Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Việt Nam đã và đang sẵn sàng xây dựng Chính phủ số vì đây là nhu cầu tất yếu đối với phát triển đất nước trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Có lợi cho cả người dân và Chính phủ
Tại Hội thảo khởi động Đánh giá mức độ sẵn sàng về Dữ liệu mở và Chính phủ số tại Việt Nam do VPCP phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức mới đây, bà Alla Morrison – Điều phối Chương trình Dữ liệu sáng tạo, WB – cho biết thế giới số mang đến rất nhiều công nghệ to lớn nhưng đồng thời cũng tạo ra khoảng cách số ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo. Do đó, Chính phủ các nước hiện đang nỗ lực để đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo thuận tiện, hiệu quả cho người dân. Bên cạnh đó, các Chính phủ cũng cần bảo đảm cung cấp internet một các hiệu quả, bảo đảm sự cạnh tranh trên thị trường, bảo đảm quyền riêng tư của công dân và quyền của người tiêu dùng. Đây chính là tiền đề cho Chính phủ số.
Theo ông Kim Andreasson – chuyên gia tư vấn của WB, việc xây dựng Chính phủ số là rất cần thiết vì chi phí thông tin số đang rẻ hơn rất nhiều so với thông tin khác. Ví dụ, nếu thông tin số có chi phí tương đối là 1 thì mức chi phí cho việc thông tin điện thoại là 20, bưu điện là 30 và gặp trực tiếp lên đến 50. “Chính phủ số được coi là một hợp phần cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là lợi ích không phải chỉ cho Chính phủ mà còn cho cả người dân”, ông Andreasson nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Seunghuyn Kim – Chuyên gia cao cấp của WB – cho hay, về cơ bản Chính phủ điện tử và Chính phủ số tương tự nhau nhưng Chính phủ số là cấp cao hơn, là Chính phủ thúc đẩy những đổi mới sáng tạo, áp dụng kỹ thuật số, bằng cách tận dụng những công nghệ mới. Ông Kim cũng đã đưa ra một số dẫn chứng về hiệu quả của việc triển khai xây dựng Chính phủ số tại một số nước trên thế giới.
Ví dụ, tại Moldova, thông qua dự án chuyển đổi việc cung ứng một số dịch vụ công sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông do WB hỗ trợ, cổng dịch vụ công Chính phủ Molldova đã cung cấp thông tin của trên 480 dịch vụ công (thuế điện tử, cấp phép điện tử…) với hơn 1.500 người sử dụng mỗi ngày; 105 dịch vụ điện tử với 876 cơ sở dữ liệu từ 47 cơ quan; 2,5 triệu giao dịch với doanh số trên 1 tỉ Moldovan Leu được thực hiện thông qua Cổng thanh toán điện tử (Mpay).
Tại Ghana, dự án eGhana trị giá 115 triệu USD, trong đó WB cung cấp 86,4 triệu USD thông qua 2 gói tín dụng IDA nhằm cải thiện dịch vụ Chính phủ điện tử và phát triển ngành dịch vụ thông tin tập trung vào cấu phần thuế điện tử đã mở rộng cơ sở thu thuế. Qua dự án, 554.000 người đóng thuế mới đăng ký trực tuyến; sự tuân thủ của người dân và minh bạch của Chính phủ đã gia tăng; số ngày đăng ký doanh nghiệp từ trung bình 2 tuần đã giảm xuống còn 3-5 ngày.
Tạo giá trị mới về kinh tế và xã hội
Cũng tại hội thảo, thông tin về Dữ liệu mở, theo bà Trần Thị Lan Hương – chuyên gia cao cấp WB – Dữ liệu mở sẽ tạo ra giá trị mới về kinh tế và xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ công, giúp Chính phủ thăng hạng trên bảng đánh giá về minh bạch thu hút đầu tư. Bà Hương cho biết, thực tiễn từ các nước tiên phong như Mỹ, Anh, Úc, Đan Mạch cho thấy hàng trăm công ty mới đã được thành lập và hàng ngàn việc làm mới được tạo ra. Ví dụ, hệ thống định vị toàn cầu (GPS) đóng góp 122 tỉ USD/năm cho kinh tế Mỹ. Dữ liệu mở về thời tiết ở nước này cũng đã tạo ra hơn 400 công ty, sử dụng hơn 4.000 lao động. Một nghiên cứu ở Tây Ban Nha cho thấy Dữ liệu mở đóng góp hơn 600 triệu USD với hơn 5.000 việc làm.
Bà Alla Morrison – chuyên gia cao cấp của WB – cho rằng, Việt Nam có lợi thế triển khai Chính phủ số khi mật độ sử dụng Internet khá cao. Theo vị chuyên gia này, việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến sẽ giảm nhũng nhiễu của chính quyền, giúp loại bỏ tình trạng người dân phải nộp phí “bôi trơn” khi cấp bằng lái xe và giấy tờ sở hữu đất…
Còn dữ liệu nếu được mở sẽ giúp Chính phủ minh bạch hơn, hiệu quả hơn, cung cấp nguồn thông tin cho doanh nghiệp, người dân thuận lợi hơn. Thêm vào đó, Dữ liệu mở sẽ giúp các công ty phát triển xu hướng mới, kinh doanh mới, tạo giá trị kinh tế và xã hội cho các quốc gia; nâng cao chất lượng dịch vụ công. Ngoài ra, việc Chính phủ mở dữ liệu cũng sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí kết nối cho các cơ quan chính phủ. Theo thống kê của Liên minh Châu Âu, việc mở dữ liệu đã tiết kiệm chi phí cho các nước lên đến 1,7 tỷ USD.
Việt Nam đã sẵn sàng triển khai
Phát biểu tại Hội thảo, ông Mai Tiến Dũng khẳng định việc Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo là để minh bạch hóa, công khai hóa. Triển khai chủ trương này, năm 2016 được Chính phủ xác định là năm hoàn thiện thể chế, 2017 là năm cắt giảm chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã xây dựng các kênh để tạo nền tảng đối thoại giữa Chính phủ với người dân, doanh nghiệp, thể hiện sự công khai, minh bạch. “Vừa qua, Việt Nam đã cắt giảm, loại bỏ trên 5.000
thủ tục hành chính và cắt giảm nhiều thủ tục có thể coi là giấy phép con, là rào cản cho tăng trưởng. Nói cách khác, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng để công khai, minh bạch những gì mà chúng tôi có thể công khai được, trừ những tài liệu mật”, ông Dũng nói.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho hay, thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng thành công Chính phủ điện tử và chuyển hướng sang giai đoạn tiếp theo là Chính phủ số. Để đạt được điều này, Chính phủ các nước đang lên kế hoạch chuyển đổi trong toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ bằng cách tận dụng các công nghệ, chuyển đổi quy trình hoạt động thành dữ liệu số, sử dụng dữ liệu điện tử làm căn cứ thay vì dựa trên tài liệu giấy để ra quyết định trong toàn bộ Chính phủ, đổi mới kiến trúc công nghệ thông tin và truyền thông, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và tăng cường sử dụng công nghệ điện toán đám mây, phát triển các mô hình lãnh đạo…
Với mục tiêu tiếp cận xu hướng phát triển chung của các quốc gia trên thế giới, VPCP đã hợp tác với WB để triển khai Chương trình đánh giá về mức độ sẵn sàng Dữ liệu mở và Chính phủ số tại Việt Nam. Nội dung Chương trình đánh giá sẽ tập trung vào các lĩnh vực lãnh đạo; chính sách/khung pháp lý; cấu trúc thể chế; dữ liệu trong Chính phủ; nhu cầu/sự tham gia của người dân; hệ sinh thái dữ liệu mở; tài chính; hạ tầng; công nghệ và nhân lực.
Ông Dũng nhấn mạnh cần nhận thức đúng đắn phát triển Chính phủ số và Dữ liệu mở là xu hướng tất yếu, không thể khác được. Do đó, phát triển Chính phủ số và Dữ liệu mở sẽ là bước đi tiếp theo của Chính phủ điện tử tại Việt Nam, hướng tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. “Chúng tôi đã sẵn sàng để xây dựng Chính phủ số và Dữ liệu mở vì đây là nhu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay”, ông nói.
Người đứng đầu VPCP hy vọng thông qua quá trình đánh giá, các chuyên gia sẽ giúp chỉ ra những khoảng cách về thể chế và công nghệ nhằm hướng tới một Nhà nước kiến tạo, hỗ trợ thực hiện cải tiến thủ tục hành chính và cải cách quản lý hành chính công, bằng việc sử dụng công nghệ số cũng như những khuyến nghị về khung hành động xây dựng Chính phủ kiến tạo số ở Việt Nam giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2036.
Về phía VPCP, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức, lãnh đạo và điều hành hoạt động Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, VPCP nhận thức rõ về tầm quan trọng của cải cách hành chính (CCHC) và ứng dụng CNTT trong chỉ đạo điều hành của các cơ quan, nhất là cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết thêm, khó khăn nhất của Việt Nam hiện nay là xây dựng cơ sở dữ liệu vì có được cơ sở dữ liệu này thì mới thực hiện Dữ liệu mở, mới công khai được. Và, Việt Nam đã nhận thức được sự quan trọng của việc xây dựng Chính phủ số.
Nguồn: BPL