Cả nước náo nức các hoạt động đón Tết cổ truyền Mậu Tuất

Cả nước náo nức các hoạt động đón Tết cổ truyền Mậu Tuất


Thời điểm này tại các tỉnh, thành không khí đón Tết cổ truyền đang tràn ngập trên khắp mọi nẻo đường. Các tỉnh, thành đang tất bật chuẩn bị cho ngày Tết tươi vui, rộn rã và hy vọng vào một năm mới Mậu Tuất đầy hứng khởi, sung túc.

Nhiều tỉnh, thành bắn pháo hoa đêm Giao thừa.

Bắn pháo hoa đêm Giao thừa

Đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, TP Hà Nội sẽ bắn pháo hoa tại 30 địa điểm bằng nguồn xã hội hóa. Theo đó, TP Hà Nội sẽ bắn pháo hoa tại 30 điểm gồm 5 điểm tầm cao và 25 điểm tầm thấp tương ứng với 25 quận, huyện, thị xã.

Đêm Giao thừa sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật chào mừng Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ; Quảng trường Cách mạng Tháng Tám – Nhà Hát Lớn Hà Nội; trước cửa sân vận động Quốc gia Mỹ Đình; trung tâm quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây vào 22 giờ đêm Giao thừa (15/02/2018) và mừng năm mới tại các điểm bắn pháo hoa tầm cao; Tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật tại các quận, huyện, thị xã phục vụ các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố. Hà Nội còn tổ chức giải bơi chải truyền thống ngày 5- 6/3/2018 tại quận Hoàng Mai; Tổ chức giải Vật truyền thống ngày 23/02- 27/02/2018 tại huyện Đan Phượng. Trưng bày, giới thiệu lịch sử, truyền thống, mở cửa các di tích lịch sử- văn hóa, di tích cách mạng và kháng chiến phục vụ nhân dân. 

Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 dự kiến có 4 địa phương trong tỉnh Kiên Giang gồm: Thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, huyện Phú Quốc và huyện An Minh tổ chức chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa mừng năm mới Mậu Tuất 2018 gắn với chủ đề: “Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Mậu Tuất”.

Lễ hội đón Giao thừa 2018 tại thành phố Rạch Giá sẽ được tổ chức vào tối  15/02/2018 (nhằm 30 Tết âm lịch) tại Công viên vòng xoay khu đô thị Phú Cường (Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang). Mở đầu chương trình là biểu diễn Lân- Sư- Rồng; tiếp đến là chương trình nghệ thuật tổng hợp với chủ đề: “Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Mậu Tuất 2018”; phát biểu chúc Tết của Chủ tịch UBND tỉnh; sau cùng là màn bắn pháo hoa mừng năm mới với thời lượng 15 phút. Chương trình Lễ hội đón Giao thừa tại thành phố Rạch Giá được truyền hình trực tiếp trên sóng Phát thanh và Truyền hình tỉnh Kiên Giang. 

Quảng Ngãi có kế hoạch huy động 800 triệu đồng huy động từ nguồn xã hội hóa để bắn pháo hoa chào đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 tại Quảng trường đường Phạm Văn Đồng. Thời gian từ 0 giờ đến 0 giờ 15 phút ngày 16/2/2018, tức đêm Giao thừa Tết Mậu Tuất 2018. TP Quảng Ngãi cũng sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật đêm hội đón giao thừa tại Quảng trường đường Phạm Văn Đồng với các tiết mục ca múa nhạc ca ngợi Đảng, đất nước, mừng xuân mới 2018 và sự đổi thay phát triển của TP Quảng Ngãi. 

Lễ hội đường hoa Nguyễn Huệ tưng bừng đón Tết Nguyên đán.

Tưng bừng hoạt động văn hóa nghệ thuật

Cũng như Hà Nội, trong dịp Tết Mậu Tuất, TP Hồ Chí Minh  trang trí ánh sáng nghệ thuật đường phố lung linh sắc màu. Thành phố mang tên Bác còn có:  Đường hoa Nguyễn Huệ; Lễ hội Đường sách, Hội hoa xuân và chợ hoa tết; Lễ hội Bánh tét, Lễ dâng cúng bánh tét Quốc tổ Hùng Vương và Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh; Lễ dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng…

Đặc biệt, trong dịp này, TP HCM còn tổ chức triển lãm ảnh “Mừng Xuân Mậu Tuất – mừng Đảng quang vinh”, kỷ niệm 50 năm ngày Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2018).

Trong đó, chương trình trang trí ánh sáng nghệ thuật đường phố sẽ được tổ chức từ ngày 1 đến 28/2 (nhằm ngày 16 tháng Chạp đến ngày 13 tháng Giêng âm lịch), trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hàm Nghi, Đồng Khởi, Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai; Trường Sơn, Nguyễn Văn Trỗi và tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Về Lễ hội Đường sách, Sở Thông tin và Truyền thông đã đề xuất UBND TP tổ chức từ ngày 13- 19/2 (nhằm ngày 28 tháng Chạp đến hết mùng 4 Tết Nguyên đán) tại trục đường Mạc Thị Bưởi – Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế, với chủ đề “Ươm mầm trí thức- Khát vọng vươn xa”.

Ngoài ra, Lễ hội Đường sách cũng trưng bày, giới thiệu những cuốn sách, tư liệu sau 50 năm về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2018); đồng thời trưng bày, giới thiệu sách, tư liệu về quá trình hình thành, xây dựng và phát triển Sài Gòn- Gia Định- TP HCM 320 năm.

Một hoạt động thường niên khác cũng được duy trì là Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Mậu Tuất- 2018 trên đường Nguyễn Huệ, quận 1 để du khách tham quan, chụp ảnh dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, TP cũng tổ chức Ngày hội Bánh tét, Lễ dâng cúng bánh tét Quốc Tổ Hùng Vương và Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh; Lễ dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng; viếng các nghĩa trang TP HCM và các hoạt động đón Giao thừa Tết Mậu Tuất – 2018.

Hải Phòng đang tất bật với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức rộng khắp trên địa bàn thành phố từ trung tâm các quận, huyện đến các điểm vui chơi, du xuân. Hoạt động trưng bày, triển lãm có: chuyên đề “Nguyễn Đức Cảnh- người chiến sỹ cộng sản kiên trung” tại Bảo tàng Hải Phòng từ cuối tháng 1/2018 đến hết Tết Nguyên đán; triển lãm ảnh “Mừng Đảng, mừng Xuân” tại Trung tâm Văn hóa thành phố và các hoạt động CLB triển lãm sinh vật cảnh, thi thư pháp, phục vụ quần chúng nhân dân; triển lãm sách, báo mừng Xuân Mậu Tuất 2018…

Đặc biệt, trong đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Mậu Tuất, dải trung tâm thành phố tưng bừng với các chương trình nghệ thuật được tổ chức đồng thời tại 3 điểm: Sân trước Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố, Quảng trường Nhà hát thành phố và Nhà Kèn vườn hoa Nguyễn Du. Đó là các chương trình văn nghệ quần chúng chủ đề “Chào xuân mới” và chương trình nghệ thuật chủ đề”: Mừng xuân Mậu Tuất -2018”.

Cũng trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều hoạt động thể dục thể thao quần chúng được tổ chức như thi đấu cờ tướng, biểu diễn võ thuật, lân sư rồng từ ngày 17- 18/2 (tức mùng 2- 3 Tết) tại Quảng trường Nhà hát thành phố. Trung tâm Thể dục Thể thao các quận, huyện xây dựng kế hoạch tổ chức các giải thể thao tại cơ sở và các trò chơi dân gian phục vụ nhân dân và du khách.

Phú Yên chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và du lịch phục vụ nhân dân trong tỉnh, chú trọng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; phối hợp với UBND TP Tuy Hòa tổ chức Hội hoa Xuân; Triển lãm mỹ thuật và các hoạt động văn hóa, văn nghệ khác; Đường hoa Tết; Hội Báo Xuân; dâng hương Đền thờ Lương Văn Chánh, Đền thờ Lê Thành Phương, Nhà thờ Bác Hồ; Di tích Thành An Thổ – nơi sinh đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú; Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Phú Yên… Đồng thời tổ chức biểu diễn Chương trình nghệ thuật đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 vào tối 15/2 (tức 30 tháng Chạp) tại Quảng trường 1 Tháng 4 (TP Tuy Hòa)…

Chương trình văn hóa nghệ thuật tại Bình Thuận với điểm nhấn là các chương trình nghệ thuật “Mừng Đảng- Mừng Xuân 2018” do Nhà hát Biển Xanh và Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức vào tối 15/2/2018 (30 Tết) tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Ngoài ra, Nhà hát Biển Xanh còn triển khai thực hiện các cuộc thi như “Tiếng hát Ngôi sao biển”, “Người đẹp thanh lịch U50 Bình Thuận”.

Riêng Trung tâm Văn hóa tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ nhân dân và du khách vào các thời điểm trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết cổ truyền như: triển lãm pano ảnh nghệ thuật, triển lãm ảnh nghệ thuật chuyên đề, tranh cổ động. Ngoài ra, Bình Thuận còn tổ chức Hội Báo xuân Mậu Tuất 2018 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành; biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm, trình diễn nghề truyền thống, tranh cát, thư pháp; các chương trình biểu diễn văn nghệ dân gian, trang phục dân tộc, hội thi làm gốm, dệt thổ cẩm, ẩm thực, trò chơi dân gian, đợt phim mừng năm mới.

Trong dịp Tết Nguyên đán, Bình Thuận sôi động các cuộc thi thể thao như: Giải đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty- Phan Thiết, Giải chạy vượt đồi cát Mũi Né – Phan Thiết, Giải leo núi Linh Sơn tự – Tuy Phong, Giải leo núi Tà Cú – Hàm Thuận Nam… 

Nguồn: BPL

HOTLINE