Chờ đợi hàng loạt thương vụ thoái vốn khủng ngay trong năm 2017

Chờ đợi hàng loạt thương vụ thoái vốn khủng ngay trong năm 2017


Bên cạnh các thương vụ thoái vốn của SCIC thì thị trường cũng đang chờ đợi thương vụ thoái vốn đình đám của Bộ Công Thương đối với hai ông lớn ngành bia Sabeco và Habeco.

SCIC rầm rộ tổ chức roadshow, chạy nước rút tháng cuối năm

Vừa qua, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã rất thành công trong thương vụ bán 3,33% vốn của CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM) tại mức giá 186.000 đồng/cp, cao hơn giá khởi điểm 24%. Qua đó, SCIC đã thu về cho ngân sách Nhà nước 8.990 tỷ đồng.

Nối tiếp đà hưng phấn, SCIC đang tiếp tục khẩn trương thực hiện các buổi roadshow thoái vốn tại 5 đơn vị niêm yết khác. Cụ thể, ngày 16/11, SCIC có buổi roadshow cổ phiếu Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HOSE: VCG) tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ngay sau đó, ngày 17/11, SCIC sẽ giới thiệu cùng một lúc 4 đơn vị khác là CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP), CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP), CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (HOSE: DMC) và Công ty cổ phần FPT (HOSE: FPT) tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM.

Theo thông tin từ SCIC thì VCG sẽ là thương vụ thoái vốn lớn thứ hai sau VNM. Việc công bố thông tin về Quy chế bán cổ phần, công bố giá khởi điểm, nhận đăng ký và đặt cọc của nhà đầu tư dự kiến rơi vào đầu tháng 12/2017 và buổi chào bán cạnh tranh dự kiến tổ chức tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội vào trung tuần tháng 12/2017.

SCIC đang sở hữu 37,1% vốn NTP, 29,51% vốn BMP, 34,71% vốn DMC, 5,96% vốn FPT, 21,79% vốn VCG và theo kế hoạch thì sẽ thoái toàn bộ. Như vậy, trong danh sách mà SCIC lên kế hoạch thoái vốn ngay trong năm 2017 chỉ còn thiếu CTCP XNK Sa Giang (SGC) và Tổng CTCP Bảo Minh (BMI) là chưa có thông tin giới thiệu rộng rãi.

Trong các khoản đầu tư trên, BMP, DMC đã nới tỷ lệ sở hữu (room) cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%, NTP sẽ bàn chuyện nâng room ngoại tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 30/11 tới đây.

Trong một báo cáo cập nhật gần đây, Công ty chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) kỳ vọng NawaPlastic sẽ trở thành người mua tiềm năng nhất số cổ phần BMP khi SCIC thoái vốn. Đối với NTP, tuy NawaPlastic vừa thoái hết vốn nhưng một đối tác khác thay thế đã xuất hiện đó là Sekisui Chemical (Nhật Bản) mua vào để nắm 15% vốn NTP. Sekisui Chemical nhiều khả năng sẽ trở thành bên mua tiềm năng số cổ phần của SCIC. Bởi ngoài sở hữu 15% vốn NTP thì đơn vị này còn hợp tác với NTP trong chuyển giao công nghệ và các hoạt động thương mại kể từ năm 2013. Đồng thời tháng 7/2017, Sekisui Chemical cũng đã mua 25% vốn tại Nhựa Tiền Phong Miền Nam (đơn vị liên quan NTP).

Bên cạnh đó, DMC ngay khi nâng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% vốn thì CFR International Spa đã hoàn tất thâu tóm biến thành công ty con với tỷ lệ nắm giữ 51,69%.

Các Bộ vẫn lặng như tờ

Vào tháng 8/2017, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1232/QĐ-TTG phê duyệt Danh mục doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn và tỷ lệ thoái vốn tối thiểu theo từng năm giai đoạn 2017 – 2020.

Theo đó, trong năm 2017, Bộ Công Thương phải thoái 52,5% vốn Tổng công ty Máy động lực và Máy đông nghiệp Việt Nam (VEAM), Bộ Nông nghiệp PT&NT phải thoái 93% vốn Tổng công ty Mía đường 2 (Vinasugar 2). Bộ Xây dựng phải thoái loạt doanh nghiệp gồm 73% vốn Tổng CTCP Sông Hồng (UPCoM: SHG), 47,8% vốn Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – Hancorp (UPCoM: HAN), 43,6% vốn Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng (BDCC), 47,2% vốn Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (Viwaseen), 47,8% vốn Tổng công ty Cơ khí Xây dựng – Coma (UPCoM: TCK), 36,6% vốn Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam – VNCC (UPCoM: VGV), 40,1% vốn Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1 (Fico), 40,5% vốn Tổng công ty Xây dựng số 1 (UPCoM: CC1) và 40,7% vốn Tổng công ty Licogi (UPCoM: LIC). Trong khi Bộ Y tế phải thoái 35% vốn Vinapharm (UPCoM: DVN).

>>Chính phủ công bố lộ trình thoái vốn VEAM, ACV, Petrolimex cùng loạt doanh nghiệp lớn

Ngoài những cái tên thuộc danh sách trên thì Bộ Công thương còn phải thoái vốn hai “ông lớn” ngành bia là Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội – Habeco (HOSE: BHN) và Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn – Sabeco (HOSE: SAB). Đích thân Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nhận trách nhiệm với Thủ tướng Chính phủ và cam kết sẽ hoàn tất thoái vốn Habeco và Sabeco trong năm 2017.

Đồng thời, theo tài liệu họp báo chuyên đề về nội dung chi tiết của đổi mới cổ phần hóa trong Nghị định mới sửa đổi Nghị định 59 thì việc bán toàn bộ vốn Nhà nước tại Sabeco và Habeco phải đảm bảo hoàn thành xong để chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước 1/12/2017. Trường hợp đến ngày 30/9/2017, Bộ Công Thương chưa hoàn thành việc công bố bản cáo bạch thoái vốn Nhà nước tại Sabeco hoặc Habeco thì trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại hai doanh nghiệp này sang SCIC để đảm bảo việc thoái vốn Nhà nước.

Trong năm vừa qua, 3 đơn vị nằm trong diện Bộ Công Thương thoái vốn đều có những chuyển biến đáng kể. Sabeco và Habeco đều đã đưa cổ phiếu lên niêm yết tại HOSE. Tổng công ty VEAM đã trở thành công ty đại chúng từ đầu tháng 9/2017, đến tháng 11/2017 đã hoàn tất đăng ký chứng khoán và được cấp mã chứng khoán VEA tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam. Theo đó, số lượng cổ phiếu đăng ký là 1,3 tỷ đơn vị, ứng với giá trị 13.288 tỷ đồng.

Loạt đơn vị thuộc Bộ Xây dựng như CC1, Licogi, Coma, VNCC đều đã đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM. Vinapharm thuộc Bộ Y tế cũng đã đăng ký giao dịch cổ phiếu tại UPCoM.

Tuy nhiên, năm 2017 chỉ còn hơn 1 tháng rưỡi nữa mà thông tin thoái vốn của các đơn vị trên vẫn chưa được công bố rộng rãi. Nhiều khả năng các Bộ sẽ phải dời kế hoạch thoái vốn sang 2018.

Nguồn: ndh

HOTLINE