Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ vừa có buổi làm việc quan trọng với Bộ NN&PTNT để bàn về định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có vấn đề phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Khó tích tụ đất đai khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào nông nghiệp do có nhiều rủi ro (Ảnh minh họa)
Theo Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong 30 năm đổi mới, đặc biệt từ năm 1993 khi có chủ trương giao 10 triệu ha đất nông nghiệp, 4 triệu ha đất rừng cho nông dân. Nhờ chính sách này, ngành nông nghiệp đã có bước phát triển ngoạn mục, từ chỗ thiếu đói chúng ta đã đáp ứng đủ lương thực, thực phẩm cho hơn 90 triệu dân và xuất khẩu đạt mức kỷ lục 36,57 tỷ USD trong năm 2017, thặng dư thương mại 8,78 tỷ USD. Về xây dựng nông thôn mới, chúng ta đã có 2.884 xã (32,3%) và 43 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Còn nhiều rào cản cho nông nghiệp
Sau gần 5 năm thực hiện, chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã tạo sự thống nhất cao của toàn xã hội về yêu cầu cấp bách phải thay đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững. Tái cơ cấu ngành cũng tạo ra chất lượng tăng trưởng được cải thiện, thu nhập và đời sống cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng từ 18,6 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 29,2 triệu đồng năm 2016.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nhờ thực hiện cơ cấu lại ngành mà sức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là rất lớn, thậm chí có mặt hàng còn dư thừa. Nhưng ngành nông nghiệp cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn, đó là áp lực cạnh tranh khi nhiều nước lớn quan tâm, đầu tư cho nông nghiệp trong khi một số thị trường lại dựng lên các rào cản đối với nông sản Việt Nam.
“Bên cạnh đó, nước ta đang có hơn 8,6 triệu hộ dân và 78 triệu miếng ruộng, trong khi ngành nông nghiệp định hướng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung và tỷ lệ lao động trong nông nghiệp đang chiếm tới 42% là những lực cản rất lớn, cần phải có giải pháp tháo gỡ”– Bộ trưởng nông nghiệp nhấn mạnh. .
Từ vướng mắc này, người đứng đầu ngành nông nghiệp nói rằng cần có cách thức giảm nhanh tỷ lệ lao động trong nông nghiệp; tham mưu chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ; chính sách thu hút nguồn lực để tái cơ cấu hạ tầng, đặc biệt thủy lợi, điện, logistic…; chính sách phát triển thị trường; đặc biệt hoàn thiện các chính sách về đất đai để tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện đại.
Hóa giải “nút thắt” để phát triển
Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chu trình 30 năm đổi mới đang tái khởi động lại từ lĩnh vực nông nghiệp. 30 năm trước, nông nghiệp đã tiên phong đi đầu trong đổi mới và quá trình cơ cấu lại nền kinh tế lại đang khởi động từ nông nghiệp.
Nhiều chuyên gia nhận định, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đang có chuyển biến tích cực, khác biệt so với rất nhiều ngành kinh tế khác. “Trong lĩnh vực công nghiệp, cơ cấu lại rất khó do chúng ta không thể quyết định sự chi phối trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thế nhưng, với lĩnh vực nông nghiệp và du lịch thì Việt Nam hoàn toàn có thể cơ cấu lại ngành thành công”- TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương tin tưởng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường làm việc với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
Nhiều thành viên của tổ tư vấn cho rằng, cần có chính sách để tháo gỡ nút thắt về hạn điền đất đai. TS. Nguyễn Đình Cung nêu cụ thể: “Để lấy được 100-200 ha đất, phải mất đến 7-8 tháng và chúng ta phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc mới xong. Làm như vậy quá tốn kém, doanh nghiệp và người dân đầu tư vẫn không yên tâm do có rất nhiều rủi ro”. Chính vì thế, chuyên gia này kiến nghị, cần phải mở thị trường, tăng cầu sử dụng đất, đa dạng hóa cung và xây dựng hệ thống hỗ trợ giao dịch ít tốn kém và rủi ro.
Các thành viên Tổ tư vấn cũng nhấn mạnh đến việc tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp, phát triển công nghiệp phụ trợ và phát triển thị trường nông sản cả trong và ngoài nước. Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, Việt Nam nên định hướng phát triển công nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm, tuy vậy không phải sản phẩm nông sản nào cũng chế biến mà phải có sự lựa chọn, vì có nông sản bán tươi thì giá rất cao.
Về phát triển thị trường, nhiều chuyên gia cho khuyến nghị, muốn xuất khẩu nông sản đạt giá trị cao thì phải có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và phải áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn này vào trong sản xuất kinh doanh, đồng thời phải tiến hành sản xuất theo chuỗi, ổn định cung và kiểm soát chất lượng. Ngoài ra, việc hình thành các HTX để kết nối nông dân với các doanh nghiệp rất quan trọng để hình thành chuỗi sản xuất khép kín, qua đó mang lại hiệu quả cao hơn cho nông dân.
Nguồn: BPL