Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
TV2 là doanh nghiệp có EPS cao nhất năm 2017 với 39.268 đồng. Một số doanh nghiệp khác cũng đạt được con số EPS kỳ vọng như VJC, PLX, BBC, NSC, CTD…
Mùa báo cáo tài chính năm 2017 cơ bản đã hoàn thành với phần công bố kết quả hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết. Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, nhiều doanh nghiệp đạt được kết quả kinh doanh đáng mong đợi với sự tăng trưởng cao về doanh thu, lợi nhuận, hoàn thành và vượt kế hoạch năm. Trong đó, chỉ số lợi nhuận tính trên mỗi cổ phần (EPS) của nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng cao ngất ngưởng.
Năm nay, cái tên Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (TV2) đã đánh bại các đối thủ tiềm năng khác như Bến xe Miền Tây (WCS), Coteccons (CTD) để trở thành doanh nghiệp có EPS năm 2017 cao nhất sàn với 39.268 đồng. TV2 cũng dẫn đầu trong nhóm doanh nghiệp có EPS cao hơn 10.000 đồng.
Danh sách các doanh nghiệp có EPS cao năm 2017 (Đơn vị: đồng)
Công ty Cổ phần Vimeco (VMC) cũng là một cái tên khá mới lạ trong danh sách doanh nghiệp có EPS “khủng”, đạt 23.060 đồng và ở vị trí á quân. Một số doanh nghiệp có EPS cao quen thuộc trên sàn như CTD 20.436 đồng, WCS 19.915 đồng, Rạng Đông (RAL) 18.611 đồng, Viscotone (VCS) 13.461 đồng…
Vô cùng đặc biệt, CTCP Hàng không Vietjet (VJC) – tân binh niêm yết sàn HOSE tháng 2/2017 đã chứng tỏ bản lĩnh của mình khi công bố kết quả kinh doanh năm 2017 khả quan cùng chỉ số EPS 10.065 đồng, hơn hẳn nhiều doanh nghiệp khác trên sàn. Cùng với VJC, một doanh nghiệp ngành hàng không khác là CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT) vẫn giữ được phong độ qua nhiều năm với mức EPS 10.071 đồng.
Nhắc đến tân binh sàn chứng khoán, thống kê còn cho thấy sự hiện diện của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – PLX). Dù 2017 là một năm khó khăn của ngành dầu khí, giá dầu tăng 60% cùng kỳ năm trước khiến biên LN gộp của Tập đoàn giảm song Petrolimex vẫn vươn lên, thực hiện vượt kế hoạch ĐHCĐ đề ra. Con số EPS cả năm vẫn đạt với EPS năm 2017 đạt 3.012 đồng.
Một số doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng cũng đã có một năm khá thành công khi đạt được tỷ suất lợi nhuận/vốn cổ phần cao như Sabeco (SAB), Vinacafe (VCF) hay Bibica (BBC). Kể từ khi PAN Group nâng sở hữu lên hơn 50% vào cuối tháng 8/2017, Bibica đã đầu tư thêm nhiều dây chuyền thiết bị hiện đại và đã có một quý IV kinh doanh khá khởi sắc với mức lợi nhuận tăng 58% kéo lợi nhuận cả năm đạt gần 97 tỷ đồng, tương ứng EPS 5.965 đồng.
Một doanh nghiệp thép khác là Công ty Cổ phần Ðầu tư Thương mại SMC (SMC) có EPS “khủng” 7.346 đồng, cao hơn thép Nam Kim (NKG) 5.442 đồng.
Một số doanh nghiệp khác nằm ở nhóm ngành đặc thù hoặc doanh nghiệp đầu ngành có EPS cao như ngành bất động sản (HBC), bán lẻ tiêu dùng (MWG, PNJ), ngành sữa (VNM)…
Tăng trưởng kinh doanh tốt, cổ tức cao và cổ phiếu liên tục tăng
EPS là một chỉ số thể hiện khả năng kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp nhưng không phải thước đo tài chính duy nhất. Ngoài EPS cao, các doanh nghiệp còn mạnh tay chi cổ tức cao cho cổ đông và có sự tăng trưởng thần kỳ trong kết quả kinh doanh.
Vietjet báo lợi nhuận trước thuế năm 2017 gần 4.755 tỷ đồng, tăng 76% so với năm trước và vượt 26% kế hoạch năm. Công ty đã thực hiện hai lần tạm ứng cổ tức năm 2017, tỷ lệ 30% bằng tiền. Với kết quả kinh doanh khả quan như trên, Vietjet vừa nâng kế hoạch chia cổ tức năm 2017 từ 50% lên 60%, trong đó tối đa 40% bằng tiền.
Vinacafe Biên Hòa (VCF) cũng mạnh tay chi cổ tức năm 2017 lên tới 660%, tức chi số tiền 1.756 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông dù năm nay, công ty lãi lòng 372 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng vừa có một năm kinh doanh vượt kỳ vọng với lãi sau thuế 8.014 tỷ đồng, tăng 21% và vượt 33% kế hoạch năm. Đây cũng là năm Hoà Phát đạt lợi nhuận cao nhất lịch sử và vượt kỳ vọng so với ước tính ban đầu của giới đầu tư.
Hòa Phát cũng vừa mạnh dạn khởi động dự án nghiên cứu sản xuất thép không gỉ (còn gọi là inox) tại Việt Nam với công suất dự kiến 600.000 tấn/năm và có thể nâng công suất lên 1 triệu tấn/năm. Dự án dự kiến được triển khai ngay tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất (Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi) nhằm tận dụng hạ tầng thiết bị sẵn có, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm thép.
Là những doanh nghiệp có “chất” riêng nên cổ phiếu vẫn liên tục tăng dù thị giá không thấp. Ví dụ, cổ phiếu MWG đã tăng từ 80.000 đồng/cp lên 137.500 đồng/cp, tức tăng 72% trong một năm và lập đỉnh lịch sử giao dịch. Cổ phiếu VJC cũng đã tăng 156% trong một năm, chốt ở mức giá 192.000 đồng/cp; cổ phiếu PLX tăng 90% lên 88.500 đồng/cp; cổ phiếu HPG tăng 130% lên 61.000 đồng/cp….
Nguồn: NDH