Doanh nghiệp lo ngại chi phí đầu vào và mong muốn cải thiện môi trường pháp lý

Doanh nghiệp lo ngại chi phí đầu vào và mong muốn cải thiện môi trường pháp lý


Khảo sát mới đây của CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) triển khai cho thấy trong năm 2018,  chi phí đầu vào đang là trở lại lớn nhất của DN hiện nay.  Thay vì kiến nghị giảm thuế như mọi năm, các DN cho rằng cải thiện môi trường pháp lý mới là ưu tiên hàng đầu…

Nguyên liệu tăng, cạnh tranh gay gắt

Khảo sát được thực hiện với 500 DN phát triển nhanh nhất (FAST500) năm 2018. Theo đó,  3 rào cản bên ngoài lớn nhất ảnh hưởng đến tăng trưởng của DN là chi phí đầu vào tăng, sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh và vấn đề thủ tục hành chính (TTHC), trong đó, rào cản lớn nhất là chi phí đầu vào, chủ yếu do giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và cạnh tranh ngày càng gia tăng trong các ngành kinh doanh (với tỷ lệ lựa chọn tương ứng là 60,5% và 52,6%). 

Nhiều chuyên gia nhận định năm 2018 là năm sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt đối hàng loạt ngành nghề do dư địa thị trường hấp dẫn, mở rộng nhiều chính sách ưu đãi trong nước thu hút các DN ngoại. Đồng thời, xu hướng trong thời gian tới sẽ là sự liên kết giữa các  DN lớn nhằm tạo nên giá trị cộng hưởng. Chính vì vậy, các DN  FAST500 cho rằng hai nhóm đối thủ cạnh tranh lớn nhất phải “kiêng dè” trong năm nay là các DN nội địa lớn đứng đầu (50% phản hồi) và các tập đoàn đa quốc gia từ các nước phát triển đang tích cực gia nhập thị trường Việt Nam (41,2% phản hồi). 

Trước tình hình thách thức, cạnh tranh đan xen, 83,8% DN cho biết sẽ ưu tiên tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận trên những thị trường hiện tại; kế đến là tăng năng suất và mở rộng sang các thị trường mới với lần lượt số DN lựa chọn là 59,5% và 51,4%.

Đối với mục tiêu cải thiện triển vọng tăng trưởng, 73% DN xác định chất lượng sản phẩm và dịch vụ là yếu tố cần tập trung hàng đầu trong thời gian tới. 

Đánh giá về những ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt trong 3 năm tiếp theo, top 5 ngành triển vọng nhất được các DN đánh giá là Nông nghiệp sạch, Công nghệ thông tin, Công nghệ sạch, Bán lẻ, Du lịch – Khách sạn. Điều này cũng thể hiện xu thế phát triển trong tương lai khi DN dần đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ sạch, thân thiện môi trường, tích hợp trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cùng định hướng phát triển du lịch thành ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước.

Cải thiện môi trường pháp lý – Động lực tăng trưởng năm 2018

Nếu trong phản hồi của DN những năm trước, điều chỉnh giảm thuế và đẩy mạnh cải cách TTHC  là những giải pháp được các DN kì vọng đầu tiên thì sang năm 2018, phần lớn DN đã nhận định cải thiện môi trường pháp lý là vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với cộng đồng DN Việt Nam ở thời điểm hiện tại, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ hỗ trợ DN tiến tới mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng nhanh đi kèm với phát triển bền vững.

Được biết, năm 2017, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 14 bậc (từ vị trí 82 lên vị trí 68),  trong đó chỉ số “Bảo vệ nhà đầu tư” tăng điểm và tăng bậc nhờ những thay đổi của Luật DN 2014 theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền lợi của cổ đông thiểu số. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn còn ở thứ hạng thấp, chủ yếu do quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp giữa cổ đông và người quản lý trong công ty tại tòa án. Nội dung này thuộc pháp luật về dân sự và tố tụng dân sự. Chỉ số “Giải quyết tranh chấp hợp đồng” tuy tăng bậc trong 3 năm gần đây, nhưng không có thay đổi nào về điểm số. Đặc biệt, chỉ số “Giải quyết phá sản DN” nhiều năm không có cải thiện đáng kể, thời gian kéo dài (5 năm), chất lượng quy định pháp lý còn hạn chế (7,5/16 điểm) và ở vị trí cuối bảng xếp hạng. Mặc dù Luật Phá sản 2014 tiếp cận theo thông lệ quốc tế (như quy định về quản tài viên, áp dụng tuyên bố phá sản theo thủ tục rút gọn,…), nhưng chủ yếu tập trung vào xử lý phá sản, chưa chú trọng tới phục hồi hoạt động kinh doanh của DN.

Theo tinh thần Dự thảo Nghị quyết 19/2018 đang được Bộ KH&ĐT lấy ý kiến, Chính phủ tiếp tục cắt giảm chi phí hoàn thiện môi trường pháp lý cho DN với những mục tiêu cụ thể như: Từng bước giảm chi phí logistics trong nền kinh tế xuống mức bằng khoảng 18% GDP (hiện hơn 20% GDP); cải thiện Chỉ số Hiệu quả logistics thêm khoảng 10 bậc (hiện xếp thứ 64); Cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng thêm 10 bậc; chỉ số phá sản DN thêm 10 bậc…

Năm 2018, Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chủ trương “giảm chi phí cho doanh nghiệp”

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội về chủ trương giảm chi phí cho DN trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ cho biết, sau Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với DN tháng 5/2017, chủ đề của năm 2017 được chọn là “giảm chi phí cho DN”. Một số DN, Hiệp hội DN kiến nghị năm 2018 tiếp tục đặt trọng tâm vào vấn đề giảm chi phí cho DN để tác động đối với cộng đồng DN sẽ rõ nét hơn và phát huy các kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã triển khai năm trong 2017. Với các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01 ngày 1/1/2018, có thể nói Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chủ trương “giảm chi phí cho DN” trong năm 2018.

Nguồn: BPL

HOTLINE