Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, ngày 26/3, Uỷ ban Châu Âu (EC) đã ra Thông báo số 2018/C 111/10 khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm thép nhập khẩu.
Sản xuất thép tại một số nhà máy. Ảnh: Hà Thị Lan Phương
Theo Thông báo này, EC có bằng chứng chứng minh rằng việc nhập khẩu một số sản phẩm thép vào EU gần đây đã tăng đột biến nên cơ quan này tự động ra quyết định khởi xướng điều tra biện pháp tự vệ toàn cầu.
EC cho rằng, trong giai đoạn 2013 – 2016, lượng thép nhập khẩu đã gia tăng tuyệt đối ở mức 65% và hiện tại vẫn duy trì ở mức cao; gia tăng tương đối từ 7,3% lên 11,6% so với sản xuất trong nước và từ 12,2% lên 17,6% về tiêu thụ trong nước .
Theo EC, việc gia tăng nhập khẩu vào EU xuất phát từ sự dư thừa công suất toàn cầu và các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng với thép từ các nước khác.
Thêm vào đó, EC cũng cho rằng sự gia tăng nhập khẩu này gây ra thiệt hại/đe dọa thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất của EU (thể hiện ở việc mất thị trường, giảm lợi nhuận …).
Trong vụ việc này, sản phẩm bị điều tra là một số sản phẩm thép có các mã HS: 7208, 7209, 7210, 7211, 7212, 7213, 7214, 7216, 7219, 7220, 7221, 7222, 7225, 7226, 7227, 7228, 7301, 7302, 7304, 7305 và 7306. Giai đoạn điều tra dự kiến trong vòng 9 tháng kể từ ngày khởi xướng và có thể gia hạn tuỳ vào tình hình thực tế của vụ việc (tối đa là 2 tháng). Thời kỳ điều tra là 2013 – 2017.
Theo quy trình, thủ tục, các bên liên quan (bao gồm các nhà sản xuất xuất khẩu, nhập khẩu, người sử dụng sản phẩm bị điều tra) có quyền bày tỏ quan điểm (bằng văn bản), cung cấp thông tin, chứng cứ về vụ việc cũng như yêu cầu tham vấn với cơ quan điều tra trong vòng 21 ngày kể từ ngày công bố thông báo khởi xướng điều tra.
Nguồn tin: Hải quan