồn bổ nhiệm; kinh phí được cấp còn eo hẹp nên ảnh hưởng nhiều đến kết quả hoạt động; việc phối hợp giữa một số ngành còn chưa hiệu quả.
Từ những khó khăn tồn tại, Lai Châu đề nghị Bộ Tư pháp hỗ trợ toàn bộ kinh phí mở lớp Luật sư, công chứng viên, hỗ trợ các Đề án phổ biến giáo dục pháp luật; bổ sung thêm công chức, viên chức làm công tác tư pháp được miễn giảm thời gian đào tạo, tập sự hành nghề như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên. Đối với hành nghề luật sư, miễn tập sự hành nghề luật sư đối với trợ giúp viên pháp lý như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị thuộc Sở, Phòng Tư pháp cấp huyện đã báo cáo với Bộ trưởng những khó khăn vướng mắc từ thực tế, trong đó có nhiều việc cụ thể liên quan trực tiếp đến đời sống người dân ở cơ sở như vấn đề khai sinh, lý lịch tư pháp, công chứng, trợ giúp pháp lý…
Thi hành án: Phải rà soát tổng thể việc quy hoạch cán bộ
Tại Cục THADS Lai Châu, báo cáo với Bộ trưởng và Đoàn công tác, Q. Cục trưởng Trần Công Hướng cho biết, trong năm 2017, các cơ quan THADS trong tỉnh đã bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương và kế hoạch của từng đơn vị, đồng thời khắc phục khó khăn để triển khai tương đối đồng bộ các mặt công tác, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ thi hành xong về việc, về tiền, giảm việc, tiền chuyển kỳ sau đều vượt chỉ tiêu được Tổng cục THADS giao. Các công tác khác đều được triển khai thực hiện có hiệu quả.
6 tháng đầu năm 2018, tiếp tục bám sát vào các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương và kế hoạch của từng đơn vị, ngay từ đầu năm, các đơn vị THADS trong toàn tỉnh đã tập trung quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2018 được giao; Hoạt động chỉ đạo, điều hành trong nội bộ ngành bám sát kế hoạch, có trọng tâm, các mặt công tác được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, công chức, người lao động đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, quyết tâm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ thi hành xong về việc đạt 84%, về tiền đạt 57% (vượt 10,5% về việc và 23,5% về tiền so với chỉ tiêu được giao năm 2018).
Tuy nhiên, theo Q.Cục trưởng Trần Công Hướng, khó khăn với Lai Châu là số việc, tiền thụ lý tăng so với cùng kỳ năm trước đặc biệt là số tiền tăng đột biến; phát sinh nhiều vụ việc phức tạp với số tiền phải thi hành án lớn. Số việc và tiền chuyển kỳ sau còn cao, cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn còn chậm. Biên chế còn thiếu so với chỉ tiêu được giao, đội ngũ Chấp hành viên còn thiếu do thiếu nguồn tuyển dụng.
Cục THADS Lai Châu đề nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án hướng dẫn quy trình bổ nhiệm Chấp hành viên trung cấp không qua thi tuyển; Đề nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS xem xét, tạo điều kiện phê duyệt chủ trương nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc Cục THADS và sửa chữa Chi cục THADS huyện Mường Tè; cấp kinh phí sửa chữa Cụm kho vật chứng của Cục THADS tỉnh và Chi cục THADS thành phố, đồng thời xây dựng Kho vật chứng cho các Chi cục THADS chưa có Kho vật chứng để đảm bảo an toàn vật chứng, tài sản theo quy định.
Quan ngại về khả năng đạt chỉ tiêu về tiền và công tác cán bộ còn nhiều vấn đề hết sức khó khăn, Bộ trưởng Lê Thành Long đã chia sẻ với Lai Châu và yêu cầu THADS phải thực hiện quyết liệt các giải pháp để thực hiện tốt các chỉ tiêu được giao, đặc biệt là tỷ lệ thi hành về tiền.
Bộ trưởng cũng thông tin, Nghị quyết của Ban Cán sự về công tác THADS đã ban hành, Tổng cục cần quán triệt đến các Cục nghiêm túc triển khai. Về chuyên môn, nghiệp vụ, trong bối cảnh số tiền phải thụ lý tăng, trong đó các vụ án tham nhũng kinh tế rất khó thi hành nên THADS phải có kế hoạch, tập trung nguồn lực để giải quyết.
Về công tác tổ chức cán bộ, Bộ trưởng đề nghị toàn bộ cán bộ giữ mối đoàn kết; rà soát tổng thể việc quy hoạch và các điều kiện liên quan đến các chức danh nghề nghiệp để có giải pháp cụ thể; cần đề cao, tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các cơ quan liên quan để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Những gì trong phạm vi Tổng cục và Cục có thể thì cố gắng giải quyết để đảm bảo chế độ chính sách cho anh em trong ngành khi công tác ở một địa phương đặc biệt khó khăn như Lai Châu.
Nguồn: BPL