Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh): Cần cân nhắc thiệt – hơn khi đề xuất dừng dự án

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh): Cần cân nhắc thiệt – hơn khi đề xuất dừng dự án


Liên quan tới Dự án mỏ sắt Thạch Khê, một trong những cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) đã có công văn gửi Thủ tướng và các bộ, ngành phản hồi lại đề nghị dừng dự án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). 

Đề xuất dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê của Bộ KH&ĐT tiếp tục gây tranh cãi

Trước đó, trong kiến nghị Thủ tướng xem xét chủ trương dừng dự án khai thác sắt Thạch Khê, Bộ KH&ĐT cho rằng năng lực tài chính của Cty CP Sắt Thạch Khê không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư Tổ hợp dự án theo tiến độ, phương án tiêu thụ quặng sắt của TIC chưa đảm bảo chắc chắn, phương án vận chuyển sắt bằng đường bộ từ mỏ sắt đến cảng Vũng Áng không hiệu quả và đảm bảo an toàn giao thông, quan ngại về vấn đề môi trường như cạn kiệt nguồn nước ngầm, xâm nhập mặn, sa mạc hóa…

Chủ đầu tư “phản pháo”

Trong văn bản này, ông Phạm Lê Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và khai thác khoáng sản Thăng Long (Cty tư nhân duy nhất tham gia dự án từ những ngày đầu) nhấn mạnh, từ giữa tháng 11/2016, Thủ tướng yêu cầu đủ thủ tục pháp lý theo quy định là triển khai dự án trong quý I/2017, chứ không phải làm hay không làm và “không đề cập tới việc dừng dự án”.  

Ông Phạm Lê Hùng đề nghị làm rõ trách nhiệm của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Tổng Cty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh khi không làm tròn trách nhiệm tài chính góp phần khiến dự án bị chậm tiến độ.  Làm rõ trách nhiệm gây thiệt hại với nhà đầu tư, ảnh hưởng tới ngân sách và hàng nghìn hộ dân trong vùng phát triển dự án.

Cho rằng đề nghị dừng dự án của Bộ KH&ĐT là không có cơ sở pháp lý, thực tiễn, bộc lộ những thiếu sót nghiêm trọng, thiếu tôn trọng ý kiến các bộ và các nhà khoa học, thành viên sáng lập TIC cho hay, có lo ngại từ phía Bộ KH&ĐT liên quan tới nhu cầu vận chuyển quặng sắt giai đoạn I lên tới 5 triệu tấn/năm (tần suất khoảng 5 phút/chuyến xe tải trọng 40 tấn) từ mỏ Thạch Khê đến cảng Vũng Áng thì khả năng chịu tải của đường bộ là không đảm bảo, ảnh hưởng an toàn đến các phương tiện giao thông khác và con người khi tham gia giao thông.

 “Theo tính toán với tốc độ 50km/h, số xe có thể lưu thông trong 5 phút sẽ là 100 xe (xe này cách xe kia 35m). Thực tế, theo số liệu nghiên cứu qua 3 trạm thu phí: Bến Thủy, đường tránh Hà Tĩnh, hầm đèo Ngang cho thấy lượng xe lưu thông trung bình trong 5 phút chỉ là 10 xe. Vậy Thạch Khê dùng 1 xe trong 5 phút hoàn toàn không ảnh hưởng gì, thậm chí dùng đến 5 – 10 xe trong 5 phút vẫn an toàn”, ông Hùng nêu trong công văn.

Đối với lo ngại về nguy cơ hoang mạc hóa ở phạm vi rộng, kể cả TP Hà Tĩnh (cách mỏ chưa đến 6km), ông Hùng nêu quan điểm: “Cứ theo ý kiến này, toàn bộ những đồi núi có độ dốc ≥ 5,2o và độ cao cách biệt ≥ 550m đều bị sa mạc hóa hết, bao gồm cả dãy núi Trường Sơn, vòng cung Ngân Sơn, vòng cung Đông Triều… – một điều không thể chấp nhận được”. 

Đã được thẩm định, phê duyệt kỹ càng

Về dự án khai thác mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này, theo TS Nghiêm Gia – Ủy viên Thường vụ Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam so sánh các yếu tố tiêu cực và tích cực, các chuyên gia mỏ và luyện kim cho rằng cần thiết phải đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê cho nhu cầu sản xuất của ngành Thép Việt Nam giai đoạn 2015-2030. 

Thừa nhận vấn đề mà tỉnh Hà Tĩnh băn khoăn, lo lắng dự án hoàn toàn chính đáng nhưng TS Nghiêm cũng đánh giá, các vấn đề này cơ bản đã được giải quyết và làm rõ trong các báo cáo liên quan và Nghiên cứu khả thi Dự án (FS) mà các cơ quan chức năng đã thẩm định và phê duyệt.

Cũng theo TS Nghiêm Gia, qua một thời gian dài dự án Thạch Khê được sự ủng hộ, quan tâm lớn của Đảng và Chính phủ và đến nay việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án lại được Chính phủ chỉ đạo. Tuy vậy, dự án đã và đang đặt ra nhiều vấn đề thách thức nhằm mang lại hiệu quả, bảo vệ môi trường bền vững, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân tại vùng mỏ, lợi ích cho Nhà nước và lợi nhuận của doanh nghiệp một cách lâu dài.

Đồng quan điểm, TS. Hoàng Ngọc Phong – chuyên gia kinh tế thuộc Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, dự án đã thực hiện đầy đủ các căn cứ, trình tự và thủ tục pháp lý theo các quy định của các luật, pháp luật và các quy định khác có liên quan, đủ căn cứ và cơ sở khoa học, thực tiễn và tính hiệu quả để triển khai thực hiện dự án. 

TS Phong cho rằng, để dự án tiếp tục “ngủ”, sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư của Hà Tĩnh và gây ấn tượng xấu với các nhà đầu tư tiềm năng từ bên ngoài tỉnh, dẫn tới nguy cơ hạn chế sự phát triển kinh tế chung của tỉnh. Trong khi đó, các cổ đông sẽ rất thiệt thòi, chán nản, mất phương hướng… Ngoài ra, dự án được triển khai sẽ tạo ra 2.600 tỷ đồng trong vòng 9,5 – 10 năm, nộp ngân sách hàng năm bình quân khoảng 1.500 tỷ/năm, chưa kể thu các khoản thuế và phí trên địa bàn khoảng 90 nghìn tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất có thời hạn, thuế nhập khẩu… 

Liên quan đến kiến nghị của Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương từng cho rằng, việc đề xuất dừng dự án là chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. “Việc dừng hay không dự án này cần được xem xét thận trọng một cách toàn diện, phải tính tới những hậu quả, hệ lụy liên quan đến thiệt hại hàng nghìn tỷ mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay. Bên cạnh đó phải tính đến hiệu quả kinh tế của dự án, phát triển công nghiệp và kinh tế Việt Nam, đóng góp vào GDP, giảm nhập siêu, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, cũng như các vấn đề liên quan như an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội và nhiều hệ lụy khác”, Bộ Công Thương nêu quan điểm. 

Nguồn: baophapluat

HOTLINE