Ông Nguyễn Duy Hưng: Cuộc chơi ‘lách luật’ sẽ chỉ dành cho ‘người cô độc’

Ông Nguyễn Duy Hưng: Cuộc chơi ‘lách luật’ sẽ chỉ dành cho ‘người cô độc’


Ở thời điểm này, tôi có thể khẳng định, nền kinh tế nói chung và TTCK đã minh bạch hơn rất nhiều so với cách đây 10 năm và “mơ cũng không có” so với thời gian đầu khai mở. Chúng ta đừng mong điều gì đó tuyệt đối, song xu hướng minh bạch tốt dần lên mới quan trọng.

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) trong cuộc trao đổi với PV TBTCVN trước thềm Xuân mới Mậu Tuất 2018.

* PV: Thị trường chứng khoán (TTCK) đã kết thúc năm 2017 với kết quả rất tích cực và nhiều dự báo cho rằng TTCK năm 2018 sẽ còn tiếp tục“thăng hoa”. Ông cócảm nhận như thế nào?

– Ông Nguyễn Duy Hưng: Tất nhiên là tôi vui, nhưng nếu chỉ vì chứng khoán “thăng hoa” thì chưa hẳn, bởi bản thân chứng khoán không tự “thăng hoa” được.

Tôi vui vì nền kinh tế Việt Nam đã có những bước đi đúng hướng, bền vững hơn và bắt đầu cho kết quả tích cực; đồng thời, niềm tin của nhà đầu tư chứng khoán trong và ngoài nước đối với nền kinh tế nói chung và TTCK Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều. Chứng khoán đã và sẽ còn “thăng hoa” khi nhà đầu tư đặt niềm tin vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, cũng như TTCK.

* PV: Không thể phủ nhận, kinh tế vĩ mô là lực đỡ rất quan trọng cho TTCK. Theo ông, khi nào kinh tế vĩ mô được đánh giá là tốt về mặt thực chất?

 
 
Năm 2018 sẽ là năm tốt nhất của nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng trong 10 năm trở lại đây, thậm chí trong 17 năm tồn tại và phát triển của TTCK Việt Nam. Thị trường sẽ thực hiện hiệu quả hơn nữa sứ mệnh cốt lõi của mình là huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, mà không chỉ đơn thuần là sự tăng trưởng của chỉ số, thanh khoản, hay quy mô.

Ông Nguyễn Duy Hưng

 

– Ông Nguyễn Duy Hưng: Về mặt bản chất, nền kinh tế tốt bền vững thì mới mang được sự tăng trưởng “chiều sâu” của TTCK.

Chúng ta thấy, định hướng và thực tiễn tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng dịch chuyển dần sang khu vực sản xuất, kinh doanh, thay vì giai đoạn trước đây chủ yếu là đầu cơ tài sản. Đây là yếu tố cơ bản mang tính nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Chúng ta rất khó để so sánh nền kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế của các nước phát triển, mà sự đánh giá phải dựa trên các điều kiện và từng giai đoạn cụ thể. Vậy khi nào thì có thể đánh giá được một nền kinh tế tốt?

Một nền kinh tế tốt là khi Nhà nước hoạch định được chiến lược phát triển phù hợp cho từng giai đoạn cụ thể và phải mang tầm nhìn dài hạn. Từ chiến lược đó, cần xây dựng được các tiêu chí ngắn hạn để nhắm tới mục tiêu dài hạn và quan trọng là khả năng đạt được phải “trong tầm tay”.

Nếu hôm nay, chúng ta nói về kết quả của nền kinh tế5 hay mười năm tới thì quá sớm, nhưng những bước đi ban đầu trên định hướng “Chính phủ kiến tạo” đã phần nào cho thấy xu hướng tích cực.

Trên tinh thần đó, Nhà nước không cung cấp nguồn lực mà kiến tạo chính sách để huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế là rất hợp lý. Điều này là phù hợp và nếu tiếp tục được “giữ nhịp” và có sự điều chỉnh theo hướng tích cực, thì khung chính sách cho phát triển kinh tế vĩ mô trung và dài hạn sẽ rất tốt.

Từ phía nhà đầu tư và doanh nghiệp, họ rất quan tâm đến khả năng thực hiện những kế hoạch được đặt ra trong tương lai, nếu họ có niềm tin đủ lớn thì nền kinh tế sẽ phát triển thuận lợi.

Do vậy, tôi cho rằng, nền kinh tế Việt Nam tốt nhất là khi các thành phần trong nền kinh tế đều cảm thấy khỏe mạnh, có niềm tin và được cạnh tranh lành mạnh.

* PV: Nhiều ý kiến cho rằng, TTCK đang bước vào giai đoạn chuyển mình theo hướng cần tăng cường mạnh phát triển bền vững và để thúc đẩy được điều này thì cần quan tâm đến những vấn đề mà nhà đầu tư chú ý, mong muốn. Vậy theo ông, nhà đầu tư đang mong muốn điều gì?

– Ông Nguyễn Duy Hưng: Theo tôi, nhà đầu tư quan tâm lớn nhất đối với TTCK là tính minh bạch và sự bình đẳng giữa các thành phần tham gia. TTCK có thiếu một số thứ, nhưng không thể thiếu “tính thị trường” và điều quan trọng nhất của một thị trường là sự minh bạch và bình đẳng, để thu hút ngày càng nhiều đối tượng tham gia.

Cơ quan quản lý cũng đã đề cao và dần có những bước đi thiết thực hơn để nâng tính minh bạch, bình đẳng trên TTCK. Minh chứng như trong công tác xử lý vi phạm, các hành vi mang tính chủ đích, trục lợi hay “lặp đi lặp lại” đã bị phạt rất nặng.

Dù rằng, để làm được điều này là hoàn toàn không dễ, nhưng phần nào đã cho thấy “thẻ đỏ ra thẻ đỏ, thẻ vàng ra thẻ vàng”. Tôi tin rằng điều này trong tương lai cơ quan quản lý sẽ còn làm tốt hơn. Để làm cho TTCK minh bạch hơn, chúng ta khó có thể kỳ vọng “hôm nay đang có tiêu cực, ngày mai sẽ tốt hoàn toàn”, nhưng rõ ràng, điều tích cực càng nhiều thì bản thân nó đã đẩy lùi “cái tiêu cực”.

Tôi cũng muốn chia sẻ thêm rằng, không thể có một thị trường nào mà “cái tiêu cực” bằng “0”, song chúng ta phải làm để “nhân rộng cái tốt, triệt tiêu cái xấu”.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn.

* PV: Người ta nói nhiều tới yếu tố niềm tin trên TTCK trong những năm qua. Ông nghĩ thế nào về “chỉ số niềm tin” trên TTCK Việt Nam hiện nay? Theo ông, chúng ta cần làm gì để thúc đẩy gia tăng niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường?

– Ông Nguyễn Duy Hưng: Như tôi đã từng chia sẻ, đầu tư chứng khoán là đầu tư vào tương lai, do đó, niềm tin là yếu tố song hành với TTCK. Niềm tin và sự tăng trưởng của TTCK cũng gần giống với câu chuyện “con gà, quả trứng” – niềm tin tăng thì thị trường tăng và ngược lại. Nói như thế để thấy rằng, TTCK Việt Nam đã tốt lên rất nhiều cũng là khẳng định cho việc niềm tin của nhà đầu tư đang gia tăng.

Điều đáng bàn luận ở đây là, niềm tin được khởi tạo từ mỗi con người thông qua đánh giá cá nhân của họ về các yếu tố vĩ mô, nhưng việc giữ niềm tin cho thị trường thì vai trò của các cơ quan quản lý lại vô cùng quan trọng. Khi đầu tư có thể “lời ăn, lỗ chịu”, nhưng niềm tin sẽ dần bị hao mòn nếu nhà đầu tư “thua lỗ mà có cảm giác bị ai lừa”.

* PV: Để TTCK phát triển bền vững, thìminh bạch, công bằng được coi là một trong những yếu tố tiên quyết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, nếu chỉ nhờ vào riêng vai trò của luật pháp hay các văn bản pháp lý từ cơ quan nhà nước thì khó lòng cho hiệu quả tối ưu? Vậy theo ông, để thị trường bền vững minh bạch, chúng ta cần thêm điều gì?

– Ông Nguyễn Duy Hưng: Ở thời điểm ngày hôm nay, tôi có thể khẳng định, nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng minh bạch hơn rất nhiều so với cách đây 10 năm và “mơ cũng không có” so với thời gian đầu khai mở. Chúng ta đừng mong điều gì đó tuyệt đối, song xu hướng minh bạch tốt dần lên mới quan trọng.

Như tôi đã nói ở trên, thị trường sẽ luôn tồn tại “cái xấu” và “cái tốt”, do đó, cần phải tạo mọi điều kiện để “nâng tầm cái tốt, “ép” cái xấu suy yếu”, thì trên bình diện chung “minh bạch và công bằng” cũng đi lên. Cái quan trọng ở đây là chúng ta không thỏa mãn với những điều làm được và xác định còn rất nhiều việc phải làm, thì tôi tin mọi việc sẽ tốt hơn nữa.

Trên thị trường tài chính luôn tồn tại hai điều ràng buộc là hệ thống luật pháp và đạo đức nghề nghiệp. Do đó, để tính minh bạch được phát huy, bên cạnh hệ thống luật pháp tốt, thì đạo đức nghề nghiệp cần được đẩy mạnh.

Pháp luật hướng các nhà đầu tư trên thị trường không được đi “chệch” đường, còn đạo đức nghề nghiệp hướng họ đi theo những điều tốt nhất trong từng chặng đường.Điểm mấu chốt của niềm tin bền vững hay không có thể phụ thuộc phần nhiều vào đạo đức nghề nghiệp tốt ở mức nào.

Cá nhân tôi cho rằng, nếu ai đó nghĩ rằng, lợi dụng được kẽ hở của luật pháp để trục lợi trên thị trường là “thắng” thì thực chất họ đã “thua”. Có thể họ “thắng” vì thu được lợi ích ngắn hạn, nhưng về dài hạn là “thua”, bởi không ai có thể mua được ý nghĩ của người khác.

Tôi luôn có suy nghĩ rằng, không ai có thể chấp nhận việc “bị lừa” mãi và khi thị trường phát triển lên một tầm thế mới, cuộc chơi “lách luật” chỉ dành cho những “người cô độc” bởi họ đã tự mình đánh mất niềm tin trong lòng người khác.

* PV: Xin cảm ơn ông!

 

Nguồn: NDH

HOTLINE