Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Theo Đại đức Thích Bản Tuệ (chùa An Viên, Hải Phòng), sau khi cúng ông Công ông Táo các gia đình nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt là gian bếp để tránh trướng khí xâm nhập vào gia đình và nghênh đón Táo ông Táo bà trở về gia đình.
Theo quan niệm Phật giáo, lễ cúng ông Công ông Táo là lòng thành của gia chủ đối với các bậc thần linh. Do vậy, tùy từng hoàn cảnh, các gia đình sẽ sắm mâm cúng ông Công ông Táo theo các mức độ khác nhau. Nhưng phần không thể thiếu đối với mâm cúng ông Công ông Táo chính là chén nước thanh thủy, một vài bông hoa, đĩa muối, đĩa gạo và bộ mũ áo cho Táo ông Táo bà. Hầu hết các gia đình Việt đều rất coi trọng mâm cúng ngày 23 tháng Chạp hàng năm.
Sau mâm cúng, các gia đình nên thực hiện theo các bước sau đây để rước lộc về nhà.
Theo Đại đức Thích Bản Tuệ (chùa An Viên, Hải Phòng), sau khi cúng ông Công ông Táo các gia đình nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt là gian bếp để tránh trướng khí xâm nhập vào gia đình và nghênh đón Táo ông Táo bà trở về gia đình. Bên cạnh đó, các gia đình còn cần cắt tỉa chân hương, dọn dẹp và làm sạch bàn thờ. Vì trong 1 năm, bàn thờ có thể bị bụi, bẩn.
Việc cắt tỉa chân hương cần được thực hiện tuần tự, nhẹ nhàng để tránh va đập. Sau mâm cúng ông Công ông Táo, các gia đình cần thắp thêm một tuần hương nữa, vái lạy các bậc thần linh, tổ tiên ông bà cho phép gia chủ được dọn dẹp bàn thờ, rồi từ tốn hạ mâm cúng, lễ vật. Bát nhang cần để lại 3 đến 5 chân nhang cũ. Tro đốt chân nhang sẽ được hóa ra sông, ao, hồ.
Bàn thờ sau khi được dọn dẹp sạch sẽ được gia chủ đặt bát nhang, đèn, hương trở lại vị trí cũ một cách ngay ngắn và cẩn trọng. Cũng theo Đại đức Thích Bản Tuệ, Phật giáo coi con người là pháp khí linh thiêng nhất. Con người có tâm trong sáng, ngay thẳng sẽ không ma quỷ nào dám lấn át. Do vậy, việc cúng lễ ông Công ông Táo cần được làm một cách thành tâm. Hơn hết, con người sẽ cảm thấy yên, bình an khi hướng thiện, thực hành làm việc tốt.
Liên quan tới những việc gia chủ cần thực hiện sau mâm cúng ông Công ông Táo, PGS.TS Phạm Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) còn cho biết, ở vùng nông thôn Bắc bộ, gia chủ thường lấy vôi bột rắc và vẽ thành hình cung, tên ở cửa ngõ xung quanh nhà. Gia đình nào cũng làm vậy để thay ông Công ông Táo trấn ải vùng đất của họ trong 7 ngày Táo quân vắng mặt.
Tuy nhiên, trong đời sống hiện đại đặc biệt là các thành phố lớn, tục lệ này đã ít nhiều bị mai một. Thay vào đó là các hoạt động thực hành tín ngưỡng phù hợp hơn với cuộc sống ngày nay. Trong đó đáng kể nhất vẫn là việc làm sạch nhà cửa để đón các vị thần linh trở về gia đình và cũng là một hành động để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Nguồn: BPL