Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Doãn Mậu Diệp khẳng định như vậy tại Tọa đàm chính sách về bình đẳng giới với chủ đề “Tăng quyền năng cho phụ nữ nông thôn vì mục tiêu phát triển bền vững” do Liên hợp quốc tại Việt Nam, Bộ LĐTB&XH, Ủy ban quốc gia về sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức sáng qua (8/3) nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ.
Các đại biểu tại tọa đàm.
Vẫn gặp nhiều rào cản
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Diệp khẳng định, Việt Nam đã và đang có những hành động tích cực và tiên quyết trong việc triển khai chính sách luật pháp về bình đẳng giới và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó chú trọng tới khu vực nông thôn. Hành lang pháp lý đang ngày càng được hoàn thiện nhằm nâng cao quyền năng của phụ nữ nông thôn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, nói không với bạo lực, không xâm hại và không để phụ nữ bị bỏ lại phía sau.
Dẫn Báo cáo năm 2016 của Tổng cục Thống kê, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH cho biết, lao động nữ của cả nước là 26,2 triệu người, trong đó khoảng 44% đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Ở nông thôn, phụ nữ làm việc trong nông nghiệp là 63,4%, so với 57,5% nam giới. Phụ nữ là lực lượng lao động quan trọng và chủ chốt trong sản xuất nông nghiệp. Phụ nữ nông thôn đã và đang góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của Việt Nam.
Tuy nhiên, phụ nữ nông thôn Việt Nam hiện vẫn gặp phải nhiều rào cản và khó khăn, thách thức. Trong đó, tỉ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức khá cao và chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn với 64,2% lao động làm việc trong gia đình không được hưởng lương và 41% phụ nữ làm các công việc giản đơn. Chất lượng việc làm của lao động nữ nông thôn còn thấp; tính ổn định, bền vững trong việc làm và tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội không cao. Việc đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn đã được chú trọng nhưng các loại hình đào tạo nghề dành cho phụ nữ thường là ngắn hạn và tập trung vào các kỹ năng “truyền thống” của phụ nữ và đầu ra sau học nghề vẫn gặp rất nhiều khó khăn…
Cần xóa bỏ những phân biệt đối xử
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp, những rào cản, khó khăn mà phụ nữ nông thôn gặp phải xuất phát từ việc các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ chưa thực sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp, thiếu các giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh giải quyết việc làm cho lao động nữ ở nông thôn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa… “Lao động nữ nông thôn lớn tuổi cũng đang gặp khó khăn trong chuyển đổi việc làm, ngày càng có ít cơ hội tham gia thị trường lao động vì phần lớn các doanh nghiệp hiện nay ít mặn mà với việc nhận lao động nữ trên 30 tuổi”, ông Diệp thông tin.
Bên cạnh đó, nhìn chung, nguyên nhân của thực trạng trên là do những rào cản từ quan niệm truyền thống đánh giá thấp khả năng và tiềm năng của phụ nữ. Những yêu cầu cao hơn về trình độ đào tạo, kiến thức, năng lực… đến từ sự thay đổi của phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời đại mới, trong khi chức năng làm mẹ, chăm sóc con cái và gia đình vẫn luôn được cho là trách nhiệm chủ yếu của phụ nữ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự tham gia và chất lượng công việc của phụ nữ nông thôn.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận thực trạng về đời sống, lao động, việc làm và an sinh xã hội của phụ nữ nông thôn trong bối cảnh Việt Nam, cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết quốc tế nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ; đề cao đóng góp của phụ nữ nông thôn vào phát triển xã hội của Việt Nam… Các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất và khuyến nghị về tăng quyền năng cho phụ nữ nông thôn tại Việt Nam như: thúc đẩy lồng ghép giới vào tất cả quá trình hoạch định, ra quyết định, xây dựng và thực hiện chính sách; tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ và trẻ em gái ở nông thôn tích cực tham gia vào các quyết định, chính sách và thể chế ảnh hưởng đến cuộc sống của họ…
Ông Kamal Malhotra – Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam – cho rằng, chỉ có thể thay đổi cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái nông thôn nếu như xóa bỏ những rào cản về mặt cấu trúc, phân biệt đối xử trong luật pháp, thực tiễn để đảm bảo các cơ hội, kết quả bình đẳng cho phụ nữ.
Nguồn: BPL