Doanh nghiệp FDI vẫn phàn nàn về thủ tục thuế, hải quan

Doanh nghiệp FDI vẫn phàn nàn về thủ tục thuế, hải quan


Điều tra PCI- FDI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cho thấy mặc dù ghi nhận những nỗ lực trong việc cắt giảm những thủ tục đối với DN FDI song thực tế DN FDI vẫn bị phiền hà, mất thời gian và tốn kém…

Ảnh minh họa từ internet.

Với 2 nhóm quy định pháp luật của Việt Nam gồm các quy định pháp luật điều chỉnh việc gia nhập thị trường (đăng ký DN và cấp phép đầu tư) và các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động của các nhà đầu tư sau khi đã đăng ký và cấp phép thành công, dữ liệu điều tra năm 2016 cho thấy, nhờ có Luật DN và Luật Đầu tư năm 2014 mà nhóm quy định thứ nhất đã có nhiều cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, gánh nặng quy định ở nhóm thứ hai vẫn còn là mối quan ngại đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Gia nhập thị trường – Cải thiện đáng kể

Theo nhóm nghiên cứu, xu hướng cải thiện các quy định về gia nhập thị trường trong những năm qua vẫn đang tiếp diễn. Nghị định 78/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/11/2015 đã đẩy nhanh việc thành lập cho DN nước ngoài bằng cách thúc đẩy các thủ tục đăng ký trực tuyến, cắt giảm các yêu cầu giấy tờ. Nghị định này cũng cấm các cơ quan đăng ký đòi hỏi thêm các tài liệu không được pháp luật quy định trong hồ sơ đăng ký và đồng thời quy định giảm thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư năm 2014 đã chuyển cách tiếp cận từ “chọn cho” sang “chọn bỏ” đối với các hoạt động đầu tư. Nói cách khác, trước khi có luật này, các nhà đầu tư chỉ có thể hoạt động theo danh mục lĩnh vực được pháp luật quy định cụ thể, thì nay họ có thể tự do tham gia bất kỳ lĩnh vực nào mà pháp luật không cấm. Đồng thời, số lượng các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và bị cấm cũng được cắt giảm.

“Trong báo cáo PCI năm 2016, chúng tôi có chỉ ra rằng nhờ những thay đổi này mà các quy định gia nhập thị trường không còn là gánh nặng lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nữa. Xu hướng này tiếp tục được ghi nhận trong năm 2017. …”- ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI nhận định.

Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ DN FDI chọn thủ tục đăng ký DN là lĩnh vực phiền hà nhất đã giảm từ 27% năm 2015 xuống còn 24% năm 2016 và chỉ còn 23% trong năm 2017.

Thời gian chờ để hoàn tất thủ tục giấy tờ cần thiết và chính thức đi vào hoạt động đối với DN FDI ở Việt Nam có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây, sau vài trở ngại trong năm 2015. Để nhận được giấy phép đầu tư ban đầu, thông thường một DN FDI từng phải mất 58 ngày trong năm 2010, 47 ngày trong năm 2016 và hiện chỉ còn 37 ngày trong năm 2017. Thời gian cần thiết để nhận được Giấy chứng nhận đăng ký DN cũng giảm từ 35 ngày năm 2010 xuống 20 ngày năm 2016 và hiện còn 18 ngày năm 2017.

Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận đối với các thủ tục cấp mã số thuế và thời gian xin điều chỉnh giấy phép đầu tư gần nhất.

Sau khi gia nhập thị trường: Vẫn phiền hà 

Năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để giảm bớt gánh nặng quy định đối với các DN FDI. Tháng 02/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) và năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

Nghị quyết nêu các mục tiêu cụ thể liên quan đến MTKD, năng lực cạnh tranh, đổi mới và Chính phủ điện tử. Tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra để tránh các cuộc thanh tra chồng chéo và không cần thiết gây cản trở hoạt động của DN.

Với những biện pháp mới này, gánh nặng quy định sau khi gia nhập thị trường đã được giảm đáng kể, theo đánh giá của các DN nước ngoài trong điều tra PCI-FDI. Khi chủ DN phải dành quá nhiều thời gian để tìm hiểu và thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) quan liêu thì có thể gây tổn hại đến năng suất của DN do họ không còn nhiều thời gian cho các hoạt động sản xuất chính.

Kết quả điều tra cho thấy, năm 2017, tỷ lệ DN FDI phải dành trên 5% quỹ thời gian của lãnh đạo cho việc tìm hiểu và thực hiện các TTHC đã giảm từ 72% xuống còn 66%. Trong khi số lần thanh tra, kiểm tra thông thường đối với một DN FDI trong năm 2017 vẫn là 2 cuộc, thì tỷ lệ DN cho biết bị thanh, kiểm tra quá mức – những DN phải tiếp từ 8 đoàn thanh, kiểm tra trở lên mỗi năm – đã giảm từ 4,6% xuống còn 3,4%.

“Dù vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra kết luận, song các biện pháp chính sách nhằm giảm bớt gánh nặng quy định sau khi gia nhập thị trường cho các DN đang dần phát huy hiệu quả…”- Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI nhận định.

Đáng chú ý, trong các lĩnh vực cụ thể mà DN cho là phiền hà nhất, các thủ tục thuế (28%) và hải quan (29%) vẫn là những lĩnh vực thủ tục bị đánh giá là phiền hà và gây tốn kém nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tiếp đó, lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH) từng đứng thứ hai trong danh mục phiền hà năm 2016, năm nay đã có sự cải thiện đáng kể.

Thành tựu này được cho là nhờ những nỗ lực cải cách hành chính gần đây khi BHXH Việt Nam đã cắt giảm còn 32 TTHC và giảm 54% quy trình, thao tác thực hiện. Theo một điều tra nghiên cứu khác của VCCI về BHXH năm 2017, các DN nước ngoài đánh giá cao những nỗ lực cải cách của ngành BHXH trong việc cắt giảm đáng kể gánh nặng hành chính cho DN.

“Mặc dù ngành tài chính, trong đó có thuế, hải quan đã có nhiều nỗ lực trong cải cách TTHC nhưng kết quả điều tra này cho thấy dư địa cải cách của hai ngành này vẫn còn rất lớn!” – Trưởng ban Pháp chế VCI, Giám đốc Dự án PCI khẳng định.

Ông Herbert Cochran, Giám đốc Liên minh Thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam: “Thường xuyên thay đổi chính sách pháp lý sẽ khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư rủi ro hơn…”

“Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải cách khuôn khổ pháp lý và hành chính nhằm giảm thiểu TTHC và tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại và đầu tư. Chúng tôi cũng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc hài hoà các quy định quốc gia với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. 

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện các chính sách đổi mới đôi khi tạo ra những thách thức hoặc tác động tiêu cực đến các DN và ngành nghề cụ thể cũng như MTKD. Ví dụ như: Việc thường xuyên thay đổi chính sách pháp lý sẽ khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư rủi ro hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Các thay đổi về chính sách pháp lý, đặc biệt là những thay đổi liên quan đến chính sách thuế như tăng thuế suất hoặc áp dụng các loại thuế mới sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đối với các dự án đầu tư. Một nhà đầu tư khi đưa ra quyết định đầu tư hoặc mở rộng đầu tư ở một quốc gia, họ sẽ xây dựng một kế hoạch kinh doanh dài hạn từ năm đến mười năm để ước tính lợi nhuận đầu tư thu được. 

Những thay đổi về thuế sẽ làm thay đỏi toàn bộ kế hoạch kinh doanh ban đầu, do chi phí tăng cao, giảm doanh thu và do đó, giảm tỷ suất lợi nhuận hoặc kéo dài thời gian thu hồi vốn đầu tư. 

Nhà đầu tư có thể do dự trước những quyết định mở rộng đầu tư vào Việt Nam khi họ đã phải đối mặt với những thay đổi thường xuyên về chính sách hay về thuế suất. Các nhà đầu tư sẽ lựa chọn những điểm đến có môi trường pháp lý ổn định. Những quốc gia thường xuyên có những thay đổi về chính sách pháp lý sẽ là môi trường đầu tư rủi ro cao cho họ…”.

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội: “Luật và các quy định cần được thiết kế để đảm bảo thi hành một cách công bằng và bình đẳng…”

“Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Trump đã góp phần làm nổi bật những cơ hội tuyệt vời dành cho các DN Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta thường thấy các khoản đầu tư không thực hiện được do những thách thức trong việc đối phó với tham nhũng cũng như các điều kiện cấp phép và môi trường pháp lý quá phức tạp, nhiều hạn chế và không rõ ràng.

Các thành viên của chúng tôi cần những nỗ lực cải cách để tạo ra một môi trường công bằng hơn và cạnh tranh hơn, nơi các quyết định được đưa ra nhanh hơn, thủ tục ít phức tạp hơn, các quy tắc được thực hiện một cách công bằng, và các DN cạnh tranh với nhau trên các giá trị của họ – bao gồm cả việc tiếp cận đất đai và các cơ hội.

Thực tế, các thành viên của chúng tôi thường gặp phải việc thực thi chính sách không đồng nhất, không hiệu quả, và đối xử không công bằng giữa các khu vực. Trong một số trường hợp, các hiện tượng này còn nảy sinh những hình thức mới. Thực tế này gây khó khăn lớn cho hoạt động của các thành viên của chúng tôi, bất luận nó là hệ quả của tham nhũng, chủ nghĩa bảo hộ, việc thu thuế, hay Chính phủ đang chọn kẻ thắng người thua.

Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là luật và các quy định được thiết kế để đảm bảo thi hành một cách công bằng và bình đẳng. Những tiến bộ trong lĩnh vực này sẽ giúp cải thiện sự tin tưởng của người tiêu dùng trên thị trường. Đây cũng là một vấn đề quan trọng khi xem xét các cách thu hút đầu tư có chất lượng cao và đẩy mạnh sự phát triển của khu vực tư nhân. – Linh Linh.

Nguồn: BPL

HOTLINE