Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Ngày cuối tuần, giá USD trong các ngân hàng (NH) thương mại tiếp tục ổn định theo hướng hạ nhiệt so với mức trần biên độ, phổ biến ở mức mua vào 22.445 đồng/USD và bán ra 22.505 đồng/USD. Dù vậy, theo một số tổ chức tài chính quốc tế và NH ở Việt Nam, tiền đồng có thể chịu áp lực giảm giá thêm trong trường hợp NH Trung ương Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ hoặc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong năm nay.
Lãi suất huy động nhích nhẹ
Để chủ động dẫn dắt và linh hoạt ứng phó với biến động thị trường, NH Nhà nước đã điều chỉnh tăng tỉ giá thêm 1% và nới biên độ giao dịch lên ±3% nhưng áp lực tỉ giá vẫn còn rất lớn. Ngân hàng HSBC Việt Nam dự báo cuối năm nay, tỉ giá USD/VNĐ sẽ ở mức 22.800 đồng/USD và cuối năm 2016 là 23.300 đồng/USD.
Chuyên gia kinh tế khuyến cáo các ngân hàng cần thận trọng khi tăng lãi suất trong bối cảnh hiện nay Ảnh: Tấn Thạnh
Đầu tháng 9, một số NH thương mại cổ phần đã niêm yết biểu lãi suất mới, theo hướng nhích nhẹ lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn thêm từ 0,1%-0,3%/năm. Lãnh đạo một NH cổ phần có hội sở tại TP HCM cho biết NH ông cũng phải tăng nhẹ lãi suất để thu hút tiền gửi từ dân cư. Áp lực tăng lãi suất là có thực, không hẳn vì tỉ giá tăng làm nhu cầu nắm giữ tiền đồng giảm mà thị trường bất động sản phục hồi nhanh, cầu tín dụng từ nay đến cuối năm cao nên cần huy động đầu vào để bảo đảm tốt thanh khoản.
TS Cấn Văn Lực, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, phân tích có thể do một số NH cổ phần nhỏ muốn cạnh tranh thu hút người gửi tiền nên điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động. Thực tế vừa qua, khi tỉ giá biến động, khách hàng có rút tiền tiết kiệm chuyển sang kênh đầu tư vàng, bất động sản, ngoại tệ… nhưng số này không nhiều. Hiện tỉ lệ cho vay/huy động ở mức cân bằng dưới 80%-85% cho thấy thanh khoản của các NH vẫn tốt.
Hơn nữa, giá USD tăng mạnh sau khi tỉ giá tăng nên nhiều người thấy tiền đồng mất giá nhưng ở đây là trong mối tương quan với USD và các loại ngoại tệ khác. Còn trong nước, lạm phát từ đầu năm đến nay vẫn được kiểm soát tốt và giá hàng hóa theo xu hướng giảm, giá xăng cũng vừa giảm thêm nên giảm bớt áp lực lên lãi suất.
Khó giảm thêm lãi suất cho vay
Chuyên gia kinh tế – TS Bùi Trinh cho rằng không có lý do gì để tăng lãi suất vào thời điểm này. Việc NH Nhà nước nới biên độ lên ±3% bên cạnh điều chỉnh tăng tỉ giá là biện pháp linh hoạt và hợp lý trong bối cảnh hiện tại. Ngay sau tỉ giá tăng, tâm lý thị trường có dao động, một bộ phận chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang nắm giữ USD và kênh đầu tư khác nhưng hiện tượng này chỉ diễn ra trong khoảng tuần đầu tiên điều chỉnh tỉ giá. Đến nay, giá vàng, USD trong các NH thương mại đã ổn định trở lại, lạm phát 8 tháng đầu năm chỉ tăng 0,83% so với cùng kỳ năm trước và ở mức rất thấp nên các NH phải thận trọng trong điều chỉnh lãi suất.
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô 8 tháng đầu năm, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đánh giá 2 lần điều chỉnh tỉ giá và nới biên độ của NH Nhà nước vừa qua khiến lạm phát có thể tăng thêm 0,2 điểm %, là mức tăng không đáng kể. Do đó, ủy ban này giữ nguyên dự báo lạm phát cơ bản năm nay khoảng 3%. Với mức độ giảm giá của đồng nhân dân tệ vừa qua và nếu từ nay đến cuối năm, Trung Quốc không phá giá thêm đồng nhân dân tệ thì không trực tiếp ảnh hưởng nhiều đến thị trường tiền tệ và kinh tế Việt Nam. Việt Nam chưa nên điều chỉnh chính sách lớn và điều chỉnh kế hoạch kinh tế – xã hội. Cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế Trung Quốc cũng như chính sách tiền tệ của nước này để có phản ứng thích hợp.
Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín Phan Đình Tuệ cho biết trên thực tế, do cạnh tranh gay gắt nên nhiều NH đã chủ động giảm lãi suất cho vay ngay từ đầu năm. Một vài khoản vay lãi suất còn bằng hoặc thấp hơn lãi suất huy động do NH cân đối nguồn vốn dựa trên cung cầu và nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Với động thái tăng nhẹ lãi suất tiền gửi mới đây, lãnh đạo một số NH cho rằng thị trường không nên quá lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng theo vì áp lực cạnh tranh giữa các NH đang rất lớn. Có điều, mục tiêu giảm lãi suất trung dài hạn thêm 1%-1,5%/năm của NH Nhà nước đưa ra từ đầu năm khó đạt được. Hiện tỉ lệ lãi cận biên của các NH tương đối thấp, chỉ từ khoảng 2,5%-2,7%, lại thêm áp lực xử lý nợ xấu nên khó giảm thêm lãi suất cho vay. Bởi khi đó, NH sẽ khó bảo đảm mục tiêu lợi nhuận đề ra và không đủ bù đắp rủi ro trong hoạt động tín dụng.
Không vội đầu tư vào USD
Theo TS Cấn Văn Lực, khi tỉ giá tăng, nhiều người có tâm lý chuyển sang nắm giữ hoặc mua USD gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, NH Nhà nước đã tuyên bố ổn định tỉ giá từ nay đến cuối năm, không điều chỉnh thêm nên những người chuyển sang nắm giữ USD thời điểm này chỉ hưởng lãi suất tiết kiệm 0,75%/năm. Hơn nữa, lạm phát từ đầu năm đến nay ở Việt Nam được kiểm soát tốt và dự đoán đến cuối năm cũng chỉ khoảng 2,5%-3% nên gửi tiết kiệm bằng tiền đồng vẫn có lợi hơn.