Hàng loạt cổ phiếu lớn bất ngờ bứt phá, thị trường đảo chiều ngoạn mục

Hàng loạt cổ phiếu lớn bất ngờ bứt phá, thị trường đảo chiều ngoạn mục


Dòng tiền đang có dấu hiệu chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản. Các mã như DXG, QCG, SCR, CEO… đều đồng loạt tăng trần.

Thị trường chứng khoán phiên hôm nay đã đem lại cho nhà đầu tư rất nhiều cảm xúc. Tưởng chừng như thị trường sẽ kết thúc trong sắc đỏ của hai chỉ số chính khi mà áp lực bán liên tục duy trì ở mức cao trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch. Tuy nhiên về cuối phiên, diễn biến thị trường gần như quay 180 độ, cả hai chỉ số đều đảo chiều tăng điểm trở lại. Trong đó, những ‘tội đồ’ ở đầu phiên như BID, BVH, FPT, GAS, VJC, VPB… đều ‘sửa sai’ vào phút chót và góp công lớn đẩy hai chỉ số tăng điểm trở lại.

Cụ thể, BID bất ngờ tăng mạnh 1.400 đồng (4,05%) lên 36.000 đồng/CP và khớp lệnh 3,3 triệu cổ phiếu. FPT tăng 3.700 đồng (6,14%) lên 64.000 đồng/CP. Mới đây, FPT đã công bố KQKD năm 2017 với lợi nhuận trước thuế (LNTT) tăng 41% đạt 4.249 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.522 tỷ đồng, tăng 37%. VJC cũng tăng trở lại 5.500 đồng (2,9%) lên 195.000 đồng/CP và khớp lệnh 1,8 triệu cổ phiếu. Tương tự như FPT, động lực giúp VJC đảo chiều phiên hôm nay là nhờ KQKD năm 2017 rất tốt vừa được công bố. Lợi nhuận trước thuế 2017 của VJC đạt gần 4.755 tỷ đồng, tăng 75,9% so với năm 2016 và vượt 26% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 4.527 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 10.065 đồng.

Một điểm đáng chú ý trong phiên hôm nay là việc dòng tiền đang có dấu hiệu chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản. Các mã như DXG, QCG, SCR, CEO… đều đồng loạt tăng trần. Ngoài ra, còn rất nhiều cổ phiếu bất động sản khác cũng bứt phá rất mạnh và giao dịch sôi động.

Chiều ngược lại, sắc đỏ ở nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như PLX, PVD, ROS, VCB, MSN… vẫn tạo áp lực tương đối lớn lên hai chỉ số. PLX giảm 2.300 đồng (-2,51%) xuống 89.500 đồng/CP. VCB giảm 1.000 đồng (-1,47%) xuống 67.000 đồng/CP và khớp lệnh 2,8 triệu cổ phiếu.

Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với các phiên trước, với tổng khối lượng giao dịch đạt413 triệu cổ phiếu, trị giá lên đến 10.700 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm khoảng 1.300 tỷ đồng. STB và SHB vẫn chia sẻ hai vị trí dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh trên HOSE và HNX, trong đó, STB khớp lệnh 30 triệu cổ phiếu, còn SHB là 22,2 triệu cổ phiếu.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,76 điểm (0,07%) lên 1.110,56 điểm. Toàn sàn có 129 mã tăng, 144 mã giảm và 54 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 0,01 điểm (0,01%) lên 127,36 điểm. Toàn sàn có 70 mã tăng, 80 mã giảm và 198 mã đứng giá.


Thị trường phiên giao dịch sáng nay khiến nhà đầu tư đứng ngồi không yên. Áp lực bán đã đẩy hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường lao dốc, trong đó, phần lớn các cổ phiếu ngân hàng đều giảm giá sâu như BID, CTG, MBB, VCB… Trong đó, BID giảm 800 đồng (-2,31%) xuống 33.800 đồng/CP và khớp lệnh 2 triệu cổ phiếu. CTG giảm 900 đồng (-3,18%) xuống 27.400 đồng/CP và khớp lệnh 4,5 triệu cổ phiếu.

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, STB và SHB là hai mã đi ngược lại xu hướng chung khi đồng loạt tăng và giao dịch vẫn rất sôi động. STB tăng 200 đồng (1,19%) lên 16.950 đồng/CP và khớp lệnh 20,6 triệu cổ phiếu. SHB tăng nhẹ 100 đồng (0,75%) lên 13.400 đồng/CP và khớp lệnh 17,2 triệu cổ phiếu.

Ngoài ra, hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, VJC, HPG, PLX, GAS… đều giảm sâu và đẩy cả hai chỉ số lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi HAG và HNG không nằm ngoài xu hướng chung. HAG giảm 230 đồng (2,77%) xuống 8.070 đồng/CP và khớp lệnh 8 triệu cổ phiếu. HNG giảm 350 đồng (-3,92%) xuống 8.570 đồng/CP.

Thanh khoản thị trường vẫn ở mức cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 246 triệu cổ phiếu, trị giá 6.000 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 650 tỷ đồng.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 12,62 điểm (-1,15%) xuống 1.097,18 điểm. Toàn sàn có 78 mã tăng, 186 mã giảm và 75 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 0,91 điểm (-0,71%) xuống 126,44 điểm. Toàn sàn có 41 mã tăng, 92 mã giảm và 225 mã đứng giá.


Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên giao dịch ngày thứ 3 với những diễn biến tiêu cực. Thị trường tiếp nối những diễn biến điều chỉnh ở phiên hôm qua và sụt giảm mạnh ngay từ những phút đầu của hiên giao dịch mới, có lẽ việc khối ngoại bất ngờ bán ròng trở lại đã tác động đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hôm nay cũng là phiên một lượng lớn cổ phiếu ngày 25/1 về tài khoản nhà đầu tư nên cũng gây áp lực khá lớn đến thị trường chung.

Đáng chú ý, tâm điểm của thị trường là nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí, đây là hai nhóm có mức tăng trưởng khá mạnh trước đó. Các cổ phiếu như BID, CTG, MBB, VCB, GAS, PVD… đều đang giảm khá sâu. BID sau chuỗi tăng rất mạnh thì đang điều chỉnh giảm 1.400 đồng (-4,05%) xuống 33.200 đồng/CP. CTG cũng giảm 600 đồng (-2,12%) xuống 27.700 đồng/CP. Trong nhóm VN-30 thời điểm đầu phiên không có cổ phiếu nào tăng giá và VN-Index giảm sâu đến 17 điểm

Mặc dù vậy, áp lực bán ngay sau đó có phần suy yếu trong khi lực cầu trở lại đã giúp phần nào kĩm hãm lại đà giảm của thị trường. STB tăng trở lại 50 đồng (0,3%) lên 16.800 đồng/CP và khớp lệnh hơn 5,9 triệu cổ phiếu. BVH tăng 800 đồng lên 82.000 đồng/CP. Các mã ngân hàng như BID, CTG, MBB, VCB… cũng thu hẹp đáng kể đà giảm.

Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, PMG có phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp tăng trần kể từ ngày chào sàn HOSE và đang có mức giá là 20.500 đồng/CP.

Sau khoảng 35 phút giao dịch, VN-Index giảm 9,25 điểm (-0,84%) xuống 1.100,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 39 triệu cổ phiếu, trị giá 1.150 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,77 điểm (-0,6%) xuống 126,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 20,5 triệu cổ phiếu, trị giá 345 tỷ đồng.

SSI Retail Research cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh và kiểm định mức 1100 điểm của chỉ số VN-Index và 1085 điểm của chỉ số VN30. Đồng thời, theo hệ thống chỉ báo kỹ thuật ngắn hạn, rủi ro ngắn hạn tiếp tục tăng dần và xu hướng tăng ngắn hạn có thể sẽ chững lại hoặc đồ thị giá của các chỉ số chính có thể sẽ bước vào giai đoạn tích lũy. Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục giảm cho thấy cơ hội tìm kiếm lợi nhuận vẫn còn thấp và sự phân hóa sẽ còn tiếp diễn.

Hệ thống chỉ báo xu hướng của cúng tôi vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và giữ mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 1059,18 điểm của chỉ số VN30 và 123.0 điểm của chỉ số HNX-Index. Đồng thời, chỉ số VNSmallcaps cũng đã bị hạ mức xu hướng ngắn hạn từ tăng xuống giảm. Do đó, SSI Retail Research khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn không nên mở vị thế mua mới và ưu tiên hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức khuyến nghị, chủ yếu nắm giữ các cổ phiếu Largecaps vẫn duy trì xu hướng tăng.

Nguồn: NDH

HOTLINE