Khi tỷ giá, lãi suất, CPI cùng nhìn một hướng

Khi tỷ giá, lãi suất, CPI cùng nhìn một hướng


Sẽ là không thừa khi chừa một chỗ cho CPI trên bàn cân quyền lực của tỷ giá và lãi suất. Hai tháng đầu năm nay CPI đã tăng 1,24% so với tháng 12 năm ngoái. Mức tăng 0,73% của CPI trong tháng 2-2018 là mức cao nhất của tháng Tết trong vòng bốn năm qua.

Trước Tết Nguyên đán hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đều tăng mạnh lãi suất tiết kiệm ngắn hạn dưới sáu tháng.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vốn là một trong những tổ chức tín dụng từ xưa đến nay có truyền thống huy động tiền gửi với lãi suất thấp. Thế nhưng trước Tết và cả sau Tết những khoản tiền gửi từ 10-20 tỉ đồng trở lên, khách hàng có thể được ACB trả lãi suất 6,7%/năm cho kỳ hạn sáu tháng.
Với những ngân hàng khác như Eximbank, Đông Á, Sacombank, VPBank, Bản Việt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn… lãi suất mà khách hàng được nhận cho số tiền gửi hàng tỉ đồng kỳ hạn sáu tháng đã vượt 7%/năm. Nơi cao nhất thậm chí tới 7,6-7,7%năm. Riêng kỳ hạn từ một đến ba tháng, cho bất kỳ khoản tiền gửi lớn/nhỏ các ngân hàng cổ phần áp dụng mức 5,3-5,5%/năm.

Sau Tết, mức lãi suất trên tiếp tục được duy trì. Rõ ràng nhu cầu huy động vốn cao của một số ngân hàng không chỉ để đáp ứng thanh khoản trước Tết mang tính chu kỳ. Việc lãi suất tiền gửi đi lên có thể lý giải bởi một số nguyên nhân.

Thứ nhất các ngân hàng cần vốn để đảm bảo tăng trưởng tín dụng cao, hầu hết được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận ở mức tối đa 18% năm 2018. Thứ hai có sự cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng. Có ngân hàng nâng lãi suất tiền gửi cho “bằng chị bằng em” vì không muốn khách hàng đáo hạn mang tiền đi gửi chỗ khác. Thứ ba một số ngân hàng đang có dư nợ cho vay tài chính tiêu dùng tăng vọt và sẵn sàng chấp nhận nâng lãi suất tiền gửi. Thứ tư lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng sau Tết đứng ở mức cao. Lãi suất qua đêm đã tiếp tục ở mức trên 3%/năm và chỉ đến ngày 1-3-2018 mới hạ xuống mức 1,18%/năm.

Liệu có mối tương thích nào khi VN-Index trong tháng 1-2018 tăng 12,8% và nước ngoài mua ròng mạnh; còn trong tháng 2-2018 VN-Index chỉ tăng 1% và nước ngoài bắt đầu chuyển sang bán ròng?

Sợi dây liên lạc giữa lãi suất và tỷ giá được thiết lập chặt chẽ hơn bao giờ hết. Tuần đầu tiên sau Tết, khi tỷ giá giao ngay giữa ngân hàng và doanh nghiệp có thời điểm vượt tỷ giá mua forward ba tháng của Ngân hàng Nhà nước (cụ thể 22.775 đồng/đô la Mỹ), nhà điều hành đã tránh để lãi suất tiền đồng liên ngân hàng quá thấp nhằm phòng ngừa đầu cơ tỷ giá. Hiện tại giá đô la Mỹ chuyển khoản bán ra của các ngân hàng vẫn được niêm yết ở 22.795 đồng, cao hơn khoảng 60-65 đồng/đô la Mỹ so với trước Tết.

Khó có thể dự đoán trước sự biến động ngắn hạn của tỷ giá hối đoái trong tầm ảnh hưởng của hai yếu tố. Ở trong nước, nhà điều hành đã nâng tỷ giá công bố hàng ngày từ 22.423 đồng/đô la Mỹ ngày 21-2-2018 lên 22.473 đồng/đô la Mỹ ngày 1-3-2018 tức tăng 50 đồng/đô la Mỹ.

Ở ngoài nước, cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 20-3-2018 có thể là thời điểm Fed chính thức tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm nay. Đồng đô la Mỹ đang và sẽ còn mạnh lên so với các đồng tiền chủ chốt quốc tế. Trong trường hợp tỷ giá đô – đồng ổn định, thì về bản chất đồng Việt Nam đã lên giá so với đô la Mỹ đặt trong mối tương quan biến động các đồng tiền khu vực và thế giới.

Một ghi nhận đáng lưu ý là sự đảo chiều tuy chưa mạnh nhưng đã xảy ra của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII). Theo dữ liệu của Hose, tháng 1-2018 nhà đầu tư nước ngoài mua ròng cổ phiếu 7.135 tỉ đồng trên sàn TPHCM; tháng 2-2018 mức mua ròng tụt xuống còn 2.534 tỉ đồng. Tháng này nếu không tính giao dịch thoả thuận mua 4.500 tỉ đồng cổ phiếu Vincom Retail thì khối ngoại đã bán ròng gần 2.000 tỉ đồng. Còn riêng tuần trước từ 26-2 đến 2-3-2018 nước ngoài bán ròng 1.170 tỉ đồng trên cả hai sàn Hose và Hnx – mức bán ròng mạnh nhất trong một tuần kể từ đầu năm 2015 của khối này.

Trên UpCom, nước ngoài đã bán mạnh cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn ngay khi BSR chào sàn. Không loại trừ khả năng họ sẽ còn bán ròng BSR để chốt lời trong thời gian tới, đồng thời bán ra PVOil và PVPower khi hai doanh nghiệp này đăng ký giao dịch trên UpCom tuần này và những tuần sau.

Giới quan sát cho rằng rất có thể NHNN sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt để đề phòng sự rút vốn (nếu có) của FII. Không giống như trước đây, vốn FII phần lớn là của các quỹ đóng, đầu tư lâu dài hoặc cam kết thời hạn đầu tư tính bằng năm. Hiện nay vốn FII chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc (nó có thể được huy động bởi các công ty quản lý quỹ châu Âu, Mỹ, nhưng vốn huy động là từ Trung Quốc hoặc một số nước lân cận), vào nhanh, ra cũng nhanh và chịu tác động trực tiếp của biến động trên thị trường tài chính thế giới.

Liệu có mối tương thích nào khi VN-Index trong tháng 1-2018 tăng 12,8% và nước ngoài mua ròng mạnh; còn trong tháng 2-2018 VN-Index chỉ tăng 1% và nước ngoài bắt đầu chuyển sang bán ròng? Tháng 2 vừa qua cũng là tháng biến động dữ dội của chứng khoán Mỹ và thế giới kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008.

Sẽ là không thừa khi chừa một chỗ cho CPI trên bàn cân quyền lực của tỷ giá và lãi suất. Hai tháng đầu năm nay CPI đã tăng 1,24% so với tháng 12 năm ngoái. Mức tăng 0,73% của CPI trong tháng 2-2018 là mức cao nhất của tháng Tết trong vòng bốn năm qua.

Sự lên xuống thất thường của giá hàng hóa năng lượng quốc tế khó dự báo, nhưng quan trọng là trong nước Bộ Tài chính đang đề xuất tăng phí môi trường trong giá bán lẻ xăng dầu lên mức tối đa. Đây mới là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến CPI. Kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4% như chỉ tiêu Quốc hội phê duyệt đang là một thử thách không nhỏ ngay từ quí 1 này.

Nguồn: NDH

HOTLINE