Những câu hỏi quanh kỳ tích xuất khẩu 2017

Những câu hỏi quanh kỳ tích xuất khẩu 2017


Năm 2017 được coi là một năm “rực rỡ” của bức tranh xuất nhập khẩu khi dự kiến kim ngạch xuất khẩu tăng đến hơn 21%.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải về những câu hỏi quanh kỳ tích xuất khẩu 2017 và định hướng 2018.

Kim ngạch xuất khẩu cả nước tháng 12 ước đạt 19,3 tỷ USD, tính chung cả năm ước đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016. Thưa ông, do đâu mà có con số tăng trưởng ngoạn mục này?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2017 đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào bức tranh tăng trưởng chung của nền kinh tế năm 2017. Xét trên các mặt, kết quả xuất khẩu, nhập khẩu năm 2017 đều khá tích cực.

Đạt được những kết quả trên, trước tiên là thành quả, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; cùng với đó là sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp, coi xuất khẩu là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế.

Sự tăng trưởng ngoạn mục của xuất khẩu cũng là kết quả của chủ trương đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các Hiệp định thương mại tự do, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bên cạnh đó, kinh tế thế giới phục hồi, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ghi nhận ở các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản và các nền kinh tế đang phát triển lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga đã giúp tổng cầu trên thị trường thế giới được phục hồi. Nhờ vậy, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh cả về lượng xuất khẩu và giá hàng hóa xuất khẩu.

Nhưng trước đó, Bộ Công Thương chỉ đưa ra con số tăng trưởng 6-7% cho năm 2017. Tại sao lại có dự đoán thấp như vậy?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Thời điểm cuối năm 2016 và bước sang năm 2017, kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến còn phức tạp, khó lường. Những bất ổn về kinh tế, chính trị ở nhiều nơi làm sụt giảm nhu cầu nhập khẩu tiêu dùng, nhiều nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước và cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu ngày càng gay gắt.

Bên cạnh đó, một số yếu tố khách quan cũng tác động tiêu cực đến sản xuất xuất khẩu của Việt Nam, như việc giá dầu thế giới vẫn ở mức thấp và tác động của biến đổi khí hậu. Do vậy, dự báo tình hình xuất nhập khẩu năm 2017 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Thực tế diễn biến tình hình kinh tế, xã hội trong quý I năm 2017 cho thấy, kinh tế nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng đã gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng GDP quý I đạt thấp, tăng trưởng khu vực công nghiệp đạt thấp. Xuất khẩu nhiều mặt hàng gặp khó khăn về thị trường, tốc độ tăng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến không cao.

Từ thời điểm quý 2, kinh tế thế giới phục hồi, đặc biệt trong quý 3 đã đạt tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản. Các nền kinh tế đang phát triển lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga cũng đã có những tăng trưởng tích cực. Các yếu tố tích cực về nhu cầu đã giúp thương mại hàng hóa trên thị trường thế giới tăng.

Bên cạnh đó, sự quyết liệt trong điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là trong việc triển khai công tác mở cửa, hội nhập để phát triển thị trường xuất khẩu; việc triển khai các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp đã góp phần vào những kết quả đáng khích lệ trên.

Thặng dư thương mại đạt được năm thứ hai liên tiếp – đây có phải tín hiệu mừng khi Việt Nam sắp chủ động được nguồn nguyên liệu?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Những kết quả của hoạt động xuất nhập khẩu năm 2017 là những tín hiệu tích cực, tạo tiền đề cho sự phát triển của xuất nhập khẩu nói riêng và cả nền kinh tế nói chung trong thời gian tới. Cán cân thương mại thặng dư giúp ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỉ giá và kiểm soát lạm phát.

Năm 2017, một số mặt hàng như dệt may, da giầy Việt Nam không những đã phần nào chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước mà còn xuất khẩu nguyên phụ liệu. Đặc biệt, mặt hàng xơ sợi dệt các loại đã có kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,56 tỷ USD, tăng 21,5% so với năm 2016.

Tuy nhiên, nhìn chung công nghiệp hỗ trợ cho nhiều ngành hàng còn chưa sản xuất được các sản phẩm đủ về chất lượng, quy mô để có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Do vậy, định hướng trong năm 2018 và thời gian tới của Bộ Công Thương về phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu là triển khai các biện pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu vào các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; nâng cao tỷ trọng sản xuất hàng xuất khẩu từ nguyên liệu trong nước.

Năm 2017, có thể thấy khối FDI vẫn dẫn trước trong xuất khẩu. Vậy có biện pháp nào để cân bằng với doanh nghiệp trong nước và kết nối 2 khối này?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), các dự án đầu tư có nguồn vốn từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng. Doanh nghiệp FDI đã có những đóng góp quan trọng trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Cụ thể, năm 2013, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) đạt gần 81 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 61,3%; năm 2016, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 126,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 71,5%; năm 2017, con số này là 155,25 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 72,6%.

Tăng trưởng xuất khẩu của khối FDI trong thời gian qua là những thành quả đáng biểu dương, là thành công bước đầu của chính sách thu hút, quản lý và nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài của Đảng và Nhà nước.

So sánh với khối doanh nghiệp trong nước, khối doanh nghiệp FDI sở hữu những lợi thế rõ rệt về các yếu tố sản xuất. Sản phẩm của các doanh nghiệp FDI khi đầu tư ở Việt Nam nằm trong chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu trong khi đó, doanh nghiệp trong nước tập trung vào các nhóm hàng: Nông sản, thủy sản, dầu thô và dệt may nên rất dễ bị tổn thương bởi các cú sốc từ bên ngoài như sự biến động của giá cả trên thị trường thế giới hay sự xuất hiện của các rào cản thương mại mới do nước ngoài áp đặt.

Để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới, đặc biệt là khối doanh nghiệp trong nước, Bộ Công Thương sẽ chú trọng nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, có chính sách mới giúp các doanh nghiệp trong nước được tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp và giúp phát triển thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu; học tập, tiếp thu công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý hiện đại; chú trọng xây dựng thương hiệu, chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông, năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tập trung vào nhóm hàng nào?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2017 đã đạt được những kết quả tích cực. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được trên cả 3 nhóm hàng nông sản, thủy sản, nhiên liệu, khoáng sản và công nghiệp chế biến. Cụ thể:

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu, chiếm hơn 81% tổng kim ngạch xuất khẩu với trị giá xuất khẩu ước đạt 173,5 tỷ USD, tăng 22,4%.

Nhóm hàng nông, thủy sản có sự tăng trưởng tốt, xuất khẩu nông, thủy sản tăng mạnh (ước đạt 25,9 tỷ USD, tăng 16,9%).

Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản: Xuất khẩu ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 27,0% và tăng ở tất cả các mặt hàng, trong đó cao nhất là than đá, tăng 113% về trị giá và 84,7% về khối lượng xuất khẩu. Xuất khẩu dầu thô ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2016.

Trong năm 2017, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu hàng hóa như điện thoại và các loại linh kiện ước đạt 45,1 tỷ USD, tăng 31,4%; hàng dệt may ước đạt 25,9 tỷ USD, tăng 8,8%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 25,9 tỷ USD, tăng 36,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ khác ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 33,1%; thủy sản ước đạt 8,4 tỷ USD, tăng 18,5%…

Bên cạnh đó, có sự đóng góp của nhiều mặt hàng đạt tăng trưởng xuất khẩu cao như rau quả ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 43,1%, gạo ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 22,7%, hóa chất và sản phẩm ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 27,4%, chất dẻo và sản phẩm ước đạt 3 tỷ USD, tăng 18,1%, phân bón ước đạt 263 triệu USD, tăng 25,7%, sắt thép và sản phẩm ước đạt 5,4 tỷ USD, tăng 34,4%.

Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu hiện đang chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 là tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến và giảm dần nhóm hàng nông sản, thủy sản và nhiên liệu, khoáng sản.

Dự kiến cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu trong năm 2018 sẽ tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng của Chiến lược xuất nhập khẩu, tập trung vào nhóm hàng công nghiệp chế biến và các mặt hàng nông sản, thủy sản. Tập trung xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao tỷ trọng sản xuất hàng xuất khẩu từ nguyên liệu trong nước.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: BPL

HOTLINE