Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ với hàng loạt các công trường xây dựng được triển khai. Đáng nói, trong quá trình xây dựng, nhiều phương tiện đi ra từ các công trình này vì che chắn sơ sài đã “xả” ra không ít bụi đất, khiến môi trường ô nhiễm, đe dọa an toàn giao thông cho các phương tiện.
Trục đường 427, nối từ khu đô thị Xa La (Hà Đông) đi huyện Thanh Oai phủ đầy bùn đất, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Bụi bẩn và xuống cấp
Suốt nhiều tháng nay, người dân đi qua trục đường 427, nối từ khu đô thị Xa La (Hà Đông) đi huyện Thanh Oai, qua địa bàn các xã Cự Khê, Tam Hưng, Mỹ Hưng… có thể dễ dàng chứng kiến cảnh những vệt bùn đất trải dài, án ngữ trên mặt đường. Không chỉ vậy, suốt gần 1km đoạn giáp ranh với xã Cự Khê, mỗi khi xe trọng tải lớn chạy qua, cả cung đường lại chìm trong bụi bặm.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, tại cung đường trên, do thời tiết chuyển mưa nên thay vì cảnh bụi bặm thường thấy, mặt đường bám đầy bùn đất chuyển sang nhớp nháp, trơn trượt. Tình trạng này đặc biệt nhức nhối ở khu vực đang triển khai xây dựng một số hạng mục tại khu đô thị mới Thanh Hà – Cienco 5.
Tại đây, ngoài phần lòng đường phủ đầy đất sỏi thì sát bên vệ đường, lượng bùn đất cũng ken đặc, dày từ 3 – 10cm. Theo người dân địa phương, đã có không ít phương tiện giao thông trượt ngã vì bùn đất trên cung đường này. Qua ghi nhận, nhiều xe chở đất, đá, vật liệu đi ra từ công trường, do không đảm bảo khâu đoạn phụt rửa bằng nước, lại che chắn sơ sài nên đã cuốn theo nhiều bụi đất ra đường.
Giống như đường 427, một tuyến “cửa ngõ” khác là Đại lộ Thăng Long cũng thường xuyên hứng chịu cảnh đá sỏi rơi vãi và “phế thải tặc” hoành hành. Với đặc thù là tuyến nút giao với đường Phạm Hùng (Nam Từ Liêm) đi qua địa phận các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất… nên 2 nhánh đường gom của Đại lộ thường xuyên có xe trọng tải lớn chở vật liệu xây dựng từ khu vực nội thành ra vào.
Liên quan đến tình trạng đổ trộm phế thải và rơi vãi bùn đất liên tục tái diễn trên đoạn đường này, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phòng Truyền thông, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội – đơn vị được thành phố giao nhiệm vụ duy trì vệ sinh môi trường trên Đại lộ Thăng Long cho biết: Tại trục Đại lộ Thăng Long đơn vị thường xuyên duy trì trên 100 người dọn dẹp mỗi ngày. Tuy nhiên, dù đã rất cố gắng song vẫn dọn dẹp không xuể lượng rác, phế thải xây dựng đổ trộm. Hơn 2 tháng trước, riêng trên 2 nhánh đường gom, đơn vị đã dọn dẹp được gần 1.000 khối đất thải.
Không chỉ phải gánh chịu bụi bẩn, nhiều khu vực nơi có các công trình xây dựng, đường giao thông trở nên nhếch nhác, xuống cấp. Trục đường giao thông Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung nơi triển khai xây dựng đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là một ví dụ. Tại trục đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), sau khi đơn vị thi công tháo dỡ rào chắn, bề mặt đường xuất hiện nhiều vệt hằn lún, lồi lõm khiến người tham gia giao thông gặp không ít khó khăn.
Đâu là giải pháp?
Cần phải khẳng định, ô nhiễm môi trường, đường xá xuống cấp mà nguyên nhân bắt nguồn từ các khu vực công trường đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân Thủ đô. Trong nhiều văn bản pháp lý liên quan cũng quy định khá chi tiết việc xử lý vi phạm.
Chẳng hạn, Điều 20, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng chỉ rõ: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Để dầu nhờn, hóa chất rơi vãi xuống đường bộ; Chở hàng rời, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi; chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; Lôi kéo bùn, đất, cát, nguyên liệu, vật liệu hoặc chất phế thải khác ra đường bộ gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Tương tự, tại Khoản 2, Điều 20, Nghị định 155/2016/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng đề cập: Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông…
Dẫn như vậy để thấy rằng, hành lang pháp lý về vấn đề liên quan đã khá cụ thể, tuy nhiên với tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ xây dựng dày đặc như ở Hà Nội hiện tại, nếu chỉ xử lý “phần ngọn” theo kiểu phát hiện, ngăn chặn, dọn dẹp thì không thể giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Nói cách khác, để giải quyết tận gốc hiện tượng trên, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bên liên quan như: Sở Xây dựng, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông. Đặc biệt, cần có những quy định ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của đơn vị xây dựng trên địa bàn với việc đổ hoặc làm rơi vãi phế thải xây dựng. Với các phương tiện di chuyển vào khu vực xây dựng, áp dụng việc phun, rửa phương tiện ra vào công trường… cũng cần phải được đơn vị thi công tuân thủ và thực hiện nghiêm chỉnh.
Nguồn: BPL