Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Trong năm 2018, nhiều doanh nghiệp đưa ra phương án tăng vốn khủng bằng nhiều hình thức như phát hành ESOP, thưởng cho cổ đông hiện hữu và chào bán riêng lẻ.
Mùa đại hội thường niên 2018 đang dần đi vào giai đoạn cao điểm, nhiều doanh nghiệp đã công bố tài liệu trình cổ đông thông qua trong đó nóng vấn đề tăng vốn. Song khác với mọi năm doanh nghiệp chủ yếu huy động vốn thì năm nay phương án đưa ra đa phần là sử dụng nguồn tiền tích lũy để thưởng cổ phiếu cho cổ đông, đồng thời đa phần các doanh nghiệp muốn trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt.
Năm nay CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (HOSE: TNA) có kế hoạch tăng vốn gấp 3 từ 125,6 tỷ lên 451,8 tỷ đồng và kỳ vọng hoàn tất trong năm 2018, tương ứng với tổng khối lượng phát hành đạt 32,59 triệu cp.
Cụ thể công ty sẽ phát hành 512.009 cp ESOP (tỷ lệ 4,18%) từ nguồn thặng dư vốn cổ phần theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2017; phát hành 17,08 triệu cp tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, nếu thực hiện trước phương án ESOP thì tỷ lệ là 100:139 và nếu sau thì 100:133; cuối cùng là chào bán 15 triệu cp cho đối tác chiến lược (33,2%) với giá bán tối thiểu 20.000 đồng/cp.
Đối với phương án chào bán riêng lẻ, vốn huy động được Thiên Nam dùng để đầu tư dự án bất động sản ở tỉnh Cà Mau, dự án bán sỉ, lẻ điện máy, dự án trường học và đầu tư tài chính.
Đi cùng với kế hoạch tăng vốn khủng, công ty kỳ vọng đạt mức tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2018 tăng trưởng lần lượt 9% và 41,6% so với năm 2017 (năm trước TNA ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận âm). Đoạn 2018-2022, công ty đưa ra mục tiêu tổng doanh thu tăng từ 4.560 tỷ lên 6.676 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân từ 14%/năm trở lên, từ 181 tỷ đồng lên 225 tỷ đồng.
Sau nhiều năm duy trì ở mức vốn nhỏ bé 66 tỷ đồng, năm 2017 vừa qua, CTCP Đạt Phương (UPCoM: DPG) đã thực hiện tăng vốn gấp đôi lên 118,6 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức 30% và chào bán riêng lẻ. Ngay những tháng đầu năm 2018, DPG tiếp tục nâng quy mô vốn điều lệ từ 118,6 tỷ đồng lên gần 300 tỷ đồng, ứng mức tăng 153% thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất 2017, công ty có vốn chủ 880,6 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chiếm phân nửa với 428,9 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ qua 2 năm, DPG đã nâng quy mô vốn điều lệ gấp gần 5 lần. Về kết quả kinh doanh, công ty kỳ vọng năm 2018, doanh thu sẽ đạt mốc 1.996,3 tỷ đồng và lãi sau thuế của công ty mẹ 188,9 tỷ đồng, tăng trưởng 17%.
Ngoài ra, nhắc đến doanh nghiệp muốn tăng vốn mạnh không thể không kể đến CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (HNX: API), đơn vị không chỉ muốn tăng vốn điều lệ mà còn lên kế hoạch phát hành trái phiếu.
Theo biên bản họp đại hội thường niên 2018, API trình phương án phát hành thêm 48,5 triệu cp, gấp gần 1,4 lần số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Trong đó, API dự kiến phát hành hơn 2,6 triệu cp để trả cổ tức tỷ lệ 7,5%; 4,6 triệu cp thưởng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 13%; 21,3 triệu cp (tỷ lệ 2:1) chào bán cho cổ đông hiện hữu giá 12.000-15.000 đồng/cp; phát hành tối đa 5% cổ phiếu ESOP giá 10.000 đồng/cp và cuối cùng là 20 triệu cp chào bán riêng lẻ giá không thấp hơn 20.000 đồng/cp.
Thời gian thực hiện các đợt phát hành có thể trong quý II-III hoặc kéo dài qua 2019. Mục tiêu huy động vốn để cơ cấu khoản vay, đầu tư các dự án. Không chỉ vậy, API còn có phương án phát hành trái phiếu 50 tỷ đồng, lãi suất cố định 13%/năm, đáo hạn sau 2 năm.
Tuy nhiên, cổ đông chỉ thông qua phương án phát hành cổ phiếu thưởng và trái phiếu.
Mới đây, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) công bố nội dung trình đại hội thường niên 2018 phương án phát hành 54 triệu cp thưởng, tỷ lệ 2:1 để nâng vốn điều lệ lên 1.621,5 tỷ đồng. Cùng với đó, PNJ cũng dự định phát hành ESOP tỷ lệ 3%, tương ứng số lượng phát hành 4,86 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/cp.
Bên cạnh doanh nghiệp thì ngành ngân hàng cũng chứng kiến làn sóng tăng vốn mạnh năm nay. Nổi trội nhất có lẽ là trường hợp của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank). Ngân hàng này dự định tăng vốn từ 15.706 tỷ đồng lên 27.799 tỷ đồng bằng mọi hình thức chia cổ tức, thưởng cp, ESOP, phát hành riêng lẻ.
Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) dự định chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 19%, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) thưởng cổ phiếu 31% hay Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trình cổ đông phát hành 60 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,2% trên vốn điều lệ 14.295 tỷ đồng) tăng vốn điều lệ từ vốn chủ sở hữu.
Như vậy, năm 2018 bên cạnh lượng hàng khổng lồ từ các đợt IPO doanh nghiệp Nhà nước như BSR, PV Power, PV Oil, VRG… thì thị trường tiếp tục đón nhận khối lượng lớn cổ phiếu phát hành bổ sung của các đơn vị trên sàn.
Nguồn: NDH