Cần cơ chế pháp lý hữu hiệu ngăn chặn tẩu tán tài sản thi hành án

Cần cơ chế pháp lý hữu hiệu ngăn chặn tẩu tán tài sản thi hành án


Việc đương sự tẩu tán tài sản, “trốn” thi hành án là một vấn đề không mới, tuy nhiên các quy định của pháp luật hiện nay vẫn chưa có biện pháp đấu tranh hiệu quả đối với hành vi này.

Theo Bản án số 26/DSST ngày 17/3/2015 của Tòa án nhân dân huyện X thì anh Nguyễn Văn A và bà Phùng Thị B phải thanh toán trả nợ cho chị Nguyễn Thị L số tiền: 390.000.000đ và lãi suất chậm thi hành án. Kết quả xác minh anh A chị B có tài sản là 01 mảnh đất diện tích 342m2 tại xã X, huyện Y. Tuy nhiên, ngay khi tòa án có lệnh triệu tập đương sự, ngày 06/3/2015 Nguyễn Văn A và Phùng Thị B đã lập hợp đồng công chứng tặng cho con trai  là Nguyễn Văn C tài sản trên, đến ngày 15/3/2015 mảnh đất hoàn tất việc sang tên tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, trước thời điểm có bản án đúng 2 ngày!

Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS) quy định: kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cơ quan thi hành án không thể xử lý tài sản của A, B được vì tài sản đã hoàn tất việc chuyển quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Có thể thấy rõ ràng rằng việc ông A, bà B chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho con trai  là nhằm mục đích tẩu tán tài sản, né tránh việc thi hành án. Tuy nhiên, để xử lý được hành vi này lại vô cùng khó khăn. Về mặt pháp lý, do việc chuyển giao này thông qua hình thức là “hợp đồng dân sự” nên người được thi hành án không thể tố cáo ông A, bà B về các tội phạm trong Bộ luật Hình sự. Người được thi hành án có thể nộp đơn khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên hủy hợp đồng tặng cho tài sản giữa ông A bà B và con trai vì lý do: Đây là hợp đồng có nội dung trái pháp luật, nhằm mục đích tẩu tán tài sản, né tránh trách nhiệm thi hành án. Tuy nhiên, đây thực sự là một hành trình rất gian nan.

Một trường hợp khác, theo Bản án số 10/DSST ngày 16/7/2015 của Tòa án nhân dân huyện X tuyên anh Nguyễn Văn A  phải thanh toán trả nợ cho chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị Q số tiền: 300.000.000đ và lãi suất chậm thi hành án. Ngay sau đó, chị Nguyễn Thị B là chị gái ruột của anh A khởi kiện anh A phải thanh toán trả chị B số tiền 2.000.000.000 (Hai tỷ đồng). Khi cơ quan Thi hành án xử lý tài sản của Nguyễn Văn A thì chị Nguyễn Thị B được nhận số tiền được chia theo tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với chị L và chị Q. 

Hiện nay có nhiều giao dịch rất đáng nghi ngờ về việc người phải thi hành án thỏa thuận với người thân làm hợp đồng vay nợ để được hưởng phần tài sản khi thanh toán thi hành án. Tuy nhiên, rất khó để có thể xử lý được vấn đề này. 

Điều 111 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 (BLTTDS năm 2015) quy định: Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 136 BLTTDS năm 2015 thì người yêu cầu Tòa án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10, 11, 15 và 16 Điều 114 BLTTDS năm 2015 phải nộp cho Tòa án chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Tòa án ấn định nhưng phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu. Đây là một rào cản lớn đối với người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhất là khi họ không có đủ điều kiện kinh tế.

Khoản 2 Điều 75 Luật THADS năm 2014 quy định trường hợp có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu thì chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó. Trong thực tế, để chứng minh “có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án” là một vấn đề không hề đơn giản.  

Đương sự lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án là một vấn đề đang diễn ra trên thực tế. Do đó, cần thiết phải có một cơ chế pháp lý hữu hiệu để ngăn chặn việc các đương sự tẩu tán tài sản ngay từ giai đoạn xét xử tại tòa án. Đặc biệt cần có các chế tài pháp lý đủ mạnh để ràng buộc trách nhiệm đối với các trường hợp này, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Nguồn: BPL

HOTLINE