Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Năm 2018 sẽ là đỉnh điểm thoái vốn Nhà nước và IPO, thanh khoản TTCK tiếp tục tăng
Những chính sách hỗ trợ và thúc đẩy của Chính phủ trong việc thoái vốn doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục tạo nên làn sóng lên sàn và IPO trong năm 2018.
Năm 2018, dự kiến 181 doanh nghiệp nhà nước sẽ thoái vốn, chiếm 70% tổng số đơn vị dự kiến sẽ được thoái vốn trong giai đoạn 2018-2020.
Để hoàn thành kế hoạch thách thức này, Chính phủ đã điều chỉnh nhiều khung pháp lý (Nghị định 126 và Dự thảo Nghị định 91) nhằm tạo sự linh động và khả thi cho các nhà đầu tư tham gia vào quá trình đấu thầu.
Trong đó, Chính phủ thúc đẩy niêm yết/đăng ký giao dịch sau cổ phần hóa và bổ sung phương án bán vốn cổ phần với hình thức dựng sổ, qua đó đa dạng phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nghị định cũng thiết lập lại quy trình thoái vốn còn 2 bước, gồm đấu giá công khai và bán thỏa thuận. Trong đó, quy định đấu giá công khai bao gồm đấu giá thông thường và đấu giá theo lô và đề cập tới việc chuyển nhượng vốn dưới mệnh giá.
Về hoạt động cổ phần hóa, Nghị định cũng tạo thuận lợi cho NĐT chiến lược thông qua việc cắt giảm thời gian hạn chế chuyển nhượng từ 5 năm xuống 3 năm.
Với sự thành công của 2 thương vụ lớn trong năm 2017, VNM và SAB, CTCK Rồng Việt (VDSC) cũng kỳ vọng rằng Nhà nước sẽ có kinh nghiệm thực hiện tiến trình thoái vốn nhà nước với các giao dịch lớn như ACV, GAS, PLX, Genco, Sawaco,….
Trong top 40 doanh nghiệp đại chúng vốn hóa lớn, VDSC chỉ ra 8 doanh nghiệp, ngân hàng kỳ vọng sẽ đăng ký giao dịch và niêm yết trên sàn chứng khoán gồm CTCP Ô tô Trường Hải (THACO), Techcombank, Lọc Hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, PVPower, HDBank, TPBank, PVOil…
Năm 2018, với sự gia nhập của nhiều tên tuổi lớn, VDSC kỳ vọng thanh khoản thị trường tăng nhờ vào “nguồn cung” cổ phiếu và “nhu cầu” của nhà đầu tư nhiều hơn; các chính sách nới lỏng tiền tệ và sản phẩm mới như Chứng quyền có bảo đảm cùng cơ chế giao dịch T+0. Tổng giá trị giao dịch mỗi phiên có thể đạt từ 5.000 tỷ đồng đến 6.000 tỷ đồng.
Năm 2017, vốn hóa thị trường tăng trưởng vững chắc và đạt mức tương đương 68% GDP trong năm 2017 nhờ vào các cổ phiếu lớn niêm yết. Giá trị giao dịch bình quân phiên năm 2017 tăng gần 63% so với năm 2016. Số lượng vay ký quỹ tăng liên tục từ năm 2016 và là nhân tố gia tăng thanh khoản của thị trường.
Mặc dù kỳ vọng những tín hiệu khởi sắc, VDSC cũng lưu ý đến một số rủi ro của thị trường trong đó có các vụ bắt giữ những nhân vật quan trọng và các vụ án kinh tế xét xử tiếp trong năm 2018 có thể ảnh hưởng tâm lý thị trường.
Bên cạnh đó, VDSC cũng lưu ý đến sự biến động của thị trường có thể mạnh hơn. Trong quá khứ, mạc dù không có những bằng chứng rõ ràng về mối tương quan dương giữa dư nợ vay margin và sự biến động của thị trường. Tuy nhiên, hai yếu tố này tỏ ra cùng chiều kể từ đầu năm 2017 đến nay. Số liệu tổng hợp cảu VDSC cho thấy, biến động trong ngày của thị trường đang tăng mạnh trong quý 4.
Nguồn: NDH