Hiệp định CPTPP – Cơ hội và thách thức

Hiệp định CPTPP – Cơ hội và thách thức


Sau nhiều nỗ lực không mệt mỏi, 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đặt bút ký vào văn bản cuối cùng của hiệp định này tại Chile. 

Hình minh họa

Đây được đánh giá là cơ hội tạo cầu nối hội nhập cho các nền kinh tế ở hai bên bờ Thái Bình Dương, thúc đẩy thương mại đa phương và xóa bỏ chủ nghĩa bảo hộ song cũng đặt ra không ít thách thức đối với các nước tham gia. 

Chính thức được ký kết

Rạng sáng 9/3/2018 (theo giờ Việt Nam), lễ ký kết Hiệp định CPTPP đã diễn ra tại thủ đô Santiago de Chile dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Michelle Bachelet. Tham gia lễ ký có đại diện 11 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã tham gia lễ ký.

Thỏa thuận tự do thương mại đầy tham vọng này được khởi động đầu năm 2017 sau khi Mỹ rút lui khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) về cơ bản vẫn giữ nguyên nội dung so với phiên bản gốc và chỉ tạm hoãn thực thi 20 điều khoản nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên. Cũng như TPP, CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao.

Hiệp định CPTPP bao gồm 30 chương không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại, đầu tư… mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như môi trường, thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước … 

Ngoài ra, hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.CPTPP sẽ có hiệu lực trong 60 ngày sau khi có ít nhất 6 quốc gia tham gia hoàn tất các thủ tục phê chuẩn. 

Hình minh họa

Phát biểu tại lễ ký kết, Tổng thống Chile Bachelet tuyên bố, Hiệp định CPTPP được ký kết là một cam kết về sự hội nhập và là một tín hiệu rõ ràng chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Bà Bachelet bày tỏ vui mừng về sự ra đời của CPTPP sau những nỗ lực không biết mệt mỏi của tất cả các nước tham gia, đồng thời cho rằng hiệp định này cũng là một thông điệp gửi tới tất cả các nước muốn giới hạn thương mại và làm giảm đi những cơ hội phát triển của các nước khác. Theo nhà lãnh đạo Chile, CPTPP là một hình mẫu hợp tác đa phương đầy tham vọng và chiến lược trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay. 

Ngoại trưởng Chile Healdo Muños thì khẳng định CPTPP được ký kết đã phát đi một tín hiệu vào thời điểm rất phù hợp bởi vì tất cả đều nhận thức được những áp lực của chủ nghĩa bảo hộ có thể dẫn đến điều không ai mong muốn, đó là một cuộc chiến tranh thương mại. Ngoại trưởng Muños cho biết, các nước tham gia ký kết CPTPP hy vọng tiến bộ và tăng trưởng kinh tế sẽ đến với tất cả, đồng thời là tín hiệu mạnh mẽ đối với những áp lực bảo hộ vì một nền thương mại thế giới mở, không có trừng phạt đơn phương và cũng không có đe dọa về chiến tranh thương mại.

Trong khi đó, Quốc vụ khanh phụ trách Chính sách Kinh tế và Tài chính Nhật Bản Toshimitsu Motegi đánh giá, bất chấp những thách thức đa dạng và khó khăn, CPTPP là một thành tựu lịch sử giúp tạo ra những quy tắc tự do và công bằng trong thế kỷ 21 ở châu Á-Thái Bình dương. Về khả năng Mỹ có thể quay trở lại hiệp định, ông Motegi bày tỏ sẵn sàng mở cửa đón chào bởi CPTPP không phải một thỏa thuận chống một nước nào đó, đồng thời khẳng định không chỉ có Mỹ mà bất cứ nước nào muốn đều có thể tham gia, nếu chấp nhận những điều khoản cam kết của hiệp định.

Ông Motegi cũng cho rằng sức mạnh của CPTPP sẽ trở thành công cụ tiếp sức cho thương mại quốc tế, giúp thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và giảm thiểu đói nghèo.

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada Francois-Philippe Champagne cũng khẳng định rất tự hào vì đã chứng minh được cho thế giới thấy rằng thương mại tiến bộ chính là con đường lựa chọn đúng đắn cho tương lai.

Theo Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo, CPTPP đã mở ra cơ hội lớn giúp nước này thiết lập quan hệ thương mại tự do với nhiều đối tác mới, bao gồm Australia, New Zealand, Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam.

Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đánh giá rất cao về chất lượng của Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới và khẳng định, với việc Hiệp định CPTPP được ký kết, các quốc gia thành viên nhận được không chỉ là những lợi ích trước mắt và đơn thuần về thương mại trong việc dỡ bỏ các rào cản quan thuế và cũng như một số lĩnh vực khác, mà vấn đề cơ bản là những động lực mà hiệp định này sẽ mang lại cho sự phát triển của bản thân mỗi nước về các khía cạnh về kinh tế, chính trị, xã hội.

Cơ hội và thách thức

Phải khẳng định rằng việc ký kết Hiệp định CPTPP đã thể hiện quyết tâm cao của tất cả 11 nước tham gia đàm phán nhằm đi đến một thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước. Hiệp định này không chỉ nhắm tới các vấn đề thương mại và thị trường, mà cả vấn đề pháp lý và thể chế, đòi hỏi cải cách, đổi mới trong quan điểm về thương mại, cũng như vấn đề pháp lý và hành chính, tạo cơ hội và động lực tích cực cho sự phát triển, cả về kinh tế và xã hội.

Với việc tiếp cận thị trường một cách toàn diện, bảo đảm sự dịch chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, vốn và công nghệ thông qua việc cam kết cắt giảm hàng rào thuế quan, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của nhà nước, CPTPP được dự báo sẽ đem đến nhiều cơ hội mới cho sản xuất kinh doanh cũng như người lao động và tiêu dùng trong phạm vi các nước thành viên. 

Hình minh họa

Bên cạnh đó, việc CPTPP chính thức được ký kết đem lại tăng trưởng kinh tế và lợi ích xã hội, tạo ra những cơ hội mới cho người lao động và doanh nghiệp, góp phần nâng cao mức sống, lợi ích người tiêu dùng, giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng bền vững; thắt chặt tình hữu nghị và hợp tác giữa chính phủ và người dân của các nước ký kết. 

Sau khi có hiệu lực, hiệp định CPTPP sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại thuộc hàng lớn nhất thế giới, với một thị trường lên tới 500 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10.000 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn cầu và chiếm 15% tổng thương mại toàn cầu. Cùng với đó, việc loại bỏ một số điều khoản của TPP, đặc biệt là những điều khoản liên quan đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong khu vực, CPTPP đang hấp dẫn các nền kinh tế trong khu vực. Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) đã cân nhắc những lợi ích của việc gia nhập CPTPP. 

Ngoài ra, Anh cũng đã nhiều lần thể hiện ý muốn tham gia CPTPP sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Chính sự hấp dẫn đó cũng đang góp phần mở ra khả năng quay trở lại CPTPP của Mỹ. Sau khi Tổng thống Donald Trump để ngỏ việc Mỹ có thể quay trở lại CPTPP hồi tháng 1 vừa qua, nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đã gửi thư tới nhà lãnh đạo Mỹ, kêu gọi đưa nước Mỹ quay trở lại bàn đàm phán hiệp định này. 

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, các nước thành viên CPTPP cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức sau khi hiệp định có hiệu lực. Trên thực tế, việc Mỹ rút khỏi TPP – tiền thân của CPTPP, đã khiến tiềm năng kinh tế của các nước tham gia hiệp định này bị giảm sút. Việc Mỹ tham gia TPP sẽ giúp tổng xuất khẩu của 12 nước thành viên đạt khoảng 26,6% thương mại toàn cầu, trong đó có khoảng 11,4% đến từ thương mại nội khối, song việc thiếu vắng Mỹ đã khiến tổng xuất khẩu của 11 nước còn lại giảm còn 15,2% thương mại toàn cầu và 2,3% đến từ nội khối. 

Không chỉ vậy, việc xóa bỏ các hàng rào thuế quan sẽ khiến áp lực cạnh tranh gia tăng giữa các nước thành viên, buộc các nước thành viên nói chung và doanh nghiệp nói riêng phải chuyển đổi, tái cơ cấu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu không làm được điều này, nhiều doanh nghiệp nhất là ở những nước đang phát triển có nguy cơ thất bại trên chính thị trường nội địa, dẫn đến bị giải thể. Hệ quả là nhiều người lao động bị mất việc làm và khoảng cách giàu nghèo sẽ gia tăng.

Ngoài ra, do CPTPP là thỏa thuận tự do thương mại với những tiêu chuẩn cao, với nhiều nội dung ràng buộc, chắc chắn các nước sẽ gặp không ít khó khăn trong quá trình thực thi, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng bảo hộ thương mại và chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới. 

Để có thể vượt qua những khó khăn, duy trì và phát huy tối đa hiệu quả CPTPP, các nước thành viên cần tận dụng tốt cơ hội khai thác thị trường, chủ động thực thi cam kết hội nhập gắn với nền kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lấy cạnh tranh là động lực đổi mới và phát triển.

Nguồn: BPL

HOTLINE