Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Theo đó, thị trường Việt Nam có tính bền vững và ổn định trong tăng trưởng GDP qua các năm, dân số đông cũng như thu nhập bình quân đầu người tăng.
Nói về cơ hội đầu tư tại thị trường Việt Nam tại Hội nghị Gateway to Vietnam 2017, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia, Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) đánh giá cơ hội đầu tư vào Việt Nam khá độc đáo so với các nước khác, với quy mô dân số 95 triệu người, sự ổn định vô tiền khoáng hậu kèm theo yếu tố an toàn. Ông khẳng định đầu tư sớm sẽ có cơ hội thu lợi nhiều hơn.
Ông Kyle Kelhofer cho rằng 3 yếu tố độc đáo của thị trường Việt Nam gồm (1) Việt Nam là quốc gia khởi nghiệp, (2) tốc độ phát triển bền vững và (3) dân số đông, thu nhập đầu người tăng. Theo đó, Việt Nam có sự chuyển dịch từ bao cấp sang thị trường định hướng XHCN. Không giống nhiều quốc gia khác, Việt Nam có sự chuyển dịch cực kỳ thành công, các doanh nghiệp ngày càng tìm kiếm các cơ hội học hỏi. GDP tăng khá nhanh, đặc biệt là sự tăng trưởng của thị trường vốn.
Thị trường Việt Nam cũng có tính bền vững khi Chính phủ đã cân bằng được sự phát triển của GDP và duy trì sự ổn định trong nhiều năm với mức tăng từ 6 – 6,5%. Ông Kyle Kelhofer liên tục nhấn mạnh Việt Nam có sự phát triển bền vững của GDP và sự ổn định này làm nên tính độc đáo của nền kinh tế, khi môi trường thế giới có nhiều biến động về an ninh, xung đột văn hóa thì Việt Nam lại có sự ổn định bền vững này.
Diễn biến GDP Việt Nam so với quốc gia khác
Về dân số, Việt Nam có 95 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người tăng trung bình 20 – 25%, chi tiêu cũng tăng nhiều so với 10 năm về trước. Đây chính là cơ hội của thị trường đầu tư vào các lĩnh vực như tiêu dùng, bán lẻ, y tế, giáo dục…
Vậy thì đâu là các lĩnh vực cần theo dõi tại thị trường Việt Nam? Đại diện IFC nói gồm cơ sở hạ tầng; nông nghiệp và chế biến nông nghiệp; tiêu dùng, bán lẻ bán sỉ; dịch vụ y tế, giáo dục; dịch vụ tài chính ngân hàng và cuối cùng là sản xuất theo hướng xuất khẩu.
Trong đó, ông Kyle Kelhofer nhấn mạnh về ngành nông nghiệp và chế biến nông nghiệp có những tiềm năng, cơ hội nâng hạng trong chuỗi giá trị cao. Việt Nam sẽ không phải chỉ xuất khẩu thô gạo, tiêu, cà phê mà còn cần là các sản phẩm giá trị gia tăng, cung cấp thêm các sản phẩm động vật chứ không chỉ là thực vật. Việt Nam cần đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp và chế biến nông sản trong tương quan với GDP
Trong lĩnh vực sản xuất, việc tạo giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng cũng là vấn đề xem xét. Việt Nam vẫn còn cơ hội để phát triển chuỗi cung ứng so với các nước khác trong khu vực. Cơ hội phát triển vẫn nằm trong các chuỗi kết nối đó chứ không chỉ có trong những lĩnh vực sản xuất do các doanh nghiệp FDI dẫn đầu.
Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn đối mặt với một số yếu tố thử thách. Đại diện IFC chỉ ra thử thách trước hết nằm ở dân số khi dân số Việt Nam đang có xu hướng già hóa. Là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các dịch vụ y tế phát triển, chăm sóc người cao tuổi, người về hưu. Thử thách khác liên quan tới hiệu suất lao động đang giảm, do đó cần tăng năng suất lao động hơn.
Việt Nam cũng đang trong quá trình đổi mới, cải cách. Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước giúp Chính phủ có nguồn thu. Nhưng làm sao để tiến trình này được minh bạch, theo cơ chế đa số hay thiểu số, lộ trình ra sao vẫn được chờ đợi. Song, triển khai cổ phần hóa vẫn tốt hơn là không làm gì cả.
Nguồn: ndh.vn