MSCI: Trường hợp tốt nhất Việt Nam được xem xét nâng hạng vào năm 2019

MSCI: Trường hợp tốt nhất Việt Nam được xem xét nâng hạng vào năm 2019


Ông Valentin Laiseca – Phụ trách thị trường Đông Nam Á, MSCI cho biết trong trường hợp tốt nhất, Việt Nam có thể được xem xét vào thị trường mới nổi vào tháng 6/2019 và năm 2020 được nâng hạng.

Chia sẻ tại diễn đàn Gateway to Viet Nam 2017, ông Valentin Laiseca – Phụ trách thị trường Đông Nam Á, MSCI cho biết, việc phân loại, đánh giá thị trường của MSCI rất quan trọng đối với các thị trường bởi nó thể hiện quy mô, mức độ rủi ro… và là nền tảng để ra kết luận đầu tư của nhà đầu tư trên thế giới. Theo ông Valentin, MSCI đang quan tâm đến thị trường Asean trong đó có Việt Nam do thị trường này chưa được đánh giá đúng mức về nhân khẩu học, tiềm năng tăng trưởng…

Việc nâng hạng thị trường của MSCI dựa trên những tiêu chí được chuẩn hóa, quy trình khách quan, những bằng chứng và công bố thông tin minh bạch. Đối với thị trường Việt Nam, MSCI nhận thấy rằng về mặt lý thuyết thì thị trường Việt Nam đủ điều kiện nhưng còn sơ khai, chưa đảm bảo được yếu tố an toàn và bền vững. Do vậy, thị trường Việt Nam cũng không đảm bảo tính bền vững để khi nâng cấp hơn nữa.

Các tiêu chí phân loại của MSCI ở các thị trường

Ông Valentin Laiseca cho rằng về cơ bản thị trường Việt Nam đáp ứng được yêu cầu về thanh khoản để nâng hạng từ sơ khai lên nhóm mới nổi. Khi xem xét 14 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường Việt Nam, MSCI nhận thấy các doanh nghiệp này đáp ứng tốt yêu cầu vốn hóa, thanh khoản nhưng chỉ có 4/14 doanh nghiệp lớn đảm bảo yêu cầu tỷ lệ free float và điều này cần được cải thiện trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần cải thiện chỉ số về giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, quyền bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Đặc biệt nhất trong đó là tỷ lệ free loat cho nhà đầu tư nước ngoài mới. Ví dụ trong 30% cho nhà đầu tư nước ngoài thì hết 25% cho nhà đầu tư chiến lược nên room cho nhà đầu tư mới không còn nhiều.

Ông Valentin Laiseca phát biểu tại diễn đàn

Đồng thời, đối với nhà đầu tư nước ngoài thì việc tự do lưu chuyển vốn vào và vốn ra trên thị trường tiền tệ, tỷ giá còn khó khăn. Dù khuôn khổ vận hành đã có rất nhiều cải thiện như việc đăng ký nhà đầu tư nước ngoài giảm nhiều thủ tục nhưng vẫn đòi hỏi nhà đầu tư phải dịch ra tiếng Việt, gây khó khăn cho họ.

Tiếp theo, các quy định của thị trường không có thông tin bằng tiếng Anh, luồng thông tin cũng không có sẵn bằng tiếng Anh tạo nên bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Cuối cùng, cơ sở hạ tầng thị trường như dịch vụ thanh toán bù trừ không có kênh tiếp cận cụ thể, đa số do các ngân hàng có vốn nhà nước kiểm soát. Đây là cách làm không theo chuẩn quốc tế. Việc chuyển giao, cho vay bán khống chứng khoán vẫn còn nhiều dấu trừ trong khi hai hoạt động này lại khá quan trọng với nhà đầu tư nước ngoài.

Dẫu vậy, theo ông Valentin điểm cộng cho thị trường Việt Nam chính là thể chế khá ổn định.

Nói về thời gian thị trường Việt Nam có thể được nâng hạng, ông Valentin Laiseca cho rằng trong trường hợp thuận lợi tái phân loại được tiến hành, sau khi review bởi nhóm nghiên cứu thì MSCI sẽ đưa Việt Nam vào danh sách đánh giá, điều này diễn ra mỗi tháng 6 hàng năm. Quy trình tiếp theo là tham vấn, MSCI thực hiện với các nhà đầu tư để nghe phản hồi, đánh giá của họ ra sao. Điều quan trọng trong phản hồi của nhà đầu tư là những thay đổi tại Việt Nam đang diễn ra và có tác động, thực tế là họ đã tiếp cận thị trường tốt hơn, dễ dàng hơn. Sẽ mất 1 năm cho việc tham vấn này và sau đó MSCI mới ra quyết định.

Do vậy, sau khi Việt Nam được vào danh sách đánh giá để nâng hạng sẽ cần thêm 1 năm để tham vấn. Trong trường hợp tốt nhất, Việt Nam có thể được xem xét vào thị trường mới nổi vào tháng 6/2019 và năm 2020 được nâng hạng.

MSCI chỉ thay đổi quyết định khi biết chắc tất cả cải cách tại một thị trường không bị thay đổi sau đó nữa. Việt Nam đang thực hiện những bước đi đúng đắn, tuy nhiên bước đi phải nhất quán và kiên nhẫn.

Nguồn: ndh.vn

HOTLINE