Chủ động nguồn nguyên liệu: giải pháp căn cơ

Chủ động nguồn nguyên liệu: giải pháp căn cơ


Trước nguy cơ thép xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại từ các thị trường xuất khẩu lớn, chuyên gia ngành cho rằng đã đến lúc các nhà sản xuất trong nước phải tập trung “hướng nội” trong việc sử dụng nguyên liệu. Giải pháp căn cơ là đẩy mạnh đầu tư sản xuất thép nguyên liệu, giúp tăng tính cạnh tranh và giảm thiểu nguy cơ bị điều tra từ nhà nhập khẩu.

Ngành thép trong nước cần tăng nguồn cung nguyên liệu trong nước và phân tán thị trường xuất khẩu. Ảnh minh họa: Văn Nam

Đề cập đến vụ điều tra chống lẩn tránh thuế đối với thép tôn mạ và thép cán nguội mà Mỹ đang tiến hành đối với thép Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói với TBKTSG Online rằng ngành sản xuất trong nước cần có các giải pháp căn cơ và mang tính lâu dài. “Chỉ có chủ động về nguồn nguyên liệu mới là giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam”.

Trên thực tế, ngành thép Việt Nam lâu nay vẫn thường phải nhập khẩu nguyên liệu vì trong nước chưa sản xuất đủ, đặc biệt là mặt hàng thép cuộn cán nóng. Hiện tại, Trung Quốc là một trong những nhà cung cấp lớn nguyên liệu cho ngành sản xuất thép Việt Nam, và đây cũng là cơ sở để các thị trường nhập khẩu như Mỹ, EU đưa ra các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng khắt khe hơn.

Ông Nguyễn Văn Sưa cho biết trong năm 2017 ngành thép Việt Nam sản xuất đến 4,4 triệu tấn thép tôn mạ và thép cán nguội, góp phần cho mức tăng trưởng lên đến 24% của toàn ngành thép trong năm 2017 và mức tiêu thụ cũng tăng 21% so với năm 2016. Điều này cho thấy sự tăng trưởng của ngành thép Việt Nam là rất khả quan trong năm 2017 và dự báo cả cho vài năm tới. Tuy nhiên đi kém với tăng trưởng là khả năng ngày càng bị điều tra nhằm phòng vệ thương mại cũng nhiều hơn.

“Mầm mống của các vụ kiện thép vẫn là nguồn nguyên liệu nhập khẩu, cho nên Việt Nam sẽ phải chủ động hơn về nguồn nguyên liệu. Điều đáng mừng là từ tháng 6-2017 nhà máy thép của Formosa ở Hà Tĩnh bắt đầu cho ra thị trường thép cuộn cán nóng vốn trước đây Việt Nam phải nhập 100% từ nước ngoài”, ông Sưa thông tin.

Tính chung cả năm 2017, Việt Nam đã sản xuất được hơn 1,2 triệu tấn thép cuộn cán nóng (chủ yếu từ Formosa Hà Tĩnh) và trong năm 2018 này công suất thép cuộn cán nóng trong nước có thể đạt đến 4 triệu tấn, đảm bảo đủ cung cấp cho nhà sản xuất các sản phẩm thép trong nước. Tập đoàn Hòa Phát cũng đang đầu tư một nhà máy thép cuộn cán nóng tại Dung Quất công suất 3,5 triệu tấn/năm, cho nên, dự kiến đến năm 2020 tổng công suất thép cuộn cán nóng lên đến xấp xỉ 8 triệu tấn và lượng này hoàn toàn giúp các nhà sản xuất thép trong nước đủ nguyên liệu sử dụng.

“Đây chính là một trong các giải pháp giúp nhà sản xuất thép xuất khẩu tránh bớt các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp khi phải nhập nhiều nguyên liệu từ các nước”, ông Sưa nói.

Ngoài tăng nguồn cung nguyên liệu, ông Sưa cũng đề nghị các nhà sản xuất thép đảm bảo quy tắc xuất xứ bằng cách tăng sử dụng thép cuộn cán nóng (nguyên liệu) được sản xuất trong nước, song song đó, cần ‘phân tán’ các thị trường để tránh tập trung vào một thị trường, từ đó tạo ra sự tăng trưởng đột biến là cái cớ để các nước điều tra khởi kiện Việt Nam.

Ở trong nước, cơ quan chức năng cũng phải tăng cường giải pháp kiểm soát giá bán sao cho giá nguyên liệu luôn cạnh tranh ở mức thấp hơn giá nhập khẩu để thu hút sự tiêu thụ nguồn cung trong nước, tránh sự độc quyền trong phân phối nguồn nguyên liệu.

Động thái khá mới từ Mỹ khiến các nhà sản xuất thép Việt Nam lo ngại là nước này bắt đầu điều tra đánh giá tác động của thép nhập khẩu đối với an ninh quốc gia (gọi là điều tra 232). Thị trường Mỹ hiện chiếm tỷ lệ 12% tổng lượng thép xuất khẩu của Việt Nam.

Nguồn tin: KTSG

HOTLINE