Giới trẻ đổi ‘gu’ để khám phá Tết Việt

Giới trẻ đổi ‘gu’ để khám phá Tết Việt


Thay vì đi du lịch ở nước ngoài những ngày nghỉ Tết, giới trẻ năm nay có xu hướng “trở về” những nơi mang đậm không khí Tết cổ truyền dân tộc. 

Tết Việt tại Hoàng thành Thăng Long thu hút giới trẻ và du khách.

“Tết Việt” rộn ràng khắp nơi

“Tết Việt” được diễn ra tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội từ ngày 22/1-24/2/2018. Du khách trong và ngoài nước sẽ được tham gia nhiều hoạt động thú vị như triển lãm tư liệu, di sản hình ảnh Tết nguyên đán từ xưa đến nay; trưng bày tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng; giới thiệu phong tục tập quán gói bánh chưng, làm hoa trang trí ngày Tết…

Tại sân trước Đoan Môn là hàng loạt các hoạt động mang đậm màu sắc của Tết Việt, giúp du khách hiểu về phong tục tập quán tại truyền thống dân tộc như: Đi cầu tre, kéo co, bập bênh, đánh đu, chơi goong, ném vòng, nhảy bao bố, xem biểu diễn Tứ linh… Trong những ngày Tết, bên cạnh món ăn cổ truyền, thú chơi cây cảnh, thú chơi câu đối thì những buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống cũng thu hút mọi người, mang lại nhiều niềm vui trong những ngày đầu xuân năm mới. Giới trẻ và du khách còn được tham gia gói bánh chưng, mua các sản phẩm truyền thống của Tết thông qua hình thức đổi phiếu, tham gia làm các đồ trang trí Tết, viết thư pháp… 

Không chỉ ở Hoàng Thành Thăng Long, giới trẻ và du khách còn tận hưởng không khí mang đặc trưng “Tết Việt” tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam. “Tết Việt” được tái hiện qua những điều giản dị và gần gũi: mâm ngũ quả, nồi bánh chưng, câu đối Tết, nhà tranh mái lá, ao sen, giếng đá ong…

Chợ hoa với nhiều loại cây cảnh phục vụ Tết, các ông đồ ngồi cho chữ ngày Xuân cùng các hoạt động thao diễn tay nghề của các nghệ nhân đến từ các làng nghề truyền thống như: hoa giấy Thanh Tiên (Huế), chạm bạc Châu Khê (Hải Dương), làm đèn lồng (Thường Tín – Hà Nội), mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội), làm chuồn tre (Thạch Thất – Hà Nội), chằm nón Chuông (Thanh Oai – Hà Nội)… Độc đáo hơn, giới trẻ và du khách có thả hồn mình vào “Tết Việt” tại vùng quê thanh bình.

Ở đó, du khách tham gia hoạt động đón Tết vốn thân thuộc với người Việt ấy nhưng bắt đầu trở nên xa lạ với cuộc sống đô thị nhộn nhịp. Họ sẽ chứng kiến, tự tay thực hiện quy trình giã giò bằng tay, mài mực viết thư pháp và không khí cả làng ngồi quây quần nấu bánh chưng Tết. Đặc biệt, một không gian văn hóa cộng đồng mang đậm nét xưa như: Trình diễn áo dài nam truyền thống, chiếu chèo giữa sân đình cũng được tổ chức để đón xuân. 100% kinh phí thực hiện chương trình đều do các hội viên của nhóm đóng góp. 

Không chỉ nhóm Đình làng Việt luôn trăn trở về việc làm thế nào để gìn giữ trọn vẹn phong vị Tết truyền thống mà hiện nay còn có nhiều trường học, câu lạc bộ tình nguyện vẫn thường xuyên tổ chức các buổi dạy gói bánh chưng cho học sinh vừa để vui chơi, vừa giúp các bạn trẻ biết cách làm một chiếc bánh đặc sản truyền thống. 

Giới trẻ, Việt kiều “hò nhau” đi thưởng lãm không khí xuân

Nhiều bạn trẻ đã “hò nhau” trên mạng xã hội đi tour thưởng lãm “Tết Việt” ở khắp mọi miền đất nước. Giới trẻ không còn mặn mà đi du lịch nước ngoài mà háo hức đón Tết Việt khiến cho nhiều du khách nước ngoài và Việt kiều cũng rộn ràng về nước hưởng không khí Tết.  Theo đánh giá của các công ty du lịch, thị trường khách Việt kiều về nước nghỉ Tết, du xuân bắt đầu có dấu hiệu nóng dần lên. Các hãng lữ hàng chộn rộn đón khách Việt kiều tại Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Úc, Trung Quốc.

Đối với kiều bào nói chung, dịp Tết âm lịch không chỉ là khoảng thời gian được đoàn viên, quây quần bên gia đình bạn bè để đón chào năm mới mà đây còn là cơ hội để khám phá văn hóa vùng miền quê hương, bởi đa số kiều bào chỉ về thăm quê vào dịp Tết đến, Xuân sang. Các địa danh gắn liền với những giá trị lịch sử hay đình, chùa; cảnh sắc thiên nhiên phong phú được dự báo là điểm đến được nhiều du khách Việt kiều yêu thích trong đó có những nơi diễn ra Tết Việt đậm sắc màu truyền trống.

Du khách Việt kiều về đón Xuân tại quê hương được các hãng lữ hành phục vụ riêng chùm tour Xuân với quê hương với hành trình trải khắp từ Nam ra Bắc: Xuân về trên đất phương Nam, Xuân trên đất Bắc, Xuân về miền sơn cước. “Điện Biên mùa xuân về”, “Rộn rã xuân Tây Bắc”, hay các tour khám phá hành trình di sản miền Trung Huế, Hội An, Đà Nẵng… hoặc xuất hành đầu xuân đi lễ chùa: Ngắm non nước vào Xuân, Viếng chùa đầu năm… “Du xuân phương Nam, rước Tết về nhà” đưa du khách trong nước và Việt kiều ngoạn cảnh làng hoa, chợ hoa xuân Nam Bộ, xem người dân địa phương chuẩn bị đón Tết, trải nghiệm homestay – đến tận nhà dân xem gói, nấu bánh tét, bánh ít… và mua các đặc sản địa phương về làm quà Tết. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2019 cho hay, Tết cổ truyền của người Việt có những nét đẹp, đặc trưng, khó có thể hòa lẫn. Đây là dịp để mọi người nhắc đến niềm vui hạnh phúc và cầu mong sự bình an. Việc nhiều nơi tổ chức Tết Việt đã hòa quyện Tết xưa và Tết nay góp phần lưu giữ được văn hóa truyền thống của dân tộc trong nhịp sống mới của xã hội hiện đại. Giá trị truyền thống không đóng băng mà luôn bổ sung văn hóa mới có như thế mới lôi cuốn giới trẻ và du khách.

Nguồn: BPL

HOTLINE