Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Luật đã lắng nghe trẻ em khóc, trẻ em cười…
“Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng yêu thương…”, xin phép được mượn chữ của nhà văn Ma Văn Kháng để nói về câu chuyện trẻ em Việt Nam năm 2017.
Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ V diễn ra tại Hà Nội
Năm 2017 vừa qua thực sự là một năm đầy ắp niềm vui nhưng cũng chan chứa nỗi buồn của trẻ em khi mà trong năm nhiều chính sách pháp luật về trẻ em được ban hành, bên cạnh đó nhiều vụ án nghiêm trọng về trẻ em cũng đã xảy ra, cho thấy một khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn vẫn rất cần được nỗ lực lấp đầy.
Năm nhiều văn bản pháp luật, chính sách dành cho trẻ em có hiệu lực
Tháng 8/2017, khi Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ V diễn ra tại Hà Nội, hơn 200 trẻ em từ 9 tuổi đến dưới 16 tuổi đại diện cho trẻ em của 48 tỉnh, thành phố, các Làng trẻ em SOS và Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An có mặt tại Diễn đàn hẳn chưa quên cảm giác vỡ òa vui sướng rất trẻ thơ khi bà Đào Hồng Lan – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: “Năm 2017 đánh dấu có nhiều văn bản pháp luật, chính sách dành cho trẻ em có hiệu lực thi hành, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo các địa phương đối với lĩnh vực trẻ em. Đó là Luật Trẻ em có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường có hiệu lực từ ngày 5/9/2017;
Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Quyết định số 856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em và nhiều chương trình, kế hoạch của các địa phương… Tất cả các văn bản pháp luật, chính sách nêu trên đều nhằm mục tiêu bảo vệ trẻ em tốt hơn, bảo đảm thực hiện các quyền của trẻ em và mang lại những điều tốt đẹp hơn cho trẻ em”.
Nếu như trước đây, Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận trên cơ sở các chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhưng Luật Trẻ em hiện nay tiếp cận trên cơ sở quyền của trẻ em, trẻ em nói chung cũng như các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Do đó, khái niệm “trẻ em dưới 16 tuổi” không còn giới hạn trẻ em là công dân Việt Nam, mà đối tượng áp dụng của Luật còn bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài cư trú tại việt Nam. Bên cạnh đó, 11 khái niệm được giải thích rõ, đặc biệt các khái niệm về phát triển toàn diện của trẻ em, chăm sóc thay thế, xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em…
Nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bổ sung mới như trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị mua bán; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.
Quyền và bổn phận của trẻ em cũng được quy định rất rõ ràng trên cơ sở tiếp cận Hiến pháp 2013 về quyền con người, vì thế, Luật Trẻ em chính là nơi thể hiện rõ hơn những quy định của Hiến pháp. Trẻ em có quyền thể hiện ý kiến của mình khi Nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật tác động với trẻ em, được ưu tiên nguồn lực để thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, bao gồm cả nguồn tài chính và nguồn nhân lực. Những hành vi bị nghiêm cấm được bổ sung trong luật như tước đoạt quyền sống của trẻ em; cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; không thực hiện trách nhiệm hỗ trợ trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm…
Cũng theo bà Đào Hồng Lan, thực tế thời gian vừa qua cũng thấy rằng các quy định chưa rõ được đầu mối nào sẽ chịu trách nhiệm chính khi phát hiện ra các vụ xâm hại, bạo lực. “Luật Trẻ em đã giải quyết được vấn đề đó, tức là gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bởi vì không thể nói sự việc xảy ra trên địa bàn của mình mà lãnh đạo địa phương không biết và không có tác động can thiệp vì đấy mới là nơi gần gũi nhất với các em và gia đình các em ở địa phương đó. Chính vì vậy, để giúp cho chính quyền địa phương có thể làm việc đó, chúng tôi yêu cầu các địa phương phải có người làm công tác chăm sóc trẻ em. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm chính quyền các cấp phải đảm bảo bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em” – bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Những vụ bạo hành trẻ em gây chấn động năm 2017
… Nhưng trách nhiệm thì vẫn chơi vơi
Ngày 6/12/2017, phát biểu khai trương Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em với đầu số 111, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã bày tỏ lo lắng khi Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em mà không bảo lưu bất cứ một điều khoản nào. Kể từ đó tới nay, Nhà nước, Chính phủ cũng đã có nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em thông qua ban hành hệ thống luật pháp và chính sách nhằm phòng ngừa, giải quyết bạo lực, xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, điều đáng buồn là hàng năm, trung bình còn hàng nghìn trường hợp trẻ em bị tử vong do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phần lớn là do đuối nước và bị xâm hại.
Đúng như Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nhận định, năm 2017 có thể nói là năm có nhiều vụ án, vụ việc bạo hành, xâm hại, sát hại trẻ em gây hoang mang dư luận nhất. Dư luận vẫn chưa quên những vụ mới xảy ra gần đây nhất như: vụ chủ cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh hành hạ trẻ, ba bảo mẫu của trường mầm non này liên tục dùng tay, chân, các vật dụng khác để đánh trẻ với nhiều lý do khác nhau. Thậm chí, họ còn dùng dao đe dọa trẻ…
Sau khi củng cố hồ sơ và từ các tài liệu thu thập được, cơ quan Công an đã tiến hành khởi tố vụ án, bắt tạm giam chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh để xử lý theo quy định; vụ người giúp việc bạo hành dã man bé gái ở Hà Nam, ngày 23/11, Công an TP Phủ Lý (Hà Nam) đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với bà Nguyễn Thị Hàn (còn gọi là Hoàn, 58 tuổi, trú tại Bình Thượng, xã Yên Thọ, huyện Ý Yên, Nam Định), bà Hàn chính là người giúp việc đã tung hứng, đập vào đầu, dùng tay bóp miệng bé gần 2 tháng tuổi trong 3 đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội; vụ bé gái nghi bị cha, mẹ kế gí sắt nung vào mặt, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Kiên Giang đã vào cuộc điều tra, trước đó, ngày 24/11 khi cô giáo chủ nhiệm và ban giám hiệu phát hiện trên 2 cánh tay và má phải của T. có vết bỏng khá nghiêm trọng. Khi được thầy cô hỏi về các vết thương, bé T. nói do bị cha dùng thanh sắt nung đỏ rồi gí vào. Trên đỉnh đầu của bé T. cũng có vết thương lõm khiến vùng xương sọ tại đây mềm bất thường…
Trước những vụ việc hành hạ trẻ em man rợ này, truyền thông đã đồng loạt lên tiếng về việc hiện nay có tới 15 cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng nhưng các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn thường xuyên diễn ra. Đúng là theo tinh thần của Chương 6 Luật Trẻ em 2016 có tới 15 cơ quan, tổ chức để bảo vệ với các cấp độ khác nhau từ phòng ngừa, hỗ trợ đến can thiệp là: Tòa án nhân dân các cấp; Viện kiểm sát nhân dân các cấp; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Tư pháp; Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công an; Ủy ban nhân dân các cấp; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và Quỹ Bảo trợ trẻ em. Nhưng khi có sự việc xảy ra thì chưa thấy cơ quan, tổ chức nào nhận trách nhiệm về mình, cho thấy một khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn vẫn rất cần được nỗ lực lấp đầy.
Trong cuộc họp mới đây để bàn giải pháp đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh việc quy trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị đã ghi rõ trong Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 và Nghị định 56 hướng dẫn một số điều của Luật Trẻ em. Tuy nhiên, do Luật mới đưa vào cuộc sống nên các cấp, các ngành vẫn chưa hiểu rõ về Luật. Dẫn chứng cụ thể về vụ bạo hành bé trai 10 tuổi bị cha đẻ bạo hành suốt 2 năm vừa qua tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), ông Đặng Hoa Nam khẳng định, theo Luật Trẻ em, trách nhiệm trước tiên thuộc về lãnh đạo phường sở tại, nơi xảy ra vụ việc bạo hành. Khi xảy ra vụ việc, qua hệ thống tổ chức mạng lưới chính trị, tổ dân phố phải nắm được vụ việc để xử lý.
Còn khi phát hiện vụ việc thì lãnh đạo phường cùng với ngành chức năng của Sở LĐ-TB&XH phải lập kế hoạch hỗ trợ trẻ em bị bạo hành. Thực tế, việc xử lý của cơ quan chức năng Hà Nội vừa qua mang tính từ thiện, nhân đạo, chưa theo đúng tinh thần của Luật Trẻ em và Nghị định 56. “Trách nhiệm tiếp theo thuộc về nhà trường. Một học sinh nghỉ học 2 năm, không rút hồ sơ mà nhà trường, giáo viên chủ nhiệm không hề có nghi ngờ để thẩm tra thông tin. Nếu chuyển trường sang học trường quốc tế như lời cha đẻ khai thì cũng đã phải rút hồ sơ lưu tại trường. Đây là một sự thiếu trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm. Ở nước phát triển, học sinh nghỉ học 2 tháng là đã bị cơ quan chức năng đến thẩm tra”, ông Đặng Hoa Nam chia sẻ…
Nguồn: BPL