Nhập khẩu xăng dầu: Cựu Bộ trưởng cảnh báo hệ lụy “mua giá cao, hưởng thuế thấp”

Nhập khẩu xăng dầu: Cựu Bộ trưởng cảnh báo hệ lụy “mua giá cao, hưởng thuế thấp”


Thuế nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam không cùng một mức đối với các thị trường nên nhiều doanh nghiệp (DN) chọn nhập từ những nước có mức thuế thấp nhất. Điều này dễ  sinh hệ quả, DN nhập khẩu xăng dầu lãi to, trong khi Nhà nước và người tiêu dùng cùng thiệt.

Nhiều bất cập trong thuế nhập khẩu xăng dầu, cuối cùng người tiêu dùng sẽ chịu thiệt

Ồ ạt nhập xăng từ Hàn Quốc

Hiện nay Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu lượng xăng dầu cả nước, 60% còn lại phải nhập khẩu. Từ 1/1/2016, thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc về Việt Nam còn 10%. Đây là quy định được ký kết trong Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA). Trước đó, xăng dầu nhập về Việt Nam chủ yếu từ các nước ASEAN. Theo Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước ASEAN (ANTIGA), mức thuế nhập khẩu xăng về Việt Nam ở mức 20%.

Từ khi hiệp định thương mại VKFTA được áp dụng, các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu thay vì nhập từ các nước ASEAN như trước đây đã đồng loạt chuyển sang nhập từ Hàn Quốc. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong chín tháng năm nay, hơn 90% lượng xăng nhập khẩu về Việt Nam được lấy từ Hàn Quốc, với tổng số lượng hơn 2,14 triệu tấn, giá trị 1,3 tỷ USD. Con số này lớn hơn nhiều so với tổng lượng xăng nhập từ Hàn Quốc cả năm 2016 là 1,9 triệu tấn, giá trị 940 triệu USD.

Đáng lo ngại hơn, những đơn vị vẫnđang nhập khẩu từ ASEAN đang tìm mọi cách để được nhập khẩu từ Hàn Quốc với mong muốn được hưởng ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, do vướng mắc thủ tục nên họ đành phải nhập từ ASEAN. Chia sẻ của một số đơn vị đầu mối cho biết, DN nào cũng muốn được nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc, chỉ do vướng mắc về thủ tục nên số ít DN này chưa được nhập. Theo dự đoán, thời gian tới khả năng 100% DN nhập khẩu xăng đều lấy từ Hàn Quốc.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan mới công bố cho thấy, xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc có giá cao hơn so với một số nước trong khu vực. Cụ thể, nhập xăng từ Hàn Quốc có giá 13,4 triệu đồng/tấn; trong khi nhập từ Trung Quốc chỉ 11,6 triệu đồng/tấn; từ Malaysia là 10,6 triệu đồng/tấn. Dù nhập xăng từ Hàn giá cao nhưng DN Việt Nam vẫn nhập về vì thuế nhập khẩu chỉ 10% nên tính tổng thể, DN vẫn có lợi.

Trong khi đó, những “ông lớn” xăng dầu như Petrolimex, PV Oil, MIPEC… chủ yếu sử vốn nhà nước để kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu. Như vậy, Nhà nước phải bỏ ra số tiền lớn hơn để mua xăng với giá cao; đồng nghĩa với việc người dân sẽ phải mua xăng giá cao. Trong khi đó, do được hưởng từ thuế nhập khẩu thấp, DN nhập khẩu lại có lợi. Ngoài ra, do thuế nhập chỉ 10% nên thu ngân sách từ nhập khẩu xăng chắc chắn sẽ giảm.

Cựu Bộ trưởng Thương mại cảnh báo nhiều nguy cơ 

Một nguy cơ khác mà nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, do các DN Việt Nam chỉ nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc sẽ dẫn đến độc quyền, nguy cơ DN bán xăng của nước này tăng giá bán xăng cao hơn so với thực tế. Theo tính toán, nếu DN xăng Hàn Quốc tăng giá lên từ 3%-5%, với mức thuế nhập khẩu về Việt Nam 10% thì DN nhập khẩu vẫn sẽ chấp nhận vì vẫn có lợi hơn khi nhập từ thị trường khác. Như vậy, ảnh hưởng cuối cùng vẫn là người tiêu dùng Việt Nam.

Theo ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Việt Nam có nhiều hiệp định thương mại với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Mỗi hiệp định lại có quy định khác nhau về lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu đối với xăng dầu, dù tất cả các hiệp định đều hướng tới mức thuế 0%. Hiệp định ANTIGA có lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng từ 20% (năm 2016-2020) xuống 8% (năm 2021-2022), đến năm 2023 là 5% và từ 2024 là 0%. Với Hàn Quốc (Hiệp định VKFTA), lộ trình giảm thuế nhập khẩu với xăng năm 2016-2020 là 10%, từ 2021-2028 là 8%.

Theo ông Tuyển, các DN đều tìm cách nhập khẩu từ thị trường có thuế suất thấp nhất. Thực tế cho thấy, thời gian qua các DN ồ ạt nhập xăng từ Hàn Quốc. “Như vậy rất dễ bị các đối tác ép giá và không loại trừ các DN sẵn sàng trả giá cao hơn để được hưởng mức thuế thấp và người bán nước ngoài hưởng lợi và làm giá bán, trong nước bị đẩy lên, người tiêu dùng bị thiệt”, ông Trương Đình Tuyển cho biết.

Một vấn đề khác được ông Tuyển nhận thấy bất cập là việc Chính phủ cam kết giữ thuế nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn 7% để bảo hộ cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm, tính từ ngày nhà máy này sản xuất thương mại. Như vậy, nếu năm 2018 Nhà máy Nghi Sơn đi vào sản xuất thương mại, thì theo thỏa thuận, Việt Nam phải giữ thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu ở mức không thấp hơn 7% cho đến hết 2028.

Trong khi đó theo ANTIGA, với xăng từ 2023 thuế nhập khẩu đã xuống 5% và từ 2024 là 0%. Diesel và Mazut là 0% từ 2016; còn VKFTA, thuế nhập khẩu Diesel từ 2016 là 5% và từ 2018 là 0%. Riêng Mazut từ 2016 thuế NK đã là 0%. Vậy là phát sinh mâu thuẫn giữa cam kết ANTIGA, VKFTA với cam kết Nghi Sơn.

Theo một số chuyên gia kinh tế, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nên tham mưu để Chính phủ tập trung đưa ra chiến lược phát triển thị trường xăng dầu dài hạn, trong đó cần có những quyết sách quan trọng, mở cửa thị trường xăng dầu sớm hơn cam kết để thị trường lĩnh vực này được cạnh tranh công bằng, đem lại quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng. 

“DN rất dễ bị các đối tác ép giá và không loại trừ các DN sẵn sàng trả giá cao hơn để được hưởng mức thuế thấp và người bán nước ngoài hưởng lợi và làm giá bán trong nước bị đẩy lên, người tiêu dùng bị thiệt”, cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển.
Nguồn: baophapluat

HOTLINE