Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Dư luận đã bức xúc quá nhiều về những con tàu vỏ thép vươn khơi của ngư dân Bình Định phải nằm bờ do chất lượng kém, lỗi thuộc về các doanh nghiệp đóng tàu. Những doanh nghiệp này chối bỏ trách nhiệm của mình, đổ lỗi cho “nước biển mặn” và ngư dân “không biết vận hành”.
(Ảnh từ internet)
Mọi chuyện đã rõ ràng sau khi có kết quả kiểm định. Đến ngày 30/1, 2 đơn vị đóng tàu là Cty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) và Cty TNHH Đại Nguyên Dương đã hoàn thành việc sửa chữa, thay máy mới và sơn lại 20 tàu vỏ thép 67 của ngư dân tỉnh Bình Định bị hư hỏng.
Cụ thể, 5 tàu vỏ thép do Cty TNHH Đại Nguyên Dương sửa chữa, sơn lại toàn bộ thân vỏ tàu, sửa chữa một số hư hỏng theo đề nghị của ngư dân. Đối với 16 tàu vỏ thép do Cty TNHH MTV Nam Triệu, Bộ Công an sửa chữa, 4 tàu cuối cùng đã xuống nước tại Nhà máy đóng tàu Cam Ranh (Khánh Hòa).
Dự kiến, ngày 4/2 tới, Cty TNHH MTV Nam Triệu sẽ hạ thủy 4 tàu vỏ thép được sửa chữa tại Nhà máy đóng tàu Cam Ranh (Khánh Hòa). 4 tàu này đã được thay máy chính mới và đang trong giai đoạn hoàn chỉnh, chờ ngày hạ thủy. Hiện có 1 tàu vỏ thép đã sửa chữa xong, nhưng ngư dân chưa hạ thủy cho tàu ra khơi và 1 tàu sửa chữa xong đã ra khơi nhưng lại bị hỏng phải lai dắt vào Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện chưa xác định rõ nguyên nhân hỏng.
Trong một diễn biến khác, một ngư dân ở tỉnh Quảng Nam đã kiện Cty đóng tàu vỏ thép mà máy kém chất lượng ra Tòa. Tòa sơ thẩm đã xử cho ông thắng kiện, buộc Cty đóng tàu phải bồi thường cho ông 2,8 tỷ đồng. Do Cty đóng tàu kháng án, phiên phúc thẩm tuyên buộc công ty đã cung cấp máy phải bồi thường cho nguyên đơn hơn 1,5 tỷ đồng. Tuy bị thua thiệt, nhưng ngư dân này vẫn có thể thay máy mới và đưa con tàu vào sử dụng. Vấn đề là trách nhiệm bồi thường cần thực hiện sớm ngày nào, tốt ngày đó. Có thể coi đây là “án lệ” khi xét xử vụ hai Cty thuộc hàng “ông lớn” đã đóng tàu “rởm” cho các ngư dân Bình Định.
Cũng như các vụ kiện cáo khác giữa nông dân và doanh nghiệp, giữa những người chăn nuôi với cơ sở gây ô nhiễm, phần thua thiệt thường rơi về phía những người yếu thế, chỉ thạo việc đồng áng, chăn nuôi mà không thể biết đến những lắt léo của hành trình tố tụng. Pháp luật, cụ thể hơn là những người thực thi pháp luật (và cả những tổ chức trợ giúp pháp lý, luật sư, luật gia,…) khi phân xử những việc này cần đứng về những người yếu thế. Như vậy, mới đảm bảo và góp phần vào việc xây dựng một xã hội công bằng.
Nguồn: BPL