Dân chung cư sống cùng ám ảnh về “bà hỏa”

Dân chung cư sống cùng ám ảnh về “bà hỏa”


Vụ cháy chung cư Carina Plaza tại quận 8 (TP HCM) với hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản đã khiến hàng triệu người dân đang sống trong các chung cư không chỉ ở TP HCM mà nhiều tỉnh, TP rơi vào tình trạng “sống trong sợ hãi”.

Theo kết quả khảo sát ở Hà Nội tuần qua, so với quy định của Luật phòng cháy, chữa cháy (PCCC), hiện Thủ đô có hàng chục chung cư không thể đối phó nếu “bà hỏa ghé thăm”, cho dù vấn đề an toàn PCCC trong cộng đồng, nhất là ở các chung cư, từng được “nóng” lên sau vụ cháy chung cư tại Khu đô thị Xa La (Hà Đông) cách đây 3 năm.

Hệ thống PCCC “có như không”

Ngay khi Đoàn giám sát về công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư của HĐND TP Hà Nội làm việc tại UBND quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng xảy ra 2 vụ cháy, rất may đã kịp thời xử lý nên không có thiệt hại về người. Điều đó không có nghĩa là có thể yên tâm về vấn đề PCCC tại các chung cư. Năm 2017, qua kiểm tra, toàn TP có 79 tòa nhà cao tầng vi phạm về công tác PCCC. Mặc dù 41 tòa đã được nghiệm thu công tác PCCC và một số tòa đang tiếp tục khắc phục thì nguy hiểm là có 26 tòa nhà “bất khả kháng” vì liên quan đến kiến trúc, kết cấu. So với quy định của Luật PCCC, những tòa nhà sẽ không được đưa vào sử dụng.

Cùng thời gian này, do lo lắng cho tính mạng và tài sản sau vụ cháy tại chung cư Carian (TP HCM) và cháy lớn tòa nhà karaoke ở Hà Tĩnh, nhiều cư dân ở Tòa nhà chung cư PVNC2- CT02 (ở số 6, đường Nguyễn Quốc Trị, phường Hưng Bình (TP Vinh, Nghệ An) đã phải “cầu cứu” cơ quan chức năng vì “người dân đã chuyển vào chung cư cao 18 tầng ở 4 tháng nay nhưng chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành hệ thống PCCC nên cảnh sát chưa thể nghiệm thu”.

Giám sát về công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP chỉ ra, có khá nhiều bất cập trong công tác PCCC, nhất là hệ thống báo cháy “không hoạt động, hoặc hoạt động không hiệu quả”. Như vụ cháy tại toà nhà A1 khu chung cư trên đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm vào đêm 27/3, theo phản ánh của nhiều người dân, thời điểm xảy ra vụ cháy, mọi người không nghe thấy tiếng chuông báo động. Còn ở vụ cháy tại tầng 21 chung cư CT5A – Khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông ngày 26/3, hồ sơ khảo sát về hệ thống PCCC của chung cư này thể hiện “hệ thống báo cháy của tòa nhà không đảm bảo hoạt động, chưa được kết nối liên thông với thang máy, hệ thống gió, hút khói”.

Đây đều là những chung cư mới được xây dựng trong khoảng 5 năm nhưng hệ thống báo cháy đã không phát huy hiệu quả cảnh báo khi có hỏa hoạn. Trên thực tế rất nhiều chung cư đã có người vào ở trong khi hệ thống PCCC đầu tư sai, chưa hoàn thiện hoặc chưa được nghiệm thu đủ điều kiện vận hành. Nên ở nhiều tòa nhà, hệ thống PCCC không có hoặc hệ thống PCCC gần như không được kiểm tra, bảo dưỡng, bảo hành nên khi các đường ống bị bục, không có nguồn nước chữa cháy… và khi xảy ra hỏa hoạn, hệ thống này “có như không”. Bên cạnh đó, nhiều nơi, khi xây dựng có thiết kế lối vào xe chữa cháy rõ ràng, nhưng xây xong lại cơi nới, trông giữ xe… làm mất lối vào.

Do vậy, PCCC là một trong những yêu cầu được UBND TP đưa ra để tăng cường hiệu lực công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư cao tầng trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, UBND TP giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 28/8/2017 của UBND TP về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội. Khẩn trương sửa chữa các tòa nhà, căn hộ, khu sinh hoạt công cộng, hệ thống điện, nước, cầu thang máy, PCCC, thoát nước bị hư hỏng, xuống cấp; bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng cho cư dân làm nơi sinh hoạt, hội họp…

Chủ động phòng để không có cháy

Với phương châm PCCC “tại chỗ” để giảm thiểu thiệt hại, công tác PCCC tại các chung cư, khu dân cư, cơ quan, tổ chức, đơn vị là rất quan trọng vì Hà Nội mới có 25/30 quận, huyện, thị xã có đội chữa cháy chuyên nghiệp, nên có đơn vị phải kiêm nhiệm 2-3 quận huyện, nhiều khi phải 30 phút, thậm chí 50 phút lực lượng chuyên nghiệp mới đến nơi. Cùng với đó, nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn về PCCC đã được triển khai nhưng đáng buồn đa số người dân rất thờ ơ, chủ quan. 

“Các buổi tuyên truyền PCCC phần lớn chỉ được 20-30 người, chủ yếu là người giúp việc, toàn các cháu 15, 17 tuổi, rồi các các cụ già 60, 70 tuổi rủ nhau đến nghe. Có tòa nhà dự kiến làm mấy buổi, nhưng buổi đầu có 15-20 người, buổi thứ hai lèo tèo vài người…”, Đại tá Lê Mạnh Tuấn nói. Vì vậy hỏa hoạn xảy ra mới cuống quýt không biết làm sao thoát thân hay không chế sự cố. Lúc đó mới lo đi học PCCC theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.

Không những thế, nhiều người sợ “mất tiền” mà không gọi 114 khi có hỏa hoạn khiến thông tin không kịp thời. Khi lực lượng PCCC đến nơi thì đám cháy đã lan quá rộng, gây ra hậu quả nhiều khi không thể khắc phục. Do đó, thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 (Cảnh sát PCCC Hà Nội) phối hợp với UBND hai quận Ba Đình, Đống Đa treo nhiều băng rôn với nội dung: “Chữa cháy không mất tiền, khi phát hiện có cháy gọi ngay 114” để khuyến khích người dân thông báo cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp ngay khi phát hiện sự cố.

Để người dân ở các khu chung cư không phải gánh chịu những thiệt hại do “bà hỏa” gây ra trong tình trạng bị động, các chủ đầu tư phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định về PCCC khi thi công công trình, không vì lợi nhuận mà bớt xén hạng mục “ít khi dùng đến nhưng rất quan trọng này” vì nó liên quan đến sinh mạng, tài sản của những người dân sinh sống tại chung cư. 

Các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng quản lý về công tác PCCC phải giám sát, kiểm tra thường xuyên chất lượng hoạt động PCCC tại các chung cư, kiên quyết không cho phép các công trình chưa đảm bảo hay có vi phạm về PCCC được đưa vào sử dụng. Nếu đã sử dụng thì cần yêu cầu chủ đầu tư khắc phục vi phạm sớm nhất, có chế tài nghiêm khắc để răn đe các chủ đầu tư “lờ” đi nghĩa vụ trong công tác PCCC.

Còn những người dân cần phải chủ động tìm hiểu, trang bị kiến thức, phương tiện PCCC cho bản thân và gia đình, có ý thức PCCC cho cộng đồng.

 

Nguồn: BPL

HOTLINE