Chống tham nhũng phải dựa vào dân

Chống tham nhũng phải dựa vào dân


Trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), để tránh tình trạng “chúng ta phòng chống với nhau”, nhiều ý kiến đề nghị cần phải dựa vào dân, phát động được toàn dân tham gia chống tham nhũng thì mới giải quyết được vấn đề.

(Ảnh minh họa)

Tham nhũng, lãng phí chưa thực sự được đẩy lùi

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 13 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTW MTTQ) Việt Nam khóa VIII, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, năm 2017 Đảng, Nhà nước đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy vậy, nhân dân và cử tri vẫn lo lắng về một số vấn đề, đặc biệt là tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa thực sự được đẩy lùi; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và việc công khai các kết luận thanh tra chưa kịp thời; an ninh trật tự, an toàn xã hội ở một số địa phương còn diễn biến phức tạp… 

Để góp phần đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí trong xã hội, tại hội nghị lần này, UBTW MTTQ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác PCTN, lãng phí giai đoạn 2018 – 2020 và được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Theo ông Ngô Sách Thực – Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, Chương trình hành động được ban hành nhằm phát huy vai trò giám sát của nhân dân góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính. Trong đó, nhấn mạnh một số nhiệm vụ giải pháp cụ thể như: vận động nhân dân tham gia PCTN, lãng phí; nghiên cứu xây dựng và thực hiện đa dạng các hình thức để nhân dân tham gia tích cực và có hiệu quả trong việc giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… “Phải làm tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ. Trong đó, nội dung giám sát phải làm sao bám sát vào các nội dung, chương trình, để khắc phục được những khe hở của pháp luật, của cơ chế, chính sách có thể dẫn đến tham nhũng, lãng phí. Phải có sự vào cuộc của MTTQ và hệ thống chính trị các cấp”- ông Ngô Sách Thực nói.

Khi còn làm Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng từng trăn trở: Mặt trận và các tổ chức thành viên phải cùng suy nghĩ việc chống tham nhũng xem có thể hình thành một phong trào nhân dân chống lãng phí hay không? Chống tham nhũng lãng phí nếu chỉ Đảng, chính quyền vào cuộc mà không có nhân dân, không có Mặt trận đoàn thể thì không thành công. Ông cũng cho rằng, MTTQ và báo chí có điểm giống nhau, đó là có chức năng giám sát, phản biện nhưng không có chế tài. Tuy vậy, MTTQ vẫn có thể làm được nếu có thể biến kiến nghị của mình trở thành quyết tâm chính trị của Đảng, chính quyền các cấp. Báo chí cũng vậy, cần làm thế nào để những phát hiện, phản ánh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí của mình chuyển thành hành động của Đảng, chính quyền cơ sở, có như thế vai trò của báo chí trong công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí mới thật sự hiệu quả.

Phải công khai để dân giám sát

Thống nhất cao với các nội dung của Chương trình hành động, các đại biểu cho rằng, đây là nhiệm vụ rất quan trọng và không ít khó khăn, do vậy phải xác định rõ cơ chế hoạt động, trách nhiệm và phạm vi trong quá trình giám sát, phản biện. “Hiện một phần lớn nhân dân vẫn còn băn khoăn tại sao tham nhũng lại tràn lan như vậy. Một trong những nguyên nhân là sự cồng kềnh, chồng chéo trong hệ thống, chính vì vậy khi vấn đề nảy sinh thì chưa xác định rõ được cơ quan nào sẽ là nơi xử lý”- ông Hà Văn Núi, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nêu vấn đề.

Cùng chung băn khoăn này, ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế lấy dẫn chứng từ thực tế: ở một vài chỗ, vài nơi, cơ chế phối hợp vẫn chưa rõ ràng. “Ông trưởng ban công tác Mặt trận ở khu dân cư và các tổ chức thành viên có giám sát được  không khi mà những người tham nhũng lại ở các công ty, tập đoàn chứ không phải ở khu dân cư”. Từ bất cập này, vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị cơ chế chống tham nhũng cần phải làm rõ việc giám sát chính quyền ở nơi cư trú và phải cụ thể  trách nhiệm phối hợp ở đâu, chỗ nào để triển khai cụ thể được các Chương trình.

Khẳng định những nội dung phản ánh, tố cáo của người dân về tham nhũng, lãng phí là rất đáng trân trọng, nhưng ông Lù Văn Que -nguyên Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân tộc cũng lưu ý, khiếu nại của dân có cái đúng, có cái sai, có cái vừa đúng vừa sai cho nên các cơ quan nhà nước cần phải làm rõ nếu đúng thì phải hoan nghênh còn nếu sai thì phải chỉ ra để dân còn rút kinh nghiệm. Trong công tác PCTN, để tránh tình trạng “chúng ta phòng chống với nhau”, ông Lù Văn Que nhấn mạnh việc cần phải dựa vào dân, phát huy dân chủ trực tiếp của người dân, trong đó quan trọng nhất là ở khu dân cư để tuyên truyền vận động nhân dân tham gia PCTN thì mới giải quyết được vấn đề. 

Tuy nhiên, theo ông Que, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân thì Mặt trận cũng cần tập trung vào giám sát và phản biện, từ đó kiến nghị với Trung ương sửa đổi điều lệ cơ chế, chính sách cho phù hợp, vì hiện nay một số cơ chế, chính sách còn mang tính đặc quyền, đặc lợi, cần phải công khai để người dân biết và giám sát.

Nguồn: BPL

HOTLINE