DN thép: Làm gì để sống khỏe?


DN thép: Làm gì để sống khỏe?

20-03-2012

 (ĐTCK) Trong 2 tháng đầu năm 2012, sản lượng thép tiêu thụ chỉ đạt 594.000 tấn, giảm khoảng 60% so với cùng kỳ và thấp hơn rất nhiều so với con số 9,9 triệu tấn tiêu thụ của cả năm 2011.

Năm 2012, trong khi Hiệp hội thép đưa ra dự báo tăng trưởng 4% cho toàn ngành, thì một số DN thép đưa nhận định ngược lại, sản lượng thép tiêu thụ sẽ giảm 5  – 7%.  Nhiều DN sản xuất vật liệu xây dựng như thép, xi măng, gạch, sơn… đã không còn tin vào dự báo về tiêu thụ vì các dự báo thường không sát với thực tế.

Đơn cử như ngành xi măng được dự báo năm 2011 sẽ tiêu thụ 56 triệu tấn, tuy nhiên, mức tiêu thụ thực tể chỉ đạt 49,16 triệu tấn, còn thép được dự báo tăng 8 – 10%, nhưng thực tế thì ngược lại. “Những con số dự báo được các DN dùng để tham khảo, chứ không thể căn cứ vào đó để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh” – giám đốc một công ty sản xuất thép chia sẻ.

Hiện tại, các DN thép đang đứng trước thách thức lớn khi phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như sụt giảm sản lượng tiêu thụ, cạnh tranh với thép nhập khẩu, vốn cho sản xuất, vấn đề thuế giữa các DN trong nước và DN có vốn FDI… Sự khó khăn của các DN thép được thể hiện ở con số 6 DN phá sản trong năm 2011 và nhiều DN khác “sống cầm hơi”. Đại đa số các DN không sản xuất hết công suất, trung bình chỉ đạt từ 60 – 70%.

Để tồn tại, các DN thép đang bước vào cuộc đua tranh giành thị phần đầy quyết liệt, đặc biệt là các nhà máy mới đưa vào sản xuất. Trong khi các thương hiệu lớn như Thép Thái Nguyên (TISCO), Việt Nhật, Việt Ý, Việt Úc… với thị trường tương đối ổn định có thể chưa lo nhiều về vấn đề thị trường, thì các các thương hiệu khác như Thép Sông Hồng (SHS), Pomihoa, Pomina phải chật vật để tìm chỗ đứng.

Năm 2011, SHS sản xuất chỉ đạt 65% công suất do tiêu thụ không ổn định. Mặc dù DN này cũng đã có những nỗ lực để tìm khách hàng là những công trình lớn với sự hậu thuẫn của Tổng CTCP Sông Hồng, nhưng vì kinh tế vĩ mô khó khăn và chính sách cắt giảm đầu tư nên nhiều công trình đã không triển khai như dự kiến, trong khi thị trường dân sinh yếu khiến SHS lâm nguy. Tổng CTCP Sông Hồng với năng lực tài chính hiện tại không thể kham nổi đứa con do chính mình thai nghén, đang có kế hoạch sẽ thoái vốn tại SHS trong 6 tháng đầu năm nay.

Trong bức tranh màu xám của thị trường thép, các thương hiệu lớn vẫn khẳng định được vị thế của mình. Ngoài ra, một số “gương mặt mới”, với hướng đi đúng đắn cũng đã khẳng định được mình, trong đó thép Việt Đức (VG PIPE) là một ví dụ.

Dù mới ra nhập thị trường, nhưng thép VG PIPE đã đuổi gần kịp các “đàn anh” đi trước như Việt Ý, Việt Úc, Việt Nhật, Thái Nguyên… khi vào năm 2007, ống thép Việt Đức đã chiếm 15% thị phần sản phẩm thép cả nước. Sau này, khi thép Việt Đức ra đời đã có mặt trên nhiều công trình lớn như cầu Vĩnh Thịnh, Bến Thủy 2, Nguyễn Tri Phương, Thanh Trì, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai, đường Vành đai 3, các tòa nhà cao tầng như Royal City, Time City, làng Vincom… và mới đây là công trình nhà ga T2 Nội Bài.

Ông Lê Minh Hải, Ủy viên HĐQT CTCP Ống thép Việt Đức cho biết: “DN thép mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng với VG PIPE, để bán hàng trong giai đoạn khó khăn này, Công ty phải tìm đầu ra từ trước đó, sản phẩm phải có mặt ở các dự án trọng điểm trước khi khởi công. Công ty duy trì chất lượng, còn việc bán giá thấp và hạ giá chưa có trong phương án kinh doanh…”.

Có được một số thuận lợi, nhưng năm 2011, VG PIPE chỉ chạy 70% công suất và đạt mức doanh thu 3.000 tỷ đồng. Trong 2 tháng đầu năm 2012, dù thị trường thép trong cảnh ế ẩm, thì mức tiêu thụ của VG PIPE vẫn khá ấn tượng với 20.000 tấn/tháng, với mức giá bình quân 15,6 triệu đồng/tấn, trong đó 70% cho các công trình và 30% tiêu thụ trong khối dân sinh.

Theo Đầu tư Chứng khoán

Hà Quốc Quân

HOTLINE