Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Theo PCI 2017, cải cách hành chính có bước tiến, chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính đang có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ DN cả dân doanh và DN FDI có kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới đều ở mức cao nhất kể từ năm 2011, lần lượt là 52% và 60%.
Công bố báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017
Sáng nay (22/3), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017.
Điều tra PCI 2017 ghi nhận sự cải thiện chất lượng điều hành rất ấn tượng của chính quyền địa phương cả nước. So với những năm trước, các chính quyền giải quyết kịp thời hơn các khó khăn, vương mắc của DN.
Các DN FDI cũng đánh giá môi trường kinh doanh tại Việt Nam tích cực hơn. Thời gian cần thiết để hoàn tất các thủ tục cấp phép đầu tư đã cải thiện đáng kể.
DN “hào hứng” mở rộng quy mô kinh doanh
Theo PCI 2017, cải cách hành chính có bước tiến, chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính đang có nhiều chuyển biến tích cực. 72% cán bộ, công chức giải quyết công việc hiệu quả; tỷ lệ cán bộ nhà nước thân thiện tăng so với năm 2015 (đạt 67%).
67% DN cho biết, “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định”, được tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc DN tại tỉnh; và chỉ 13% nội dung làm việc các đoàn thanh tra, kiểm tra bị trùng lặp (giảm so với 26% năm 2015).
Với môi trường kinh doanh cởi mở và cải thiện hơn, năm 2017, các DN có tâm lý lạc quan về triển vọng kinh doanh. Tỷ lệ DN cả dân doanh và DN FDI có kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới đều ở mức cao nhất kể từ năm 2011, lần lượt là 52% và 60%.
Tỷ lệ DN dân doanh có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa là rất thấp, chỉ ở mức 8%.
Những gánh nặng thủ tục giai đoạn hậu đăng ký đối với DN FDI như bảo hiểm xã hội, thuế, lao động cũng đã giảm bớt so với những năm trước.
Giảm tỷ lệ DN phải chi trả chi phí không chính thức
Các DN trong nước phải chi khoảng 3-4% doanh thu cho các khoản chi không chính thức, trong khi các DN FDI chỉ phải chi khoảng 1-2% doanh thu.
Nhưng năm 2017, tỷ lệ DN phải chi trả chi phí không chính thức giảm còn 59% so với 66% năm 2016; và chỉ còn 9,8% DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức (tỷ lệ này năm 2015 là 11,1%).
PCI 2017 tập trung điều tra 6 loại chi phí không chính thức của các DN FDI. Trong đó, sử dụng quy định để nhũng nhiễu; trả chi phí không chính thức cho CB thanh, kiểm tra; trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục thông quan; khi làm thủ tục đất đai đều giảm so với năm 2016.
Riêng yếu tố “không sử dụng tòa án vì lo ngại tình trạng “chạy án” (18,9%) và “công việc được giải quyết sau khi trả chi phí không chính thức” (50,3%) tăng.
Thông qua điều tra PCI 2017, các nhà phân tích kinh tế VN đã liên tục chỉ ra vấn đề “thiếu vắng DN cỡ vừa”, các DN trong nước có quy mô đủ lớn và đủ khả năng để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu
Các DN mong muốn chính quyền các cấp tiếp tục duy trì đà cải cách môi trường kinh doanh của năm 2017 trong thời gian tới. Cụ thể, trong một số lĩnh vực như thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy…
Việt Nam cần có chiến lược và chính sách hiệu quả để nâng cao chất lượng lao động, nhất là nhân lực trình độ cao, nhóm hoạt động mà các DN hiện gặp khó khăn trong tuyển dụng.
PCI 2017 cho thấy, Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với điểm với 70,7 trên thang điểm 100, đứng đầu bảng xếp hạng. 5 TP trực thuộc TƯ lần đầu tiên cùng có mặt trong top 15 tỉnh TP có chất lượng điều hành tốt nhất của năm 2017.
“Cải thiện tích cực là xu hướng chủ đạo trong môi trường kinh doanh của Việt Nam năm vừa qua. Các địa phương đang tích cực vào cuộc, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động áp dụng thực tiễn, kinh nghiệm tốt của những tỉnh dẫn đầu trong cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh của mình”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận xét.
Nguồn: BPL