Làm thế nào để kiếm lời với Covered Warrant?

Làm thế nào để kiếm lời với Covered Warrant?


Covered Warrant (CW – chứng quyền có đảm bảo) dự kiến ra mắt vào cuối năm 2017.

Cùng với chứng khoán phái sinh, sản phẩm Covered Warrant (CW – chứng quyền có đảm bảo) dự kiến ra mắt vào cuối năm 2017 tiếp tục là một sản phẩm hấp dẫn cho nhà đầu tư (NĐT) với khả năng mang lại lợi nhuận cao trên mức vốn bỏ ra ban đầu, trong khi rủi ro thua lỗ được giới hạn. Vậy sử dụng CW như thế nào để NĐT có thể kiếm lời?

“Luật chơi” CW tại Việt Nam như thế nào?

Dự kiến, thời gian đầu khi mới ra đời tại Việt Nam, chứng quyền có đảm bảo sẽ là quyền mua, với tài sản cơ sở là cổ phiếu, thực hiện quyền kiểu châu Âu và thanh toán tại ngày đáo hạn bằng chênh lệch tiền. Như vậy luật chơi CW ban đầu ở Việt Nam được hiểu:

Đối với CW mua, NĐT bỏ tiền mua quyền phí và sở hữu quyền mua chứng khoán cơ sở với mức giá được xác định trước tại thời điểm đáo hạn của chứng quyền. NĐT mua khi dự đoán chứng khoán cơ sở tăng giá. Nếu tại thời điểm đáo hạn, giá thanh toán CW cao hơn mức giá thực hiện đã ấn định thì NĐT sẽ được nhận lại bằng tiền phần chênh lệch giữa hai mức giá này.

Ngược lại, khi giá thanh toán CW thấp hơn mức giá thực hiện thì CW không có giá trị và phần thua lỗ của NĐT chỉ gói gọn trong giá trị quyền phí đã mua ban đầu sẽ bỏ quyền và mất chi phí cho việc dự đoán sai là toàn bộ tiền đã bỏ ra mua chứng quyền (quyền phí). Việc thanh toán tại ngày đáo hạn bằng tiền giúp giảm thiểu các rủi ro, chi phí mà NĐT phải nhận về chứng khoán cơ sở.

Bên cạnh lựa chọn nắm giữ Chứng quyền tới lúc đáo hạn, NĐT có thể giao dịch, mua bán chứng quyền trên HOSE, tương tự như giao dịch cổ phiếu. Biến động giá của chứng quyền sẽ bám sát sự biến động của chứng khoán cơ sở.

Sử dụng CW thế nào để nhà đầu tư kiếm lời?

CW là một sản phẩm tài chính với một số đặc tính ưu việt nổi bật mà NĐT cần quan tâm. Chứng quyền dựa trên biến động giá của chứng khoán cơ sở, và được giao dịch tương tự như chứng khoán cơ sở. NĐT thay vì bỏ toàn bộ vốn để mua chứng khoán cơ sở thì có thể chỉ cần bỏ một phần vốn nhỏ để mua chứng quyền. Việc mua và bán chứng quyền được giao dịch như cổ phiếu, giá giao dịch do cung cầu và kỳ vọng quyết định. Và rủi ro thua lỗ khi giao dịch chứng quyền chỉ giới hạn trong giá trị quyền phí đã đầu tư. Như vậy, với thị giá thấp (giá CW chỉ tương đương 8%-15% thị giá của tài sản cơ sở) thì CW mang lại tỷ lệ đòn bẩy cao hơn nhiều so với giao dịch chứng khoán cơ sở (8x đến 10x) và khống chế được mức lỗ tối đa cho mỗi giao dịch.Như vậy nếu so sánh CW với chứng khoán cơ sở thì có thể hiểu công cụ này có hình thức giao dịch giống với chứng khoán cơ sở (giao dịch trên tài khoản chứng khoán cơ sở, chu kỳ thanh toán T+2) nhưng tính năng đòn bẩy thì cao như Hợp đồng tương lai (HĐTL). Khi đầu tư vào CW, NĐT sẽ phải xác định chi phí bỏ ra mua quyền sẽ mất đi không thu hồi được, đây là chi phí để mua cơ hội đạt lợi nhuận cao khi thị trường biến động trùng với dự đoán của NĐT.

Tham gia đầu tư vào CW, NĐT đều có những chiến lược đầu tư cụ thể cho riêng mình, nhưng với những tính năng nổi trội từ cấu trúc sản phẩm, ngoài việc giao dịch mua đi bán lại hưởng chênh lệch giá quyền, CW sẽ được NĐT lựa chọn cho 2 mục tiêu chính là phòng vệ rủi ro và đầu tư mạo hiểm.

Khi giá chứng khoán cơ sở xuống nếu NĐT giữ CW mua thay vì nắm giữ CK cơ sở thì mức thua lỗ của NĐT đã được cố định, NĐT phòng vệ cho mình được mức lỗ tối đa, và ngược lại khi giá chứng khoán cơ sở tăng mà NĐT nắm giữ CW mua thì tỷ suất lợi nhuận mang về từ đầu tư chứng quyền cao hơn nhiều lần so với đầu tư vào CK cơ sở. Tình huống không mong đợi nhất là giá chứng khoán cơ sở không biến động hoặc biến động rất ít thì NĐT nắm giữ CW không hiệu quả và mất chi phí mua quyền đã bỏ ra ban đầu.

Như vậy, có thể thấy sản phẩm chứng quyền mang lại khả năng đòn bẩy cao hơn nhiều so với hình thức giao dịch ký quỹ thông thường. NĐT hoàn toàn không bị margin call trong trường hợp dự đoán sai. Phần thua lỗ khi đó chỉ giới hạn trong giá trị quyền phí bỏ ra ban đầu. Trong khi đó, nếu dự đoán đúng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn bỏ ra (quyền phí) là lớn hơn nhiều lần.

Lựa chọn công ty chứng khoán có uy tín để tăng thêm lợi thế cho NĐT

Chứng quyền có đảm bảo (CW) là một loại chứng khoán có tài sản đảm bảo nhưng tổ chức phát hành CW là công ty chứng khoán. Bởi vậy, việc lựa chọn các sản phẩm chứng quyền được phát hành bởi các công ty chứng khoán có uy tín, vốn điều lệ và hạn mức tự doanh cao sẽ tạo đà tâm lý tốt cho các NĐT.

Là 1 trong số các công ty chứng khoán đầu tiên, tham gia phát hành CW vào tháng 11 tới đây, SSI được biết đến là công ty chứng khoán hàng đầu trên thị trường với vị trí số 1 về thị phần trong suốt nhiều năm qua. Quý III/2017, thị phần của SSI trên HOSE còn tăng vọt ngoạn mục lên đến 16,41% và bỏ xa công ty đứng ở vị trí thứ 2.

Với lợi thế có số vốn điều lệ và hạn mức tự doanh lớn nhất trong các công ty chứng khoán hiện nay, SSI có thể phát hành số lượng lớn Chứng quyền, đa dạng kỳ hạn và giá thực hiện, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tiềm lực tài chính vững mạnh giúp SSI luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua hoặc bán lại chứng quyền của NĐT với số lượng lớn. Đồng thời các chỉ tiêu an toàn vốn luôn ở mức cao nhằm đảm bảo khả năng thanh toán chứng quyền đối với NĐT. Ngoài ra, SSI còn sử dụng hệ thống tự động làm nghiệp vụ tạo lập thị trường để đảm bảo thanh khoản chứng quyền do Công ty phát hành trên thị trường giao dịch. Đội ngũ môi giới chuyên nghiệp, nhanh nhạy, quy trình đào tao bài bản, hướng đến chất lượng, cùng mạng lưới giao dịch rộng khắp lên đến 12 cơ sở trên khắp cả nước là một trong những ưu điểm nổi bật của SSI.

Sự phát triển của thị trường và sự ra đời của các sản phẩm mới cho phép nhà đầu tư có nhiều lựa chọn công cụ đầu tư hơn, mà chứng quyền có bảo đảm cũng không là ngoại lệ. Dù là sản phẩm nào, NĐT cũng cần trang bị cho mình kiến thức tốt về sản phẩm, nắm bắt xu hướng thị trường, lựa chọn các công ty chứng khoán uy tín, đồng thời xác định được khẩu vị rủi ro của bản thân, từ đó tìm ra được các chiến lược đầu tư phù hợp nhất đối sản phẩm đầy hấp dẫn này.

Nguồn: ndh.vn

HOTLINE