Tin tức - Tuyển dụng / Tin tập đoàn
Khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng tồn kho đang là mấu chốt cơ bản cần tháo gỡ của rất nhiều doanh nghiệp, ngành hàng. Không chỉ bởi những nguyên nhân khách quan, nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp trọng yếu đang tồn kho lớn bởi cả những nguyên nhân chủ quan, nội tại. Những khó khăn này cần rất nhiều giải pháp, nỗ lực để các doanh nghiệp có thể vượt qua.
Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, mặc dù các doanh nghiệp đã chủ động giảm khoảng 10% sản lượng sản xuất so với kế hoạch, tuy nhiên lượng hàng tồn kho tính đến thời điểm cuối tháng 9 vẫn khá cao, khoảng 330.000 tấn. Nguyên nhân cơ bản được chỉ ra, ngoài việc cắt giảm đầu tư công và thị trường bất động sản trầm lắng khiến các mặt hàng vật liệu xây dựng, trong đó có thép xây dựng sụt giảm đáng kể, còn một nguyên nhân đáng quan ngại khác, đó là trong khi công suất lắp đặt – kể cả nhà máy đang sản xuất và nhà máy đang xây dựng đã đạt tới ngưỡng trên 11 triệu tấn/năm cho nên cung luôn lớn hơn cầu, cạnh tranh nhau quyết liệt – thì lượng thép nhập khẩu từ nước ngoài vào ngày càng tăng, đặc biệt thép chứa nguyên tố Bo của Trung Quốc tăng rất mạnh. Theo số liệu bóc tách từ hải quan, nghĩa là theo đường nhập chính ngạch vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm cho thấy, thép xây dựng dạng cuộn (phi 6, phi 8) tăng tới 557% và thép hình của Trung Quốc tăng tới 1.612% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong tháng 8.2012, có tới hơn 137.000 tấn thép nhập từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam đã bị lợi dụng chính sách thuế từ các chiêu thức “phù phép”, “lách luật”, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường. Với quy định hiện nay, các sản phẩm thép xây dựng nhập khẩu vào Việt Nam có mức thuế 15%, thép hợp kim nhập khẩu làm thép xây dựng phải chịu thuế 10% và các sản phẩm thép hợp kim nhập khẩu để sản xuất que hàn được hưởãng thuế suất là 0%. Tổng giám đốc Công ty Thép Việt Đức Lê Minh Hải cho biết, lợi dụng điều này, nhiều nhà sản xuất nước ngoài đã thêm một lượng nhỏ nguyên tố “Bo” vào trong thép để phù phép thép xây dựng thành thép hợp kim để hưởng thuế thấp hơn, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước. Vừa qua, tổng công ty cũng đã có kiến nghị lên Hiệp hội thép Việt Nam và Chính phủ cần phải xem lại cái hàng rào kỹ thuật để ngăn cản những loại thép chất lượng thấp, giá rẻ tràn vào Việt Nam, đây cũng là một nguy cơ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai.
Không chỉ doanh nghiệp sản xuất thép trong nước khó cạnh tranh với sản phẩm thép nhập khẩu, mà ngay cả các doanh nghiệp làm thương mại thép, nghĩa là nhập khẩu thép từ các nước ASEAN về cũng khó cạnh tranh bởi chiêu “lách luật”, “né thuế” và thép giá rẻ. Đại diện của Công ty Thép Bắc Việt, cho biết, 10 tháng qua thực tế việc sản xuất kinh doanh chỉ đạt khoảng 30 – 50% kế hoạch, trong khi thép nhập về cũng khó cạnh tranh. Thép nhập khẩu phải nộp thuế nhập khẩu, trong khi đó giá thép Trung Quốc giảm, nên cũng rất khó cạnh tranh được.
Theo tính toán của Hiệp hội Thép Việt Nam, sẽ có ít nhất 20% doanh nghiệp thép giải thể, phá sản trong năm 2012 này, kéo theo đó là những hệ lụy mất việc làm và thu nhập cho người lao động. Vì vậy, theo Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Tiến Nghi cho rằng, bên cạnh những giải pháp dài hạn như rà soát lại quy hoạch ngành thép, không tiếp tục cấp phép đầu tư sản xuất những sản phẩm trong nước đang dư thừa công suất, thì cần có ngay những giải pháp cấp bách. Đồng thời, tăng cường kiểm tra chống gian lận thương mại, nghiên cứu áp dụng những biện pháp tự vệ cần thiết để hạn chế việc nhập khẩu các loại thép mà trong nước đang dư thừa.
Từ câu chuyện khó khăn của ngành thép với những nguyên nhân như quy hoạch bị phá vỡ, rồi thép nhập khẩu gia tăng với chính sách thuế bị lợi dụng dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng, hàng tồn và khó khăn điêu đứng của doanh nghiệp – cho thấy, cần có một giải pháp đồng bộ, từ chính sách vĩ mô của nhà nước, đến những nỗ lực tự thân của mỗi doanh nghiệp. Gỡ được khó khăn của ngành thép cũng là bài toán của ngành xi măng cũng như nhiều ngành công nghiệp quan trọng khác hiện nay đang thực hiện chưa theo đúng quy hoạch ngành và phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh và những tác động ảnh hưởng của thị trường trong và ngoài nước.