Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Những yếu tố chi phối thị trường kim loại năm 2018
Năm 2017, phần lớn tâm điểm của thế giới có thể đã dành cho đà tăng của thị trường chứng khoán, nhưng thị trường kim loại và khoáng sản cũng chứng kiến làn sóng mua mạnh.
Nhờ tăng trưởng kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, ngành kim loại ghi nhận lợi nhuận đạt 24% trong năm nay, theo chỉ số S&P GSCI Industrial Metals Total Return. Với mức lợi nhuận như vậy, năm 2017 cũng đã là một năm thành công đối với giới đầu tư hàng hóa.
Vậy năm 2018, thị trường kim loại và khoáng sản sẽ chịu chi phối bởi những yếu tố chính nào?
Là nước tiêu thụ khoảng một nửa số vật liệu thô của thế giới, Trung Quốc sẽ vẫn ảnh hưởng lớn đến thị trường hàng hóa trong năm 2018.
Chiến dịch chống ô nhiễm môi trường và hạn chế dư thừa năng suất của chính phủ Trung Quốc sẽ là động lực rất lớn để giá nhôm, thép và quặng sắt tiếp tục tăng mạnh trong năm tới. Ngoài ra, hai chiến dịch này cũng sẽ giúp giảm bớt tác động từ xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Trung Quốc và tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản.
Đặc biệt, nhôm sẽ “sáng” nhất thị trường kim loại. “Với triển vọng tăng trưởng sản lượng chỉ đạt 2 triệu tấn trong vòng 5 năm tới trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn rất lớn, xuất khẩu nhôm chắc chắn sẽ giảm dần. Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung, phần còn lại của thế giới lâu nay vốn quen thuộc với những mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc sẽ phải tăng cường sản xuất,” chuyên gia Colin Hamilton tại công ty BMO Capital Markets cho biết.
Đối với thép, việc đóng cửa các nhà máy ô nhiễm môi trường và duy trì những nhà máy hoạt động hiệu quả sẽ kích thích nhu cầu sử dụng quặng sắt chất lượng cao. Theo đó, khả năng sinh lợi của các nhà sản xuất lớn như BHP Billition, Vale và Rio Tinto cũng sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, giới phân tích và đầu tư vẫn phải theo dõi tốc độ tăng trưởng kinh tế ngoài Trung Quốc. Trong bối cảnh lượng đơn hàng cũng như hoạt động sản xuất tăng trưởng mạnh mẽ tại các nước công nghiệp lớn, thị trường rất có thể sẽ bắt đầu dự trữ kim loại trở lại.
Phần lớn giới phân tích đều dự báo thị trường đồng sẽ cân bằng trong năm 2018, khi nguồn cung đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Điều duy nhất có thể khuấy động thị trường trong năm tới là việc Chile và Peru, hai nước sản xuất đồng lớn nhất thế giới, sẽ thỏa thuận lại hợp đồng đối với người lao động để tránh tình trạng đình công.
Ngân hàng Citibank ước tính sẽ có gần 30 đợt thỏa thuận hợp đồng lao động trong vòng 12 tháng tới và có thể ảnh hưởng tới 25% nguồn cung đồng toàn cầu.
Hiện tại, giá đồng đang ở sát ngưỡng 7000 USD/tấn, và người lao động trong ngành này cũng không dễ dàng bỏ cuộc. Nếu công nhân đình công trên diện rộng, giá đồng sẽ biến động mạnh trong năm tới.
Năm 2017 vẫn được xem là một năm thành công đối với vàng khi giá tăng gần 10% kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, kim loại này vẫn bị lép vế so với đà tăng kỷ lục của thị trường chứng khoán Mỹ, đặc biệt vào những tháng cuối năm. Sau khi vượt ngưỡng 1.350 USD/ounce vào hồi đầu tháng 9 và lên cao nhất hơn một năm, giá vàng giảm trở lại về khoảng 1.260 USD/ounce.
Các chiến lược gia tại Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng, giá vàng sẽ tiếp tục giảm trong vài tháng tới vì ba yếu tố sau: các nền kinh tế phát triển tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, và thế giới không còn rủi ro về địa chính trị hoặc suy thoái kinh tế .
Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích Jonathan Butler tại công ty Mitsubishi, giới đầu tư có thể vẫn cần đến vàng để trú ẩn, để tránh rủi ro thị trường chứng khoán đảo chiều đột ngột và nợ công tăng, nhất là sau khi chính sách giảm thuế của Tổng thống Donald được thông qua.
Bước qua năm 2018, đà tăng của giá vàng có thể vẫn được hỗ trợ. Theo số liệu của Bloomberg, sở hữu của giới đầu tư tại các quý ETF vàng đã tăng 11% trong năm nay lên 71,4 triệu ounce, và điều này chứng tỏ giới đầu tư vẫn trung thành với kim loại quý này.
Nguồn tin: Vinanet