Việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký quyết định áp dụng biểu thuế nhập khẩu với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu vào nước này, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến DN Việt Nam, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam.
PHÓNG VIÊN: – Thưa ông, quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ ảnh hưởng ra sao đến các DN Việt Nam có xuất khẩu thép sang thị trường này?
Ông CHU ĐỨC KHẢI: – Theo quyết định mới được ông Donald Trump, Tổng thống Hoa Kỳ ký vào ngày 8-3-2018, biểu thuế nhập khẩu bổ sung cho mặt hàng thép là 25%. Quyết định này áp dụng với tất cả các sản phẩm thép từ các nước nhập khẩu vào Hoa Kỳ, trừ 2 quốc gia Canada và Mexico. Mức thuế này có ảnh hưởng rất lớn đến các DN thép Việt Nam có xuất khẩu sản phẩm thép qua thị trường Hoa Kỳ, bởi thuế cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của thép Việt Nam so với thép được sản xuất tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, khi áp mức thuế ấy chính Hoa Kỳ cũng sẽ chịu những tác động tiêu cực tới người tiêu dùng, hoặc những ngành sản xuất sử dụng thép làm nguyên liệu đầu vào khi họ phải mua hàng hóa với giá cao hơn. Hoa Kỳ là nước nhập khẩu thép nhiều nhất thế giới, chỉ tính trong năm 2016 Hoa Kỳ đã nhập khẩu 31 triệu tấn thép và năm 2017 con số này là 34 triệu tấn.
Trên cơ sở các nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa 2 nước trong thời gian qua, Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ xem xét, cân nhắc loại trừ các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Việt Nam ra khỏi phạm vi áp dụng của biện pháp do các sản phẩm này không ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
– Vậy DN và Hiệp hội Thép Việt Nam ứng phó như thế nào, cũng như vấn đề đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sản phẩm thép Việt Nam được lên kế hoạch ra sao?
– Trước đó, ngày 1-3-2018, Hiệp hội Thép Việt Nam đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương bày tỏ quan ngại về vấn đề này đồng thời đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương thông qua kênh đường ngoại giao (Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam) để tiếp xúc trao đổi với phía Hoa Kỳ kiến nghị không áp mức thuế này với Việt Nam.
Về vấn đề thị trường, các DN sản xuất thép luôn nghĩ trước hết đến thị trường trong nước đầy tiềm năng với hơn 90 triệu dân, nhưng xuất khẩu sản phẩm cũng không hề coi nhẹ, vì các DN đều mong muốn tự cân bằng ngoại tệ để nhập khẩu một số nguyên, nhiên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của chính họ. Lẽ đương nhiên khi xuất khẩu không thể chỉ nhắm vào một thị trường cố định mà phải đa dạng hóa, tìm kiếm nhiều thị trường tiềm năng.
Những năm qua các DN thép Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm sang nhiều thị trường tiềm năng như khu vực ASEAN, EU, Nga… Năm 2017 ngành thép Việt Nam đã xuất khẩu được 4,7 triệu tấn sản phẩm mang về kim ngạch 3,1 tỷ USD.
– Ông có thể cho biết mức tăng trưởng của tiêu thụ thép trong nước được dự báo như thế nào trong năm 2018?
– Năm 2017 sản xuất, xuất khẩu thép đều tăng. Riêng nhập khẩu trước đây cao nhưng nay đang có xu hướng giảm, năm 2017 sản lượng nhập về giảm hơn 14% so với năm 2016. Tuy nhiên, tiêu thụ thép trong nước giảm 3,4% so với năm 2016, do các dự án đầu tư công giải ngân chậm, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp xây dựng chậm hơn những năm trước.
Chính vì thế khi bước qua năm 2018 chúng tôi cũng khá thận trọng khi đưa ra con số tăng trưởng bao nhiêu, nhưng kỳ vọng sẽ ở mức 5-7% so với năm 2017. Mức tăng dựa trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 đã được Quốc hội phê chuẩn 6,5 – 6,7%, thêm vào đó nhiều dự án đầu tư cho cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa đã được phê duyệt triển khai.
– Thưa ông, vào cuối năm 2017 Hoa Kỳ cũng từng tuyên bố sẽ sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm thép Việt Nam nếu sử dụng nguyên liệu từ thép cuộn cán nóng (HRC) của Trung Quốc. Vậy hiện nay nguồn nguyên liệu thép cán nóng của Việt Nam đã đủ cho sản xuất trong nước hay chưa?
– Trước đây khi Việt Nam chưa có nguyên liệu là thép cuộn cán nóng, các DN trong nước nhập khẩu từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ. Khi Hoa Kỳ khởi xướng điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại liên quan đến nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, phần lớn các DN sản xuất thép Việt Nam đã rất “tỉnh táo” chuyển hướng nhập khẩu nguyên liệu thép cuộn cán nóng từ nhiều thị trường khác để tránh phiền phức.
Từ tháng 7 – 2017, nhà máy thép Formosa đã bước vào sản xuất cung ứng ra thị trường sản phẩm thép cuộn cán nóng. Thêm vào đó, khoảng 2 năm nữa chúng ta sẽ có thêm nguồn thép cuộn cán nóng từ Tập đoàn Hòa Phát nên sẽ không lo vấn đề này.
Cũng xin nói thêm hiện các DN sản xuất thép đã và đang áp dụng công nghệ số hóa trên nhãn sản phẩm cho từng cuộn thép. Soi vào nhãn sản phẩm sẽ có được đầy đủ các thông tin về nguồn gốc xuất xứ của cuộn thép được sản xuất từ nguyên liệu thép cuộn cán nóng nhập từ nước nào, lô hàng nào, ngày tháng năm nhập kho v.v…