Hiệp hội Thép: ‘Sẽ khởi kiện ra WTO nếu Mỹ vẫn quyết đánh thuế trừng phạt thép Việt’

Hiệp hội Thép: ‘Sẽ khởi kiện ra WTO nếu Mỹ vẫn quyết đánh thuế trừng phạt thép Việt’


Kết luận áp thuế trừng phạt của Bộ Thương mại Mỹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam, điều này sẽ gần như tạo ra một hàng rào chặn đứng việc xuất khẩu các sản phẩm thép của Việt Nam vào Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đưa ra quyết định sơ bộ trong vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, DOC sơ bộ khẳng định Việt Nam có lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với hai sản phẩm thép, cho rằng các sản phẩm này được nhập khẩu từ Trung Quốc qua Việt Nam sau đó xuất khẩu sang Mỹ. Dự kiến, DOC sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra này vào ngày 16/2 tới.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, kết luận này của DOC hoàn toàn không phù hợp với pháp luật quốc tế và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp thép Việt Nam.

Đại diện VSA cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư hàng trăm triệu USD với dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm thép cán nguội và tôn mạ có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ, Nhật Bản,… tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng đáng kể trong quá trình sản xuất, không phải chỉ gia công sơ bộ để xuất khẩu sang Mỹ.

TheLEADER đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam về vấn đề này cũng như những thách thức đối với ngành thép Việt Nam trong thời gian tới.

Hiệp hội Thép Việt Nam nhìn nhận như thế nào trước kết luận sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ trong vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Sưa: Hiệp hội Thép Việt Nam đã có công văn và kiến nghị gửi lên Chính phủ, trực tiếp là Bộ Công thương để có những phản ứng với quyết định của Mỹ vì quyết định này vi phạm thông lệ quốc tế, các quy định trong WTO và chính bản thân luật pháp Mỹ.

Nếu như Mỹ vẫn quyết định áp dụng mức thuế mới, hiệp hội sẽ có văn bản gửi sang để phản đối. Trong trường hợp cần thiết cần phải xem xét đưa ra khởi kiện tại WTO.

Tuy nhiên những vấn đề về thương mại quốc tế thường rất phức tạp. Việt Nam luôn muốn hội nhập trong khi năng lực về luật pháp của chúng ta vẫn còn hạn chế do đó cần sự hỗ trợ từ các chuyên gia và luật sư nước ngoài. Việc triển khai cũng không thể nhanh và không thể nói là làm được.

Kết luận sơ bộ của Bộ thương mại Mỹ (DOC) sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngành thép Việt Nam trong ngắn hạn, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Sưa: Kết luận này của DOC sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam.

Nếu DOC không có thay đổi trong thông báo cuối cùng, thép Việt Nam sẽ bị áp thuế lẩn tránh đối với thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp. Việc áp thuế này ở mức độ rất cao, khoảng trên 200% đối với sản phẩm thép cuộn cán nguội và trên 500% đối với thép tôn mạ.

Điều này sẽ gần như tạo ra một hàng rào chặn đứng việc xuất khẩu các sản phẩm thép của Việt Nam vào Mỹ. Hiện nay, Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của thép Việt Nam, chiếm khoảng 11%.

Vừa qua có nhiều thông tin cho biết một khối lượng lớn thép Trung Quốc đã đội lốt thép Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh thuế chống bán phá giá, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Sưa: Một số thông tin được đưa trên báo chí nước ngoài trong thời gian vừa qua cho rằng 90% thép Việt Nam vận chuyển sang Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc là không chính xác vì thực tế chỉ có một số lượng rất ít.

Trong vấn đề này, Việt Nam dễ dàng giải quyết được vì từ năm nay chúng ta đã có thể sản xuất đủ số lượng thép cuộn cán nóng để sản xuất các sản phẩm thép khác, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ 100% Việt nam.

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay vẫn là mục 232, Đạo Luật Mở rộng thương mại năm 1962 quy định về việc Tổng thống Hoa Kỳ có thể áp dụng biện pháp hạn chế đối với hàng nhập khẩu (restrictions on imports) vì lý do an ninh quốc gia.

Đây là một đạo luật không có tiêu chí định lượng để đánh giá đúng hay sai nên thép Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang Mỹ.

Từ năm 2018, thuế nhập khẩu thép từ Trung Quốc sang các nước ASEAN được giảm về 0%. Theo ông điều này có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sản xuất thép trong nước?

Ông Nguyễn Văn Sưa: Khi thuế giảm về 0%, thép từ Trung Quốc vào các nước ASEAN và Việt Nam có thể sẽ tăng lên. Lúc này, Việt Nam cần có những biện pháp để ứng xử.

Cụ thể, cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa để có thể cạnh tranh với thép Trung Quốc; sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Theo ông, các biện pháp phòng vệ thương mại có vai trò như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Sưa: Trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các công cụ phòng vệ thương mại được sử dụng nhiều và thành thạo. Chúng ta cần ứng xử kịp thời để giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra.

Sản phẩm thép của các nước cũng sẽ tràn vào Việt Nam. Nếu chúng ta không có biện pháp phòng vệ, cạnh tranh giữa thép trong nước và thép nước ngoài nhập vào Việt Nam sẽ rất gay gắt. Thực tế trong năm 2017, Việt Nam đã tham dự phòng vệ thương mại khá hiệu quả.

Cụ thể, khối lượng phôi thép từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam năm 2015 là hai triệu tấn. Mặc dù trong tháng Ba đã áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhưng 1,2 triệu tấn phôi thép đã kịp nhập vào Việt Nam trong năm 2016 và trong năm ngoái con số này chỉ còn vài trăm nghìn tấn, trong đó chủ yếu là phôi dẹt để cán thép tấn; thép xây dựng hầu như không còn.

Trong năm 2016, Việt Nam nhập khẩu tới 1,8 triệu tấn tôn mạ. Sau khi áp dụng thuế phòng vệ thương mại, nhập khẩu tôn mạ đã giảm đi rất nhiều, chỉ còn khoảng 1,2 triệu tấn trong năm ngoái.

Việc Trung quốc đẩy mạnh cắt giảm sản lượng thép có ảnh hưởng gì đến ngành thép Việt Nam?

Ông Nguyễn Văn Sưa: Năng lực sản xuất thép của Trung Quốc quá cao và sản xuất quá nhiều, vượt quá nhu cầu của nội địa. Việc cắt giảm để đảm bảo hiệu quả của ngành thép Trung Quốc sẽ phần nào ảnh hưởng đến Việt Nam.

Tuy nhiên trong năm 2017, giá thép của Trung Quốc tăng lên rất nhiều nên việc cạnh tranh với thép Việt Nam không còn quyết liệt như những năm trước.

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết sẽ mang lại những áp lực nào cho các doanh nghiệp Việt Nam nhất là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Sưa: Các FTA được ký kết đều hướng tới mục tiêu tự do hóa thương mại đồng thời tạo ra nhiều cơ hội và thách thức. Việt Nam cần hiều rõ thương mại quốc tế để có những ứng xử cần thiết.

Trong thời gian tới, ngành thép Việt Nam cần có định hướng xây dựng các doanh nghiệp lớn với sản lượng 7 – 10 triệu tấn/năm, có trình độ công nghệ cao, có năng lực quản trị tốt để nâng cao năng lực cạnh tranh của thép trong nước.

Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề vốn và thiết bị công nghệ. Trong năm qua một trong những điểm yếu của nền kinh tế là công tác giải ngân cho các dự án đầu tư công rất chậm và không đạt kể hoạch.

Chính phủ đã rút kinh nghiệm và có kế hoạch đẩy mạnh giải ngân cho các công trình đầu tư công, đây là một trong những địa chỉ tiêu thụ nhiều thép, hứa hẹn tạo nên thị trường tốt cho ngành thép Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn tin: Theleader

HOTLINE