Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Sự kiện rất được chú ý là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời chất vấn trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo phương thức mới “hỏi nhanh, đáp gọn”.
Bộ trưởng Lê Thành Long trả lời chất vấn tại phiên họp 22.
Vấn đề được quan tâm của dư luận từ nhiều năm nay, từng được đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhiệm kỳ trước là liệu có lợi ích nhóm trong việc xây dựng chính sách pháp luật không? Nay, câu hỏi đó lại được đặt ra với Bộ trưởng Lê Thành Long và ông trả lời dứt khoát: “Nói lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách là khái quát hơi mạnh” và khẳng định có tình trạng “cái nhìn thuận lợi hơn” cho bộ, ngành mình.
Với chức năng là người “gác cổng” của Chính phủ trong lĩnh vực xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã làm rất tốt công việc này, chẳng hạn, việc loại bỏ các quy định về tổ chức cán bộ trong Pháp lệnh quản lý thị trường là một ví dụ và kịp thời “tuýt còi” các văn bản sai trái, có dấu hiệu của “tình trạng cái nhìn thuận lợi hơn” cho ngành mình.
Trên thực tế, việc lợi dụng pháp luật để thực hiện các động cơ cá nhân, vụ lợi xảy ra khá phổ biến. Thấy rõ nhất là tình trạng “làm nghề gì, ăn nghề nấy” trong các lĩnh vực quản lý đất đai, xử phạt hành chính trong xây dựng, giao thông, thương mại, cấp phép…
Nguy hại hơn là các hành vi “bảo kê” của một bộ phận người có chức vụ quyền hạn cho buôn lậu, tệ nạn xã hội mà điển hình là mới đây, một tướng ngành Công an có liên quan đến đường dây đánh bạc công nghệ cao. Một hiện tượng lợi dụng pháp luật khác diễn ra cũng khá thường xuyên là việc “tiếp tay” cho các hành vi lừa đảo hoặc lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản.
Trong các vụ án xét xử loại tội danh này thường thấp thoáng đằng sau nó bàn tay của các “quan chức” nhúng vào. Dẫn chứng gần đây nhất là vụ một ông Cục trưởng ngành Công an ký giấy cho doanh nghiệp trong việc xây dựng nhà ở xã hội khiến nhiều người tin vào đó mà bị lừa đảo mua căn hộ rồi mất tiền. Những vụ được phát hiện và đề nghị kỷ luật cán bộ của Ủy ban kiểm tra Trung ương mới đây cho thấy hành vi “tiếp tay” của cán bộ có chức vụ xuất hiện khá nhiều.
Không để lợi ích nhóm chi phối việc xây dựng chính sách pháp luật và đồng thời cũng không thể để những hành vi lợi dụng pháp luật xảy ra một cách ngang nhiên, phổ biến nữa. Những động thái chống tham nhũng quyết liệt mới đây mà tiêu biểu là hiệu lệnh phát ra từ Ban Bí thư cho thấy sẽ không có chỗ cho những hành vi này tái diễn.
Nguồn: BPL