Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Năm 2017 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cán mốc kỷ lục 36,4 tỷ USD. Lần đầu tiên xuất khẩu nông sản vượt dầu mỏ. Lần đầu tiên kinh tế nước ta tăng trưởng không phụ thuộc vào tăng trưởng của ngành khai khoáng. Tiến sĩ Hà Công Tuấn, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn lý giải những con số ấn tượng ngành nông nghiệp đã đạt được.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn
Phát triển nông sản chủ lực
Nói về những thành công của ngành nông nghiệp năm qua, ông ấn tượng nhất với điều gì, thưa Thứ trưởng?
– Tôi ấn tượng nhất với điều thành công năm qua đạt được trong điều kiện rất khó khăn về thiên tai và nguồn vốn đầu tư.
Có thể nói chúng ta đã có một năm nền nông nghiệp về đích rất thành công, đạt được các chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Trong mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản, Chính phủ đề ra 32-33 tỷ USD. Chúng ta đã đạt con số 36,4 tỷ USD, vượt hơn 4 tỷ USD so với năm trước.
Tác động của cơ chế chính sách đến tăng trưởng nông nghiệp thế nào, thưa ông?
– Từ đầu năm 2017, Đảng, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, có nhiều chính sách, cơ chế về vốn, thuế ưu đãi tác động đến sự phát triển của ngành.
Về cụ thể, ví dụ câu chuyện giải cứu lợn. Thực sự chúng tôi rất lo ngại nhưng sau 3 tháng đã xử lý được. Theo tôi đó là tín hiệu buộc ta đẩy nhanh tái cơ cấu ngành chăn nuôi từ nhỏ lẻ (hiện cả nước có 2 triệu hộ kinh doanh chăn nuôi – NV) sang sản xuất tập trung. Đồng thời tạo ra liên kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp (DN) và người dân. Với những địa phương chưa thể áp dụng công nghệ, chưa thể sản xuất quy mô lớn thì chuyển sang nuôi trồng sản phẩm đặc sản.
Năm 2017 nền nông nghiệp đã xoay theo hướng phát triển mặt hàng đặc sản như thế nào?
– Năm 2017 đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc chúng ta xoay trục phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực, xác định những ngành hàng có lợi thế. Trước đây, chúng ta coi trọng sản xuất lúa gạo là hàng đầu, nhưng nay chuyển sang ưu tiên phát triển những ngành hàng có giá trị cao như thủy sản, rau quả, đồ gỗ.
Với hướng đi đó, trong năm 2017 ngành đã xác lập nhiều dấu mốc kỷ lục mới: xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên cán mốc 8,4 tỷ USD, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 8 tỷ USD. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả đạt 3,45 tỷ USD, tăng 40,5%, bỏ xa kim ngạch xuất khẩu gạo khoảng 2,6 tỷ USD.
Không “dàn hàng ngang” đến tiêu chuẩn 4.0
Năm qua, khái niệm nông nghiệp 4.0 với máy móc thông minh, các hoạt động trồng trọt chăn nuôi kết nối mạng… được nhắc đến rất nhiều. Vậy ngành nông nghiệp Việt Nam đã thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 như thế nào, thưa ông?
– Cách mạng 4.0 tạo ra cơ hội lớn, đồng thời là thách thức rất lớn của ngành nông nghiệp. Chúng ta có hơn 13 triệu hộ sản xuất nông nghiệp. Nếu cùng một lúc “dàn hàng ngang” đáp ứng tiêu chuẩn 4.0 là điều không thể mà cần thực hiện trong thời gian dài.
Chúng ta khuyến khích các hộ, làng nghề, hợp tác xã, DN đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Vừa áp dụng công nghệ sẵn có, vừa đi tắt đón đầu tiếp nhận công nghệ mới.
Thực tế ở nước ta đã có các mô hình như tưới tiết kiệm theo công nghệ Israel; Công nghệ nhà kính, nhà lưới theo công nghệ Nhật Bản. Trong chăn nuôi có công nghệ nuôi bò sữa hữu cơ, bò sữa sạch.
Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để tăng sự gắn kết giữa nhà sản xuất và DN. Bộ đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến một cửa để tiết kiệm các chi phí cho người dân lẫn DN, vừa đảm bảo minh bạch, tiết kiệm.
Theo tôi, ngành nông nghiệp cần đi đồng bộ hai lĩnh vực để thích ứng cuộc cách mạng 4.0: Một mặt áp dụng công nghệ trong quản lý theo tinh thần cải cách. Với sản xuất, cần ứng dụng công nghệ từ ngành hàng chủ lực sau đó lan tỏa ra ngành khác.
Chuyên gia hướng dẫn tiếp cận kỹ thuật quy trình sản xuất nông nghiệp hiện đại
Ông có thể nói cụ thể về những chính sách tạo động lực để người dân hướng vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao?
– Chính phủ đang giao chúng tôi sửa đổi Nghị định 210 theo hướng giải quyết các nút thắt để thúc đẩy các DN trong ngành nông nghiệp phát triển, thu hút các DN từ các lĩnh vực khác vào nông nghiệp. Nút thắt ở đây có 3 vấn đề chính:
Thứ nhất về đất đai: Làm sao để tích tụ tập trung nhưng không phải bằng mọi giá, không phải tập trung đất đai vào DN khiến người dân mất đất mà phải tạo sự liên kết, hợp tác giữa các bên.
Thứ hai, cơ chế mở rộng tín dụng để người dân, DN có thể tiếp cận được các ưu đãi vốn của nhà nước.
Thứ ba, chúng ta cần tạo sự công bằng chính sách thuế giữa DN trong nước và ngoài nước. Một số loại như thuế nhập khẩu thiết bị công nghệ cao, thuế thu nhập DN, cá nhân ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, thuế thu nhập DN trong lĩnh vực công nghệ cao cần miễn bỏ.
Giảm hơn nửa “giấy phép con, giấy phép cháu”
Về thủ tục, điều kiện kinh doanh, Bộ đã cắt giảm bao nhiêu thủ tục để thu hút phát triển DN công nghệ cao?
– Trong năm 2017 đã có gần 2000 DN thành lập mới trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, nâng tổng số DN hoạt động trong ngành lên hơn 5.600. Nhiều DN, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính.
Cuối 2016 chúng tôi rà soát có 1039 thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2017 rà soát lại còn 508 thủ tục, tức cắt giảm hơn một nửa. Thực tế đến nay đã cắt giảm thêm được 58 thủ tục hành chính và sẽ tiếp tục cắt giảm trong 2018.
Lĩnh vực nông nghiệp có 34 ngành nghề kinh doanh, 240 điều kiện cụ thể mà chúng ta quen gọi là “giấy phép con, giấy phép cháu”. Chúng tôi đã rà soát, quyết tâm giảm 118 điều kiện.
Bên cạnh đó Bộ chủ trương giảm kiểm tra chuyên ngành sản phẩm hàng hóa xuất nhập khẩu. Với các sản phẩm, mặt hàng thuộc liên bộ kiểm tra, Bộ NN&PTNT báo cáo Chính phủ giao về một Bộ.
Đối với kiểm tra chất lượng sản phẩm, thiết bị do các đơn vị của Bộ thực hiện thì chỉ kiểm tra một lần, một thủ tục. Nếu mặt hàng có 2 cơ quan của Bộ kiểm tra thì chỉ một bên làm, hoặc hai bên cùng kiểm tra một lần, một địa điểm, phối hợp với nhau để kiểm tra.
Hướng đi của nền nông nghiệp trong năm 2018 và những năm tiếp theo là gì, thưa ông?
– Trong năm 2018 chúng ta tiếp tục tập trung phát triển theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ. Đặc biệt phải tiếp tục chú ý hai nút thắt, đó là phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chế biến sâu và xúc tiến, mở rộng thị trường.
Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!
Nguồn: BPL