Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Với các giải pháp công nghệ mới được áp dụng, kỹ thuật được cải tiến, hiện nay nhiều khó khăn, phức tạp trong thi công công trình đã dần được khắc phục.
Hẳn nhiều người còn nhớ hình ảnh hàng chục công nhân trằn mình với việc nắn, buộc thép rồi hùng hục trộn bê tông bằng tay, sau chuyền tay nhau lên đổ mái, đúc dầm. Bên cạnh đó, để đúc được bê tông cho một công trình xây dựng, người ta còn cần đến hàng chục mét khối gỗ cốp pha và mất nhiều ngày để đóng thành khuôn. Hôm nào công trình đổ bê tông được xem như ngày cực kỳ hệ trọng.
Trong ngành xây dựng có 3 hạng mục có sự tác động lớn, quyết định chất lượng công trình. Đó là bê tông, sắt thép và cốp pha (khuôn đúc bê tông).
Với các giải pháp công nghệ mới được áp dụng, kỹ thuật được cải tiến, hiện nay nhiều khó khăn, phức tạp trong thi công công trình đã dần được khắc phục. Tuy nhiên vẫn còn những vấn đề cần có giải pháp khắc phục. Một trong số đó chính là thép thi công.
.Coupler nối các thanh thép tạo độ vững chắc cho công trình và là giải pháp tiết kiệm 7-10% chi phí. Ảnh: Đào Tuấn
Những toan lo về mức độ an toàn trong quá trình lao động, thời gian thi công, chi phí công trình khiến các nhà đầu tư, chủ công trình khó kiểm soát được. Đặc biệt, đối với sắt thép, một trong những vật liệu cốt lõi, quyết định đến độ bền, tuổi thọ của công trình lại thường được thực hiện theo cách thủ công. Đó là các sàng, trụ, dầm, cấu kiện thép… được đo tại chỗ và chằng buộc khá đơn giản.
Và người ta cũng cần nhiều công nhân để thực hiện khâu này trong nhiều ngày. Điều này vừa khiến công trình chậm tiến độ vừa mất chi phí lớn trong khi độ an toàn và chất lượng không cao. “Một mặt sàn với diện tích khoảng 1.500m2, để thực hiện thi công phần thép sẽ cần khoảng 50 công nhân và làm trong 4-5 ngày. Thực tế này sẽ khiến các nhà đầu tư, chủ công trình và nhà thầu phải tính toán” – ông Lê Quang Trung – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thép TSC có trụ sở tại số 34, Trần Quang Diệu, thành phố Vinh cho biết.
Kinh nghiệm hơn 12 năm cung ứng thép xây dựng cho các công trình trên nhiều tỉnh, thành khiến ông Lê Quang Trung không ngừng suy nghĩ. Ông Trung cho hay, thay cho các phương pháp cũ, hiện nay một số giải pháp công nghệ trong ngành xây dựng đã được áp dụng và mang lại hiệu quả, như: sử dụng khuôn nhôm thay cho cốp pha ván gỗ, hình thành các nhà máy trộn bê tông tươi đáp ứng nhu cầu khách hàng. Với riêng thép là vẫn chưa thay đổi, phần lớn các công trình vẫn đang làm theo cách “cổ điển”. Để khắc phục thực tế này cần có người tiên phong.
Từ những day dứt của một người làm trong ngành thép thương mại, ông Lê Quang Trung ấp ủ dự định sẽ tìm cách khắc phục những hạn chế của việc thi công thép truyền thống.
Và dịp may hiếm có đã đến với ông. Năm 2015, trong một lần tiếp xúc, làm việc với khách hàng, ông Trung đã được gặp ông Akisawa – Giám đốc Công ty Kyoei Sangyo – Nhà thầu thép lớn nhất Nhật Bản. Thông qua ông Akisawa, Công ty Kyoei Sangyo đã chuyển giao công nghệ, hỗ trợ máy móc và hướng dẫn kỹ thuật cho Công ty cổ phần thép TSC. Ngoài sự hỗ trợ kỹ thuật thép cho nhà cao tầng của Kyoei Sangyo, TSC còn học hỏi công nghệ thi công thép cầu đường của Tập đoàn Harris Rebar của Mỹ.
Gia công cấu kiện thép tại nhà máy. Ảnh: Đức Anh
Ý tưởng ban đầu về việc áp dụng phương pháp tối ưu cho thi công thép xây dựng đã trở thành giải pháp công nghệ mà Công ty cổ phần thép TSC đã thực hiện từ giữa năm 2017 đến nay.
Kể từ năm 2017, Công ty cổ phần thép TSC bắt đầu đi vào gia công, sản xuất cấu kiện thép theo giải pháp công nghệ mới của Nhật Bản. Thay cho việc cung cấp thép cây 11.7, TSC đã cung cấp theo bản vẽ thi công. Các đơn hàng được gia công, sản xuất tại nhà máy trước khi chuyển đến công trình. Điểm đáng chú ý của giải pháp này chính là sử dụng Coupler nối thép thay cho cách buộc truyền thống.
Theo phương pháp nối thép Coupler: 2 thanh thép được nối đồng tâm nên hoạt động như một thanh cốt thép có độ dài liên tục. Điều này không xảy ra gián đoạn khi truyền tải lực. Bên cạnh đó, cường độ múi nối không phụ thuộc vào cường độ bê tông hoặc độ kết dính giữa bê tông và cốt thép. Múi nối có chu trình chịu lực tốt ngay cả khi lớp bê tông bảo vệ bị phá hủy dưới tác động của tải trọng chu kỳ.
Trong khi đó, phương pháp truyền thống lâu nay là thép được nối lệch tâm. Theo đó, khi cần nối thêm độ dài của cây thép để đáp ứng theo thiết kế công trình, 2 đoạn sẽ được cố định, gắn kết với nhau bằng cách chằng buộc. Một công thức được đưa ra cho phương pháp này là: 30-40cm x D. (Trong đó D là đường kính thép). Giả sử với thép phi 30 thì độ dài của đoạn nối sẽ là 40×30=120cm. Phương pháp lệch tâm này khiến cho sự truyền tải lực không được thực hiện trực tiếp mà sẽ gián tiếp thông qua bê tông. Vì vậy, cường độ chịu lực của múi nối phụ thuộc vào cường độ bê tông và độ kết dính giữa bê tông và cốt thép. Thêm nữa, với phương pháp truyền thống, sẽ vừa lãng phí thép vừa mất thời gian trong thi công.
Việc áp dụng mô hình gia công thép theo công nghệ Nhật Bản đã đưa Công ty cổ phần thép TSC lên đơn vị đầu tiên không chỉ của Việt Nam mà cả Đông Nam Á áp dụng giải pháp kỹ thuật này. Thực tế còn cho thấy, phương pháp gia công, sản xuất thép theo phương pháp mới còn giúp công trình tiết kiệm 7-10%. Bên cạnh đó, việc thi công lắp đặt theo phương pháp công nghiệp, trụ, dầm, sàn, vách (đối với nhà cao tầng); Khoan cọc nhồi, bệ, thân, xà mũ đối với công trình cầu được sản xuất trong nhà máy, đến công trường chỉ ghép nối với nhau nên đẩy nhanh tiến độ gấp 5 lần thông thường. Và quan trọng hơn, độ chính xác, độ bền, chất lượng của công trình luôn đáp ứng yêu cầu tối ưu.
Cũng theo ông Lê Quang Trung, mỗi line dây chuyền gia công thép công suất 100 tấn/ngày của hãng TOYO Nhật Bản phải đầu tư 15 tỷ đồng. Đến nay phòng công ty đã nội địa hóa được với tỷ lệ 30%, và trong tương lai gần con số này sẽ là 80%.
Ngoài việc thầu và thi công thép, TSC còn cố vấn kết cấu cho nhà cao tầng, cầu đường sử dụng bê tông cốt thép mác cao, tiết kiệm cho chủ đầu tư hàng chục tỷ đồng.
TSC cũng đi đầu trong việc nghiên cứu, sản xuất dây chuyền công nghệ mới. Mới đây, để thi công thép công nghệ cao công ty đã sử dụng móc cẩu đặc biệt. Móc cẩu này nếu mua từ Nhật phải chi phí hàng chục ngàn đô la, tuy nhiên sau khi nghiên cứu, công ty đã sản xuất thành công với chi phí chỉ 10 triệu đồng, nhờ vậy tiết kiệm hàng trăm triệu đồng.
“Bằng phương pháp này chúng tôi đã thi công, lắp đặt thành công nhiều công trình tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An, các công trình cầu ở bản Sắn, bản Chiềng, bản Quang (huyện Quỳ Châu – Nghệ An) cũng được thi công theo phương pháp này” – bà Nguyễn Thu Hà, Phó Giám đốc Công ty cổ phần thép TSC cho biết.
Trong chiến lược phát triển, sau thành công ở TP. Vinh, Công ty cổ phẩn thép TSC đã mở rộng quy mô sản xuất, các nhà máy đã có mặt tại nhiều địa phương trong cả nước, như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Và cuối tháng 3/2018 công ty sẽ chính thức khai trương nhà máy tại Khu công nghiệp Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Bước đầu nhà máy này sẽ sản xuất với công suất 100 tấn thép/ngày, tiếp sau đó, với 10 dây chuyền sẽ đạt công suất 1.000 tấn/ngày. “Theo kế hoạch, đến năm 2020 chúng tôi sẽ có mặt tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước với công suất bình quân đạt 50 tấn thép/ngày” – ông Lê Quang Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thép TSC chia sẻ.
Ông Trung cũng khẳng định, tầm nhìn của Công ty cổ phần thép TSC sẽ là nhà thầu thép hàng đầu châu Á với sứ mệnh tiết kiệm và tự động hóa ngành xây dựng.
Nguồn tin: Nghệ an